Thời gian qua, số lượng và chất lượng các startup đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh: Vườn ươm doanh nghiệp công nghê cao Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng (DNES), Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Bên cạnh đó là sư hình thành của một số quỹ đầu tư mạo hiểm như Quỹ đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn VinGroup, Startup Viet Partner,...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết: "Chất lượng và số lương thương vụ đầu tư startup có xu hướng tăng mạnh trong năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng, với nhận diện chủ yếu là những doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở thế hệ sau".
Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần (angel investor) ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống hơn qua việc phát triển một số hoạt động liên kết, kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: VIC Impact, iAngel, Angel4us,...
Tuy nhiên, môi trường phát triển startup Viêt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về các chính sách đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm,... tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh.
Vấn đề quản lý nhà nước cũng đang chưa tạo được một môi trường thuận lợi cho các startup. Tại phiên thảo luận Mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Đình Cung cho biết: "Khởi nghiệp sáng tạo của ta đang ở trong không gian công nghệ 4.0, cần phải bứt phá bằng cách suy nghĩ khác và làm khác để đạt được mục tiêu. Nếu chúng ta cứ đi theo hướng đi truyền thống thì mãi mãi cũng chỉ đi sau châu Âu. Vì vậy, chúng ta cần phải nghĩ ra cách làm khác, đổi mới sáng tạo là rất cần thiết. Mà làm khác có nghĩa là không làm theo quy định. Nếu chúng ta cứ làm theo quy định, tiến theo quy trình thì không bao giờ có cái gọi là đổi mới sáng tạo!"
Ông Cung cho biết: "Theo tôi, chúng ta đừng lo quản lý vội, cứ để cho doanh nghiệp họ làm. Quá trình quản lý nhà nước phải là một quá trình vì phát triển".
Theo dự báo của Temasek Holding, nền kinh tế số Viêt Nam đến năm 2025 sẽ đạt 33 tỷ USD. Nhưng theo nghiên cứu của Tiki, con số này lớn hơn rất nhiều, 51 tỷ USD. Mà để đạt được điều đó thì vốn đầu tư dự kiến phải đạt 13 tỷ USD. Đây chính là một mục tiêu của quá trình khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki cho biết: "Khởi nghiệp cũng giống như khởi nghĩa, để khởi nghĩa thành công cần lương thảo đạn dược, tức là cần vốn. Trong 9 năm vừa qua, các công ty khởi nghiệp ngày càng nhiều thêm, họ ngày càng sắc sảo và tham vọng, nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn - một vấn đề vẫn luôn tồn tại, dù đã có cải thiện. Startup Việt hiện nay gọi vốn 5 triệu USD thì dễ nhưng 50 triệu USD hay 100 triệu USD hay tỷ USD thì khó".
Khó ở đâu? Theo ông Sơn, điểm khó khăn chính khiến các startup khó gọi vốn từ các nhà đầu tư là do đối với các nhà đầu tư, thứ quan trọng nhất với họ chính là lợi nhuận. Để chứng minh được với nhà đầu tư rằng startup của mình sẽ sinh lời không phải một việc đơn giản khi startup thường phải kiên trì, nhiều khi đến 5 năm mới có lãi.
Để các công ty công nghệ có thể gọi vốn dễ dàng hơn, ông Sơn cho rằng nên có mô hình thí điểm để cho các công ty công nghệ lên sàn chứng khoán, đó là điều mà Nhật và Hàn đã từng triển khai thành không. Bên cạnh đó cần mở rộng quy mô của nền kinh tế khởi nghiệp ở Việt Nam, để các nhà đầu tư có thể thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn để họ đổ vốn.