Được thành lập năm 2012 với tư cách là một phần của công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, tập đoàn FPT, Sendo là một trong những nền tảng thương mại điện tử nổi bật tại thị trường Việt Nam.
Sendo vận hành cả mô hình B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) và C2C (giao dịch giữa những người tiêu dùng với nhau). Hiện nền tảng này phục vụ hơn 300.000 người bán, 10 triệu người mua và đang tập trung phát triển ở phạm vi rộng hơn ngoài các thành phố lớn. Khoảng 2/3 đơn hàng của Sendo được đặt từ các tỉnh thành ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Tháng 8/2018, Sendo huy động được 51 triệu USD trong vòng gọi vốn series B do tập đoàn SBI của Nhật Bản dẫn đầu cùng một số nhà đầu tư khác trong đó có tập đoàn SoftBank. Theo dữ liệu của iPrice, về lưu lượng truy cập web hàng tháng, Sendo xếp thứ 4 trong số các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý II/2019, sau Shopee, Tiki và Lazada.
Mới đây, CEO và nhà đồng sáng lập Sendo, ông Trần Hải Linh đã có cuộc phỏng vấn với KrAsia về cách nền tảng này tạo sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh qua việc khai thác các thành phố nhỏ ở Việt Nam.
Dưới đây là tóm tắt một số nội dung đáng chú ý của cuộc phỏng vấn:
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng nhanh từ 20% lên 25% một năm. Sendo hiện nằm trong Top 4 về lưu lượng truy cập web hàng tháng. Ông có nghĩ điều này phản ánh tình hình thực tế không?
Lưu lượng truy cập web chắc chắn là một trong những chỉ số có liên quan nhưng không phải là tiêu chí duy nhất khi đánh giá quy mô và sự phát triển của một nền tảng thương mại điện tử. Đối với Sendo, số lượt khách hàng truy cập web chưa bao giờ là mục tiêu chính.
Một nền tảng thương mại điện tử chỉ có thể trở thành người chơi thống trị khi tạo ra giá trị thực sự cho người tiêu dùng. Việc đạt được những con số ấn tượng về lưu lượng truy cập web và tổng khối lượng hàng hóa đòi hỏi phải "đốt" rất nhiều tiền. Trong 7 năm qua, tuy luôn là một trong những người chơi hàng đầu tại sân chơi thương mại điện tử của Việt Nam nhưng chúng tôi chưa bao giờ nằm trong Top 2 hoặc 3 về tỷ lệ đốt tiền. Thay vào đó, chúng tôi luôn cố gắng hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Việt và điều này thúc đẩy sự phát triển của Sendo.
Mục tiêu của chúng tôi là mang lại trải nghiệm tốt về hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng Việt ở mọi miền đất nước. Chúng tôi có thể xây dựng một nền tảng mạnh mẽ để xử lý hàng trăm nghìn giao dịch mỗi ngày và phục vụ tổng cộng hơn 10 triệu khách hàng trong nước.
Sendo đã vạch ra một con đường khác với khác đối thủ như thế nào?
Chiến lược của chúng tôi là tập trung vào khách hàng ở tất cả các vùng miền của Việt Nam chứ không riêng thành phố lớn. Ước tính 75 triệu người Việt không sống tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, người tiêu dùng ở các tỉnh thành nhỏ sẽ khó tiếp cận các sản phẩm chất lượng và giá cả phải chăng hơn. Kinh nghiệm của chúng tôi đã chỉ ra rằng khách hàng ở những khu vực này thường mua sắm do nhu cầu thực sự của họ thay vì mua chỉ vì sản phẩm được khuyến mại.
Khi mới bắt đầu năm 2012, Sendo là một trong những nền tảng thương mại điện tử đầu tiên cho phép giao hàng bằng phương pháp COD (khách nhận hàng rồi mới thanh toán) thông qua công ty giao hàng bên thứ 3 là Vietnam Post. Chúng tôi đã sớm hiểu rằng mình không thể chờ cho đến khi thanh toán điện tử phát triển đầy đủ và COD là lựa chọn tốt nhất để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử nhiều hơn và giành được lòng tin của họ.
Đối với người mua lần đầu, họ sẽ có xu hướng không mua những sản phẩm giá trị cao như iPhone hay TV. Vì vậy, Sendo đã chọn tập trung vào quần áo, đồ gia dụng và phụ kiện công nghệ có mức giá từ thấp đến tầm trung để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dùng cũng như thu hút khách hàng mới.
Quan trọng hơn cả là Sendo không tính phí đối với người bán. Thay vào đó, họ có thể trả tiền để quảng cáo trên nền tảng của Sendo hoặc các kênh có thể hướng người dùng đến nền tảng.
Tại sao Sendo quyết định cung cấp thêm cả dịch vụ?
Ngoài sản phẩm, Sendo còn mạo hiểm cung cấp cả các dịch vụ kỹ thuật số như giải trí, du lịch và vận chuyển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Trong quý III/2019, chúng tôi sẽ triển khai một số dịch vụ giáo dục trực tuyến hợp tác với gần 20 đối tác để cung cấp quyền truy cập vào các khóa học trực tuyến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm vào nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả dịch vụ tài chính.
Ông có cho rằng thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao hay vẫn còn nhiều tiềm năng?
Theo Google và Temasek, thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Lĩnh vực này chiếm hơn 20% doanh số bán lẻ của Trung Quốc, 10% của Indonesia và 3% của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Sẽ có không ít bước đột phá trong thời gian tới khi người tiêu dùng có nhận thức cao hơn về thương mại điện tử và khi các dịch vụ hỗ trợ khác như logistics được cải thiện.
Ngoài ra, các công ty thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Chúng tôi tin rằng môi trường này sẽ mang lại lợi ích cho những nền tảng như Sendo.
Cách đây vài tháng, Sendo nói rằng mục tiêu là đạt 1 tỷ USD tổng giá trị giao dịch vào năm 2020. Ông có thể cho biết Sendo làm cách nào để đạt được điều đó?
Giá trị thị trường ở Việt Nam là rất lớn và mục tiêu của chúng tôi không còn là 1 tỷ USD. Chúng tôi muốn trở thành thị trường có thể xử lý giao dịch trong cả 3 lĩnh vực: Sản phẩm vật chất, dịch vụ kỹ thuật số và dịch vụ tài chính cho cả người bán và người mua. Chúng tôi muốn tăng cả số lượng giao dịch mỗi ngày và lòng trung thành của khách hàng.