Theo CEO TopCV- startup hỗ trợ tuyển dụng, hiện TopCV đang có khoảng gần 200.000 ứng viên thuộc chuyên ngành CNTT (cụ thể là mảng lập trình viên), trong đó nhiều nhất là các vị trí liên quan đến lập trình web, Backend Developer (lập trình viên ngôn ngữ server-pv). “Do đây là nghề đã rất phổ biến ở VN từ trước đến nay, ngôn ngữ dễ học, dễ tiếp cận và có cộng đồng hỗ trợ lớn tại Việt Nam và thế giới”, ông Hiếu lý giải.
Trong đó, nếu xét riêng nhóm nghề lập trình viên, mức lương sinh viên mới ra trường dao động từ 7-10 triệu đồng. Với những người có tố chất tốt về logic, lập trình, giỏi về giải thuật hoặc có kinh nghiệm đi làm hay thực tập từ 6 tháng trở lên, mức lương có thể trong khoảng từ 10-15 triệu đồng. “Những ứng viên có kinh nghiệm từ 2-5 năm, tùy theo năng lực, mức lương có thể trên 1.000 USD (khoảng hơn 23 triệu đồng)”, ông Hiếu khẳng định.
Trong thời gian tới, các vị trí Backend Developer, Mobile Developer, AI/Blockchain Developer sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Đánh giá về xu hướng tuyển dụng hiện nay, ông Hiếu cho rằng, việc tuyển dụng nhân sự ngành CNTT, đặc biệt là vị trí lập trình viên ngày càng trở nên khó khăn. Do xu hướng chuyển dịch công nghệ của CMCN 4.0 nên rất nhiều startup, công ty mở ra, công ty nào cũng đòi hỏi sự đáp ứng cao từ các sản phẩm, dịch vụ CNTT. “Vì thế, cầu đang nhiều hơn cung trong việc tuyển dụng nhân sự CNTT tại Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Theo ông Trần Trung Hiếu, CEO TopCV, hiện số lượng nhân sự CNTT chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm đang ngày càng trở nên có hạn và khó tuyển dụng hơn trước
|
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đòi hỏi nhân sự có năng lực, tố chất cao hơn trước, trong khi nhiều trường đại học chưa đáp ứng được chất lượng đầu ra như kỳ vọng dẫn đến việc tuyển dụng ngày càng khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, hiện số lượng nhân sự CNTT chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm đang ngày càng có hạn và khó tuyển dụng hơn trước. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp hiện đang chuyển hướng, tuyển dụng nhân sự ít kinh nghiệm, nhất là sinh viên mới ra trường, sau đó đào tạo và phát triển. Tuy nhiên, những đối tượng này thường có tư duy tốt, chủ động học hỏi và nắm chắc kiến thức lập trình căn bản.
“Từ đó, các doanh nghiệp có thể dễ dàng đào tạo theo định hướng sản phẩm của công ty, giảm được ngân sách cho tuyển dụng các vị trí này trong khi mức chi phí thị trường ngày càng cao”, ông Hiếu kết luận.
Theo báo cáo của nền tảng tuyển dụng CNTT Topdev, nhu cầu tuyển dụng CNTT sẽ tăng mạnh vào năm 2019. Nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng nóng nhân sự CNTT bao gồm: Việt Nam đã gây được sự chú ý khiến cho các công ty công nghệ trong khu vực tìm đến để thuê hoặc xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm; làn sóng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ngày càng mạnh, đặc biệt sau các thương vụ đầu tư lớn cho các startup công nghệ; làn sóng chuyển mình của các doanh nghiệp truyền thống trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản... sang làm về chuyển đổi số và thương mại điện tử.
Trên cơ sở đó, việc thiếu hụt nhân sự luôn là một bài toán nan giải cho thị trường IT khi mà nhiều chuyên gia dự báo năm 2019 Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 70.000 đến 90.000 nhân sự IT.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường, trong đó chỉ có 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung. Bài toán đào tạo Nhân sự IT chất lượng đang dần trở thành trọng tâm của cả ngành Giáo dục & các doanh nghiệp CNTT hiện nay để đáp ứng công việc.