Umlaut là công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật, tư vấn trong các lĩnh vực công nghiệp cốt lõi như viễn thông, ô tô, năng lượng, hàng không, đường sắt… Từ một startup tại Đức 24 năm về trước, đến nay Umlaut đã trở thành công ty toàn cầu với 4.000 nhân viên và chuyên gia. Trong viễn thông, Umlaut là công ty dẫn đầu về đo kiểm và đánh giá chất lượng cảm nhận dịch vụ đối với các nhà khai thác mạng
Điều gì đưa ông đến quyết định ra nhập Umlaut?
Trước khi gia nhập Umlaut, tôi đang làm cho một nhà điều hành di động của Đức, và đang nghĩ đến việc mở công ty riêng. Vào thời điểm đó, công ty có tên P3 mà sau này đổi thành Umlaut đã hấp dẫn tôi bởi các chiến dịch hướng đến khách hàng.
Khi nhìn vào công ty này, tôi nhận thấy khả năng có thể phát triển lên nữa. Vì vậy, tôi gia nhập công ty năm 2007.
Khi ấy ông đảm nhận vị trí nào trong công ty?
Ban đầu tôi làm Giám đốc điều hành viễn thông tại Đức. Sau đó thì tôi bắt đầu có nhiều mối quan hệ các khách hàng bên ngoài Đức hơn, từ Anh, Tây Ban Nha, Ý, chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, ở Bắc Phi, Canada, Mexico, rồi Johannesburg thuộc Nam Phi, sau đó là Philippines, Úc, New Zealand…
Điều gì khiến phương pháp đánh giá của Umlaut đặc biệt so với các hãng khác?
Tôi nghĩ đặc biệt chắc vì nhiều quốc gia dùng (cười). Thực ra thì chúng tôi kết hợp việc đo kiểm đánh giá trực tiếp, crowdsourcing (phương pháp đánh giá từ dữ liệu của người dùng) từ đó đánh giá được khả năng của các nhà mạng thông qua nguồn cung, trải nghiệm thực tế của khách hàng…
Hiện nay, phương pháp đánh giá của Umlaut được sử dụng trên 120 quốc gia và con số này sẽ lớn hơn nữa. Có những quốc gia đã sử dụng hơn 15 năm, 10 năm, với Việt Nam thì mới trong 3 năm gần đây. Đặc biệt, trải nghiệm của khách hàng tại Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong 3 năm qua.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Umlaut cũng như thị trường viễn thông như thế nào?
Đối với Umlaut, việc chuyển phương thức làm việc tại nhà là một thách thức. Tuy nhiên, việc này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thôi, rồi sau đó hoạt động kinh doanh cũng ổn định lại. Giờ thì mọi thứ đã được bình thường hóa rồi và chúng tôi cũng chưa bị "đánh" thêm lần nào nữa, đây là một điều rất may mắn.
Đối với khách hàng, Covid-19 chắc chắn đã thay đổi cuộc chơi. Khi các biện pháp giãn cách được áp dụng trên diện rộng, người dân hạn chế "di động", thì mạng di động lại được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, điều này cũng gia tăng sự xuất hiện của phần mềm học tập, làm việc từ xa như Team, Zoom…
Đại dịch cũng thay đổi cấu trúc trong môi trường mạng di động. Ví dụ như bạn có thể thấy các nhà khai thác mạng đang liên tục đưa ra những dịch vụ mới trong ngành công nghiệp. Các trạm thu phát sóng cũng nhiều hơn, công suất từ đó cũng tăng lên.
Doanh thu lĩnh vực viễn thông của Việt Nam đạt hơn 130.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 0,3% so với năm 2019. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này so với các quốc gia khác trên thế giới?
Nếu nhìn vào con số tăng trưởng, tôi cho rằng Việt Nam đang ở điểm bão hòa của thị trường viễn thông. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại châu Âu trong hơn một thập kỷ nay.
Lúc này, cạnh tranh giữa các nhà mạng sẽ khốc liệt hơn vì dư địa thị trường không còn nhiều. Hầu hết mọi miền Việt Nam, người dân đều đã có ít nhất một thuê bao, do vậy tệp khách hàng mới của mỗi nhà mạng hiện nay chỉ có khi người dùng quyết định đổi mạng di động. Đây là thách thức đáng kể.
Như vậy, các nhà mạng chỉ còn cách phát triển thêm các dịch vụ mới ngoài viễn thông truyền thống.
Ông đã đến Việt Nam chưa?
Tôi đã từng qua rất nhiều quốc gia châu Á như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc… nhưng chưa có cơ hội đến Việt Nam.
Vậy Umlaut có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam trong tương lai gần hay không?
Có. Hiện chúng tôi tập trung phát triển hoạt động kinh doanh của mình trong thị trường Đông Nam Á. Một trong những cách tiếp cận thông thường đó là đầu tư offshoring và các thị trường tiềm năng hiện nay bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan…
Tôi tin rằng Umlaut sẽ mang lại giá trị đáng kể cho thị trường Việt Nam. Trong tương lai rất gần thôi, tôi hy vọng kế hoạch này sẽ được thực hiện.
Sự tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ của ngành viễn thông và CNTT đã ảnh hưởng như thế nào đến xếp hạng Việt Nam về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF)?
Để trả lời câu hỏi này thì trước tiên phải xem viễn thông có liên quan gì đối với nền kinh tế hiện nay? Trong những năm 90, không ai có thể nhìn ra sự liên quan giữa hai yếu tố này. Nhưng đến khi cuộc cách mạng kỹ thuật số xuất hiện, thế giới trở nên kết nối hơn. Viễn thông lại chính là công cụ kết nối đó: kết nối giữa các ngành công nghiệp với nhau, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
Như vậy thì khi ngành viễn thông và CNTT của Việt Nam tăng trưởng mạnh, các yếu tố như tính di động, phương tiện được kết nối, phương tiện tự hành, thành phố thông minh… cũng phát triển theo.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần chú trọng vào yếu tố nào?
Quan điểm của tôi đó là các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chính là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững của một nền kinh tế. Thêm vào đó, giáo dục cũng là một yếu tố quan trọng. Khi áp dụng được cả hai yếu tố này, năng lực cạnh tranh sẽ theo đó tăng lên.
Hiện khoảng 20 doanh nghiệp, tập đoàn lớn sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số như hiện nay. Năm 2021, số lượng nhân lực CNTT cần là 500.000 người và thiếu hụt 190.000 người. Theo ông, làm thế nào để Việt Nam giải quyết thách thức này?
Thực ra, những thách thức này cũng xảy ra tương tự ở Đức và các quốc gia khác trên thế giới. Cách giải quyết tôi nghĩ chỉ là đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, tạo môi trường nuôi dưỡng và giữ chân người lao động.
Đây không chỉ là điều nên làm, mà còn là nhiệm vụ của chính phủ cũng như những người lãnh đạo trong lĩnh vực này. Điều này làm rất đơn giản, vấn đề chỉ là cần thời gian.
Tại Đức, môi trường đào tạo của chúng tôi được áp dụng với cách tiếp cận "từ dưới lên" chứ không phải "từ trên xuống". Nếu tiếp cận "từ trên xuống", bạn sẽ tiếp cận được với rất ít người. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa ra chương trình đào tạo dài hạn, biến nó thành tiêu chuẩn từ hệ thống chính phủ đến hệ thống giáo dục, hệ thống các ngành công nghiệp khác nhau…
Việc tiên phong trong lĩnh vực 5G của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong kỷ nguyên kinh tế kỹ thuật số trên toàn cầu hiện nay?
Khu vực Đông Nam Á, mà nhất là Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển 5G. Đặc biệt, khi tiên phong có nghĩa là Việt Nam đã đóng vai trò rất quan trọng. Điều này chứng minh Việt Nam có đủ tiềm năng để đưa ra các giải pháp hiệu quả trong ngành kinh tế số.
Đây sẽ là tiềm năng then chốt. Liệu có bao nhiêu công ty sẽ nhảy vào lĩnh vực này trong quá trình chuyển đổi số đang ở giai đoạn đầu? Những công ty này sẽ là lợi thế cho sự cạnh tranh toàn cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cũng như làm cho thị trường trở nên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều startup và cả những ông lớn trên thị trường quốc tế.
Sự ra mắt của 5G sẽ đem đến thách thức nào cho các nhà mạng tại Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng việc triển khai một cái gì mới cũng đều là thách thức. Thông thường, nền kinh tế cần 1 đến 2 quý để triển khai công nghệ mới một cách đầy đủ. Thách thức khác đến từ khía cạnh kỹ thuật, cũng như tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch.
Ngoài ra, công nghệ 5G cũng khác so với 4G, nên các nhà khai thác mạng có nguy cơ "mắc kẹt" với chi phí đầu tư quá cao. Việc thuyết phục khách hàng trả thêm tiền cho công nghệ mới cũng là một khó khăn, bởi họ sẽ chưa nhìn thấy lợi ích ngay lập tức. Khi ấy, khách hàng sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao tôi phải trả thêm tiền trong khi tôi đang dùng 4G rất ổn?
Đây là phản ứng hợp lý của người dùng. Nhưng làm thế nào để các nhà mạng thuyết phục được họ suy nghĩ lại là một điều không đơn giản.