Khi được hỏi về tham vọng của Trung Nam trong những lĩnh vực đang hoạt động, CEO Nguyễn Tâm Tiến nói: "Chúng tôi không bao giờ đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu hay "ông trùm" gì cả, vì danh hiệu có thì dễ, mà giữ thì rất khó và mệt mỏi. Chỉ là năm sau mục tiêu hơn làm tốt năm trước, có cơ hội thì sẽ làm".
Vì sao Trung Nam quyết định đầu tư vào năng lượng tái tạo ngay từ thời điểm chưa có giá FIT, dù lĩnh vực này không phải đơn giản và thời điểm đó cũng chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước làm?
Năng lượng đúng là một lĩnh vực khó vì là một ngành đòi hỏi vốn lớn cũng như kỹ thuật cao, nhưng đứng ở góc độ nào đó, thì doanh nghiệp Việt có cơ hội để sản xuất ra sản phẩm cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài, vì điện nào cũng như điện nào. Chứ ví dụ nếu đi vào lĩnh vực sản xuất, câu chuyện cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều.
Khi chọn hướng phát triển, đối với tôi, bài toán không phải khó hay dễ, mà là thị trường có cần hay không. Rõ ràng, với tốc độ phát triển kinh tế cao của Việt Nam, nhu cầu cho năng lượng là rất lớn, trước điện gió, điện mặt trời, chúng tôi cũng đã làm thủy điện.
Còn sau này, khi đã có cơ chế giá FIT, thì doanh nghiệp ở đâu cũng vậy, khi cơ hội đến, họ giống như những con ong, "thấy ở đâu có mật thì bay vào đó". Trung Nam cũng không ngoại lệ, nơi nào có lợi nhuận, có tiềm năng, cơ hội phát triển ổn định lâu dài thì Trung Nam sẽ hướng đến.
Mặt khác, Nghị quyết 55 đã giúp lĩnh vực năng lượng cởi mở hơn, thoáng hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước. Nếu ngành năng lượng được xã hội hóa, Chính phủ cho doanh nghiệp một đòn bẩy, thì kết quả đạt được sẽ rất lớn. Điển hình như năng lượng áp mái trong năm 2020, đạt sản lượng ngoạn mục đến hơn 9.000 MW.
Vậy còn việc chuyển nhượng các dự án điện trong thời gian gần đây, Trung Nam có mục đích gì? Ông nghĩ gì về lo ngại của một số chuyên gia về rủi ro đối với an ninh năng lượng khi có các dự án được chuyển nhượng như vậy?
Đối với doanh nghiệp, tiền là máu, phải chảy, ngừng chảy là chết. Vì thế, việc chuyển nhượng này, cũng là cách để làm mình khỏe hơn.
Ví dụ như tôi mua xe chạy du lịch, ngành du lịch phát triển, làm ăn tốt, mà tôi cứ giữ xe đó tự chạy cho mình, thì mãi mãi cũng chỉ chở được từng đó. Vậy chẳng bằng tìm một đối tác, chuyển nhượng 30-35%, dùng tiền đó rồi vay thêm mua chiếc xe nữa thì sẽ có hai chiếc xe để chở khách. Năng lượng cũng vậy thôi, nếu bán thì có tiền làm thêm dự án nữa, không bán thì không thể đẩy mạnh dòng tiền và chứng minh cho ngân hàng thấy rằng mình có khả năng phát triển.
Mặt khác, phải nói rằng, về luật, không ai cấm các chủ đầu tư chuyển nhượng cổ phần của mình cũng như giới hạn tỷ lệ chuyển nhượng, trừ một số lĩnh vực luật quy định. Nhưng riêng Trung Nam, chúng tôi tự đặt ra nguyên tắc không bán cổ phần chi phối các dự án điện của mình.
Khi chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi đã thỏa thuận trước, rằng Trung Nam sẽ vận hành các nhà máy của mình. Các nhà đầu tư có thể tham gia về mặt tài chính, nếu cảm thấy có cơ hội. Trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi tự tin có thể tự vận hành tốt và không muốn mất đi quyền kiểm soát.
Chúng tôi cũng ưu tiên các nhà đầu tư trong nước trước, rồi mới tính tới các nhà đầu tư nước ngoài, và phải xem xét các nhà đầu tư có năng lực lõi và nền tảng tốt.
Còn về an ninh năng lượng, tôi tin tưởng EVN đã nắm vững việc truyền tải và phân phối. Trên thực tế, chúng ta cũng đã có những dự án điện mà nhà đầu tư nước ngoài nắm gần như hoàn toàn cổ phần, mà còn là nhà máy chạy nền, nhiệt điện, lên tới hàng nghìn MW. Nhưng rõ ràng, EVN vẫn bảo vệ tốt an ninh hệ thống năng lượng.
Ninh Thuận là địa phương mà Trung Nam có đầu tư rất lớn vào lĩnh vực năng lượng. Có những lý do gì khiến Trung Nam chọn nơi này?
Trước khi có đầu tư năng lượng, Ninh Thuận được xem là vùng chỉ có nắng và gió, và đây được xem là thách thức đối với phát triển kinh tế. Vì trong thiên nhiên, chính nắng và gió tạo ra vùng hoang hóa. Lúc đó, hạ tầng du lịch cũng còn rất kém phát triển ở Ninh Thuận, nên chủ yếu người dân chỉ làm nông nghiệp.
Nhưng là một nhà đầu tư, khi nhìn vào địa phương thì phải nhìn vào tiềm năng, chứ nếu nhìn vào hạn chế thì đầu tư sao được?
Chúng tôi là nhà đầu tư năng lượng, nên nắng và gió chính là thuận lợi. Thậm chí, đây còn là nơi duy nhất có thể làm được tổ hợp điện gió – mặt trời. Thường những nơi đã làm được điện mặt trời, thì rất ít gió, nên tổ hợp này có thể nói là độc nhất vô nhị.
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, việc đầu tư có nhiều khó khăn bất lợi, về cơ sở hạ tầng, lao động địa phương, việc di chuyển, ăn ở cho người lao động… Nhận thức được những hạn chế đó, nên khi chúng tôi quyết định đầu tư, lãnh đạo địa phương rất chào đón. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, Sở ban ngành hỗ trợ trong việc giải quyết các chính sách tại địa phương.
Vì những thuận lợi đó, nên đến thời điểm này, chúng tôi rất trân quý Ninh Thuận. Tuy đây là địa phương nhỏ, cả về quy mô kinh tế và dân số, nhưng con người ở đây rất hiếu khách, chào đón nhà đầu tư và đặt lợi ích của tỉnh lên trên hết.
Tính đến hết năm vừa rồi, chúng tôi đã đầu tư vào Ninh Thuận hơn 1,5 tỷ USD, mỗi năm mang lại doanh thu trên địa bàn hơn 5.400 tỷ VND.
Ngoài các dự án điện, mới đây, Trung Nam cũng cho biết đã mua lại dự án Cảng Cà Ná. Với dự án này, Trung Nam có tham vọng gì?
Hiện nay, Trung Nam đang đầu tư Cảng tổng hợp Cà Ná. Cảng này sẽ mở ra một cánh cửa để phát triển kinh tế vùng rất tốt.
Những cảng lớn của TP. HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tương lai rồi cũng sẽ đầy công suất, vì sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam. Ninh Thuận rất gần TP. HCM, đường cao tốc cũng chuẩn bị được xây dựng, nếu giải tỏa cả đường biển, đường bộ, đường sắt một cách đồng bộ thì khu vực này sẽ phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, chính phủ đã đồng ý cho quy hoạch trung tâm điện khí Cà Ná LNG. Cà Ná có địa hình tự nhiên cảng sâu nên tàu vào rất thuận lợi. Nếu làm điện khí Cà Ná, cảng Cà Ná cũng sẽ được phát triển vì có 2 kè chắn sóng bao cảng lại và 25 phân khu của cảng Cà Ná sẽ phát triển cùng với điện khí Cà Ná.
Hiện nay, tỉnh rất nhạy trong việc quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp và khu đô thị để thu hút chuỗi sản xuất dịch chuyển tại đây. Nên cá nhân tôi nghĩ, với cả góc độ kỹ thuật và kinh tế, thì điểm trung tâm điện khí Cà Ná cũng như cảng Cà Ná sẽ là điểm "mở toang" kinh tế cho cả vùng này.
Trong 2 năm trở lại đây, các tỉnh ở khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã đón được dòng vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng, thậm chí đưa nhiều tỉnh trước đây là vùng trũng FDI, trở thành nơi nhận FDI lớn nhất. Theo ông, xu hướng đó có thể kéo dài không hay sẽ đến lúc chững lại?
Ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực năng lượng đang có cầu rất lớn, đang thu hút vốn rất lớn. Vì cung - cầu còn đang lệch nên mảng năng lượng sẽ tiếp tục thu hút vốn cho đến khi nào bão hòa.
Việc chênh lệch về nhu cầu dùng điện giữa giờ cao điểm – và thấp điểm quá lớn cũng phần nào thể hiện nền công nghiệp của chúng ta không mạnh như các nước phát triển. Ở các quốc gia phát triển, nhu cầu cấp điện cho tiêu dùng, dịch vụ và công nghiệp đều tương đối ổn định. Còn ở các quốc gia như Việt Nam, điện chủ yếu phục vụ cho sản xuất, nhưng lại chỉ cao điểm vào giờ đi làm, là do tự động hóa vẫn còn thấp.
Còn về xu hướng, thì đến khi nhu cầu về điện của xã hội và khả năng cung cấp cân bằng, các nhà đầu tư tất nhiên sẽ không còn mặn mà như trước nữa. Bất cứ lĩnh vực nào rồi cũng sẽ đến lúc bão hòa đối với nguồn đầu tư.
Theo ông, tại sao thời gian gần đây có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến năng lượng tái tạo Việt Nam thông qua hình thức M&A? Hiện này cũng có những doanh nghiệp chào bán dự án ngay khi còn chưa lắp pin, hoàn thành dự án, ông nghĩ thế nào về việc này?
Phải nói, bán lúa non, lúa chín hay nấu gạo thành cơm rồi bán trong các nhà hàng cũng là một nghệ thuật (cười).
Một số doanh nghiệp khi xin dự án rồi, có bán ngay cho nước ngoài họ cũng không mua. Các nhà đầu tư nước ngoài, thường khi dự án đã có được các chứng nhận đầu tư rồi họ mới vào mua, đơn giản vì họ không chấp nhận những rủi ro đó. Còn Trung Nam thì chỉ đơn giản là xây dựng ra thành phẩm, "nuôi con cho lớn rồi mới gả", vì lúc đó giá còn thấp.
Chúng tôi sẽ có sự chuyển nhượng, nhưng lựa chọn thời điểm phù hợp mới bán, để có thể phát triển thêm lên.
Mức giá điện gió sau tháng 10/2021 có tạo ra áp lực lớn với Trung Nam không?
Bất kỳ một thay đổi nào về cơ chế giá đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong đó có Trung Nam. Thời hạn ưu đãi giá FIT tạo ra một cuộc đua điện gió, thậm chí còn khốc liệt hơn nhiều so với điện mặt trời.
Đầu tư vào điện gió có thời điểm giảm giá một chút, nhưng rồi lên lại vì sắt thép, giá dầu đang tăng. Còn điện mặt trời thì tấm pin - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá thành - đang giảm giá rồi.
Mặt khác, dự án điện gió để thực hiện phải mất tới một năm đo gió, một năm đặt thiết bị và ít nhất một năm lắp đặt - với điều kiện phải có kinh nghiệm.
Bây giờ các doanh nghiệp khác cũng đang phải cạnh tranh rất khốc liệt. Qua nhiều đợt Covid-19, các đơn hàng bị trì hoãn. Các nơi sản xuất thiết bị điện đều bị ảnh hưởng bởi dịch. Các thiết bị phục vụ lắp đặt điện gió cũng không đủ. Chuyên gia nước ngoài không sang kịp và bản thân lao động Việt Nam ở một số địa phương cũng bị giãn cách xã hội dẫn đến cản trở công việc. Nên tình hình rất căng thẳng, tôi vẫn mong Chính phủ có thể giữ thời hạn giá FIT điện gió thêm một thời gian nữa.
Trong năm nay, Trung Nam có những "deadline" điện gió nào cần phải thực hiện?
Trong năm nay, chúng tôi phải hoàn thành 3 dự án điện gió. Một dự án 400 MW ở Đắk Lắk, một dự án 150 MW ở Trà Vinh và một dự án nhỏ hơn, 50 MW ở Phước Hữu.
Việc chạy đua tiến độ có vẻ đã thành thương hiệu của Trung Nam?
Có một danh hiệu thì không khó, những giữ được danh hiệu đó thì rất khó. Trung Nam có thể không phải là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô dự án, nhưng chúng tôi đảm bảo chất lượng, an toàn và đặc biệt, thời gian luôn phải nhanh nhất. Để đảm bảo việc đó, chuyện ăn ngủ cùng anh em dự án với tôi là thường (cười).
Ví dụ như nhà máy điện mặt trời 450 MW kết hợp đường dây 500kV ở Ninh Thuận, ai dám làm dự án đó trong 4 tháng? Nhưng riêng Trung Nam, nếu mà không xong dự án đó, chắc ai đó tìm quanh quanh cái cầu nào đó lại thấy tôi, mà còn mỗi đôi giày thôi (cười lớn).
Cả một dự án mười mấy nghìn tỷ không kịp hưởng giá FIT, chúng tôi chỉ có nước sạt nghiệp (cười). Nhưng dám làm thì phải chấp nhận cuộc đua khốc liệt.
Tất nhiên, làm nhanh được cũng nhờ chúng tôi đã có kinh nghiệm và tìm đúng người tư vấn. Có dự án điện gió lớn, lên tới 45 trụ gió, mà chúng tôi làm không hề xảy ra tai nạn. Lắp 45 trụ lớn trên độ cao 120m, nâng những cấu kiện hàng trăm tấn mà không tai nạn gì đúng là kỳ tích. Cũng không phải tự hào đâu, mà nhờ các chuyên gia nước ngoài, không an toàn họ lắc đầu ngay. Họ chẳng có thắp hương hay cúng heo quay gì đầu (cười), chỉ là họ rất kỹ thôi. Nên tôi nói nhân viên không phải cúng kiếng gì nhiều, xách cặp học mấy ông Tây ấy.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!