CEO trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh trong khi dịch bệnh đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm, JPMorgan đã vượt qua cuộc khủng hoảng kép như thế nào?

29/12/2020 19:08
Jamie Dimon bước vào phòng phẫu thuật đúng lúc dịch bệnh đang ập đến và khiến thị trường tài chính loạn nhịp.

Cuộc khủng hoảng kép

Rạng sáng ngày 5/3, Jamie Dimon vẫn còn chưa ngủ. Ông cảm thấy sợ hãi.

Số ca nhiễm virus corona ở Mỹ lúc đó chỉ khoảng 100, nhưng thị trường tài chính đang phát đi rất nhiều tín hiệu cảnh báo. Dù đó là 4 giờ sáng, vị CEO của ngân hàng JPMorgan Chase vẫn nhấc máy gọi cho những cấp dưới thân cận nhất để nhắn nhủ: nền kinh tế đang gặp rắc rối lớn.

Gác máy, ông thả mình xuống chiếc đi văng để đọc báo buổi sáng. Nhưng ông cảm thấy như lồng ngực đang bị xé toạc. Ông ngồi dậy, thở hổn hển và gọi ngay cho bác sĩ. "Jamie, hãy gọi taxi ngay. Anh không có thời gian để chờ xe cấp cứu đâu!". Đó là lời khuyên mà ông nhận được từ bác sĩ.

Vài giờ sau, Dimon đang trải qua cuộc phẫu thuật tim khẩn cấp, giành giật sự sống với tử thần. Trong lúc đó nền kinh tế Mỹ cũng đang hướng đến cuộc suy thoái tồi tệ. Cuộc khủng hoảng kép này là bài kiểm tra khó nhằn hơn cả khủng hoảng tài chính 2008 dành cho JPMorgan.

Phục vụ tới một nửa các hộ gia đình Mỹ và 400 công ty trong danh sách Fortune 500, suốt hơn 1 thập kỷ qua nền kinh tế bùng nổ đã giúp JPMorgan kiếm bộn tiền. Ngược lại, ngân hàng cũng hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng bằng cách cung cấp khoản vay cho hàng triệu doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. Nhưng tháng 3 vừa qua, đại dịch đang đe dọa sẽ khoét 1 hố sâu trong hệ thống đó.

Đối với Dimon, Covid-19 cũng là bài kiểm tra đối với thứ ám ảnh ông cả sự nghiệp: "pháo đài" mà trong đó nguồn vốn của JPMorgan đủ mạnh để có thể vượt qua bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Liệu ông đã xây dựng được pháo đài đủ mạnh hay chưa? Và liệu pháo đài đó có thể tiếp tục đứng vững nếu không có ông hay không?

Dimon đã hồi phục nhanh chóng sau ca phẫu thuật khẩn cấp. Nhưng vài tuần sau đó, trong lúc đại dịch càn quét nền kinh tế, ông vẫn chưa thể quay trở lại lãnh đạo ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Đến nay kinh tế Mỹ đã hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp được cải thiện đều đặn mỗi tháng suốt từ tháng 4 đến nay và vaccine kéo viễn cảnh đại dịch chấm dứt đến gần hơn. TTCK tăng điểm trở lại, liên tiếp lập kỷ lục mới. Tuy nhiên, Dimon vẫn cho rằng đà hồi phục đó hết sức mong manh.

Làn sóng lây nhiễm mới kéo theo sau đó là lệnh giới nghiêm hoàn toàn có thể thổi bùng lên nạn thất nghiệp, triệt tiêu động lực chi tiêu và thậm chí là làn sóng các doanh nghiệp nhỏ phá sản. Cũng theo Dimon, các dữ liệu về khách hàng của JPMorgan cho thấy 1 sự hồi phục rất mấp mô. Người thất nghiệp phải cắt giảm chi tiêu rất mạnh tay và còn lại rất ít tiền tiết kiệm, trong khi nhóm nhà giàu lại đang vung tiền mua ngôi nhà thứ hai và những chiếc ô tô mới.

Nếu được ký thành luật, gói kích thích mới trị giá 900 tỷ USD sẽ giúp ích phần nào. Tuy nhiên theo Dimon, điều đó không thể sửa chữa những khuyết điểm mang tính hệ thống đã cho phép những lỗ hổng xuất hiện. Nước Mỹ cần những chính sách phản ứng thật nhanh và mạnh, mà thiếu vắng yếu tố đó thì nền kinh tế sẽ không thể hồi phục hoàn toàn. Và 1 nền kinh tế ì ạch là tin xấu cho JPMorgan.

CEO trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh trong khi dịch bệnh đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm, JPMorgan đã vượt qua cuộc khủng hoảng kép như thế nào? - Ảnh 1.

Giấc mơ kỳ quái

Đáng lẽ năm thứ 15 của Dimon trên cương vị CEO sẽ là 1 năm tuyệt vời. JPMorgan kết thúc năm 2019 với lợi nhuận đạt 36 tỷ USD – cao gấp 8 lần so với năm 2004. Giá cổ phiếu cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại, giúp giá trị số cổ phần mà Dimon đang nắm trong tay lần đầu tiên vượt 1 tỷ USD.

Đến hẹn lại lên, ngay những ngày đầu năm mới lịch trình của nhiều CEO nổi tiếng sẽ bắt đầu với 1 chuyến đi: tới dự Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Khi virus khiến vài trăm người đau yếu ở Trung Quốc, bữa tiệc của giới tinh hoa toàn cầu vẫn diễn ra trong không khí hân hoan. Đứng cạnh cựu Thủ tướng Anh Tony Blair – người cũng là cố vấn lâu năm của JPMorgan, Dimon "tay bắt mặt mừng" với rất nhiều người.

Từ Davos, ông tới Washington để tham dự 1 sự kiện thường niên khác cũng quy tụ toàn những nhân vật giàu có và nổi tiếng – bữa tối của Alfalfa Club. Sau đó là cuộc tụ họp của 200 lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng. Rời Washington, ông tới Miami để tham dự 1 sự kiện quan trọng khác.

Covid-19 vẫn là 1 nỗi lo ngại mơ hồ ở quá xa, và Mỹ mới có vài ca nhiễm. Dẫu vậy Dimon vẫn khá thận trọng: ông bỏ qua việc bắt tay và tự cách ly tại khách sạn khi bị sốt.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 25/2, Dimon phát tín hiệu ông đang tìm kiếm cơ hội M&A, khiến phố Wall dậy sóng. Trong những năm 1990 Dimon đã góp sức trong công cuộc bành trướng của Citigroup với một loạt vụ thâu tóm. Tuy nhiên JPMorgan chưa thực hiện vụ thâu tóm lớn nào từ khủng hoảng tài chính đến nay.

Khi 1 chuyên viên phân tích hỏi sẽ như thế nào nếu virus corona ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngân hàng, Dimon trả lời: "Tôi từng gặp ác mộng tất cả mọi người dự hội nghị ở Davos đều nhiễm virus và sau đó khiến dịch bệnh lây lan. Tôi cũng không biết điều gì sẽ xảy ra, chúng ta hãy chờ đợi và quan sát. Tin tốt duy nhất là dịch bệnh có thể giết toàn bộ giới tinh hoa".

Đám đông khán giả ngồi phía dưới bật cười trước chia sẻ của ông. Nhưng chỉ vài ngày sau, đại dịch chính thức lan tới New York. Ngày 3/3, Fed nhanh chóng hạ mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Phố Wall chẳng thể bật cười được nữa. Nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản an toàn, khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ 10 năm lần đầu tiên rơi xuống dưới 1%.

Tâm trạng ở JPMorgan cũng nhanh chóng thay đổi. 1 đội đặc nhiệm đã được thành lập để đối phó với cuộc khủng hoảng. Họ họp nhiều lần mỗi ngày, trong căn phòng được trang bị hàng chục màn hình theo dõi số ca nhiễm virus cũng như các hoạt động trên toàn cầu của ngân hàng.

Dimon bắt đầu soạn 1 lá thư gửi tới Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và một số người khác, đưa ra dự báo về các tác động của dịch bệnh. JPMorgan cũng hủy hội nghị CEO thường niên.

CEO trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh trong khi dịch bệnh đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm, JPMorgan đã vượt qua cuộc khủng hoảng kép như thế nào? - Ảnh 2.

Ngày 5/3, đáng lẽ Dimon sẽ tới dự đám tang Jack Welch, vị CEO huyền thoại của General Electric. Tuy nhiên ông lại đang nằm trong bệnh viện NewYork-Presbyterian, chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật cam go kéo dài tới 7 tiếng. Trong lúc ông phẫu thuật, hội đồng quản trị đã tổ chức bỏ phiếu để triển khai kế hoạch mà họ gọi là "Jamie bị xe bus tông" – quy trình để có thể khẩn cấp chuyển giao quyền lực tại JPMorgan.

Cuộc phẫu thuật đã diễn ra tốt đẹp nhưng Dimon chưa hoàn toàn qua cơn nguy kịch. Stacey Friedman, giám đốc pháp lý của JPMorgan, gọi cho các quan chức ở Fed và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, buổi tối hôm đó Dimon đã khiến cả các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên khi ông đã nhanh chóng tỉnh lại và yêu cầu tháo ống thở. Vợ, 3 con gái và 2 con rể cùng với người anh sinh đôi của ông đều đang ngồi đợi bên giường bệnh.

Cuối tuần đó, Saudi Arabia kích hoạt cuộc chiến giá dầu mà đã khiến thị trường rung chuyển. Sáng thứ hai, các chỉ số chứng khoán giảm mạnh đến mức lần đầu tiên trong 22 năm trở lại đây thị trường phải ngừng giao dịch 15 phút.

Ngày 11/3, Gordon Smith, người đứng đầu mảng tiêu dùng của JPMorgan, thay Dimon tới Washington tham dự hội nghị lãnh đạo ngân hàng cao cấp tại Nhà Trắng. Cuộc họp được tường thuật trực tiếp trên tivi, với mục đích trấn an thị trường và cam đoan hệ thống ngân hàng của nước Mỹ vẫn rất vững chắc. Tổng thống Trump đã hỏi thăm Smith về sức khỏe của Dimon.

Đại dịch và những điều chưa từng có trong lịch sử

Dimon hồi phục rất tốt, 1 tuần sau ông được ra viện. Thứ 6 ngày 13/3 là sinh nhật lần thứ 64 của ông. Cuối tuần đó, nước Mỹ phong tỏa vì Covid-19. Các trường học và cơ sở kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa. Mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà, tránh tụ tập. Chủ nhật, ngày 15/3, Fed hạ lãi suất xuống gần 0 – lần hạ lãi suất khẩn cấp thứ 2 chỉ trong vài tuần.

Tại 1 buổi họp trực tuyến giữa các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tối hôm đó, CEO James Gorman của Morgan Stanley đề xuất rằng tất cả các ngân hàng sẽ ngừng mua cổ phần để có thêm nguồn tín dụng giải ngân cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Sáng thứ hai, thị trường tài chính đang ở bên bờ 1 cuộc khủng. Công cụ ngắt mạch lại được kích hoạt. Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo tất cả các loại tài sản, đổ xô tích trữ tiền mặt.

Dimon triệu tập cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng. Giọng ông vẫn còn khàn khàn nhưng không quá ốm yếu. Một trong những lựa chọn được đưa ra là mượn tiền từ chương trình cho vay khẩn cấp của Fed. "Cửa sổ chiết khấu" là công cụ được thiết kế để giúp các ngân hàng đối phó với những đợt cạn thanh khoản mang tính ngắn hạn, thường là bằng các khoản cho vay qua đêm. Mặc dù đi vay trực tiếp từ Fed là một điều gây hổ thẹn, Dimon đã yêu cầu làm theo cách đó.

CEO trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh trong khi dịch bệnh đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm, JPMorgan đã vượt qua cuộc khủng hoảng kép như thế nào? - Ảnh 3.

Sau đó 8 ngân hàng khác trong nhóm những nhà băng lớn nhất nước Mỹ cũng thông báo sẽ làm điều tương tự. Không có ngân hàng nào cần đến Fed ngay đêm hôm đó nhưng tương lai rất u ám.

Ngày 23/3, Fed tung ra kế hoạch bơm tiền ồ ạt vào thị trường. Fed sẽ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư vay tiền, đồng thời mua vào lượng trái phiếu chính phủ không giới hạn. Fed sẽ làm bất cứ điều gì để hỗ trợ nền kinh tế.

4 ngày sau, ông Trump thông qua gói kích thích 2.000 tỷ USD, trong đó gồm những khoản thanh toán trực tiếp cho mọi người dân cộng thêm 600 USD/tuần tiền trợ cấp thất nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ, các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất cũng được hỗ trợ. Phần lớn số tiền sẽ được bơm vào nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng, trong đó có JPMorgan.

Những động thái mạnh mẽ đã giúp thị trường hồi sinh. Các công ty từng vội vã tích trữ tiền mặt bằng cách sử dụng tối đa hạn mức tín dụng giờ lại đua nhau bán nợ mới cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 số ca nhiễm ở Mỹ đã vượt 180.000. Khoảng 10 triệu người đã mất việc. Cổ phiếu ngân hàng lao dốc không phanh. Chi tiêu tiêu dùng vẫn ì ạch, và 1 cuộc suy thoái có thể là tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái đang dần hiện ra.

(Còn tiếp)

Tham khảo Wall Street Journal

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
21 phút trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
21 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
34 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
9 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
17 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc vừa 'mở khóa' kho báu siêu khủng chứa hơn 1.000 tấn vàng, nguy cơ làm rung chuyển thị trường vàng thế giới
15 giờ trước
Mỏ vàng vừa phát hiện tại Trung Quốc ước tính chứa hơn 1.000 tấn vàng, trị giá 83 tỉ USD.
Hàng trăm nghìn tấn báu vật từ Canada đổ bộ Việt Nam với giá rẻ bất ngờ: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu, nước ta tiêu thụ 10,4 triệu tấn mỗi năm
2 ngày trước
Nhập khẩu mặt hàng này từ Canada đã tăng mạnh 128% trong 9 tháng đầu năm.
Chỉ mất 3 năm để làm được điều Elon Musk cố gắng suốt 12 năm mới đạt được, Xiaomi làm rung chuyển ngành ô tô toàn thế giới
2 ngày trước
Xe điện của Xiaomi đang khiến cả thế giới ô tô phải bàn tán.
Giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm
2 ngày trước
Sau khi tăng vọt vào đầu tuần trước, giá cà phê đã có nhịp điều chỉnh giảm trong phiên giao dịch đầu tuần.