Ngành hàng không Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế khi ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều biến động do tỷ giá ngoại tệ, giá vàng tăng cao, dự báo sẽ tác động tới thị trường hàng không quốc tế đi đến Việt Nam.
Do vậy, Vietnam Airlines đưa ra nhận định về thị trường hàng không vẫn chưa thể đạt được những kết quả kinh doanh như thời điểm trước dịch Covid-19, do lo ngại về suy thoái kinh tế, xung đột chính trị.
Trước những lo ngại về rủi ro của thị trường, Vietnam Airlines đã đưa ra 2 kịch bản về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Kịch bản 1 là mức tăng trưởng cao dự kiến khách tổng thị trường tăng 19,9% so với năm ngoái và phục hồi được 92% so với năm 2019.
Kịch bản 2 là mức tăng trưởng trung bình, dự kiến khách tổng thị trường tăng 13% so với năm 2022 và phục hồi được 87% so với năm 2019.
Năm nay 2024, dự kiến VIetnam Airlines sẽ vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019. Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 vừa qua, Vietnam Airlines công bố sẽ phải dừng khai thác 11 chiếc và cuối năm 2024 sẽ phải dừng thêm 6 chiếc nữa. Đồng thời, Vietnam Airlines công bố bán 6 tàu bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu tàu bay của hãng.
Lý giải về việc nhiều máy bay sẽ phải dừng hoạt động, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hiện nay, Vietnam Airlines và các hãng hàng không đang gặp khó khăn về việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các máy bay A321/320 NEO.
"Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng , ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch", ông Hà nói.
Từ việc triệu hồi động cơ, đến thời điểm này Vietnam Airlines sẽ phải dừng khai thác 11 chiếc và cuối năm nay phải dừng thêm 6 chiếc nữa. Tình hình này sẽ giảm dần trong năm 2025. Vietnam Airlines đang tích cực làm việc với nhà sản xuất động cơ PW về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng.
Đồng thời, Vietnam Airlines làm việc với nhà sản xuất giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các chặng bay chính. Hiện số giờ bay của đội bay được tăng từ 15-20%, giúp phần nào bù đắp được việc thiếu máy bay.
Về thông tin bán 6 máy bay A321CEO, ông Hà cho biết: "Đây là số lượng máy bay sẽ được Vietnam Airlines thanh lý đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023, nhằm đổi mới đội máy bay và tiết kiệm chi phí, và nâng cao chất lượng dịch vụ".
Cho đến nay, 6 máy bay vẫn chưa được thanh lý là do thiếu máy bay gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines phải thực thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh lý đội tàu bay A321CEO, bao gồm lùi lịch bán 6 tàu bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu tàu bay của hãng.
Được biết, Vietnam Airlines cũng đãng tiến hành tái cơ cấu Pacific Airlines. Pacific Airlines đã đàm phán thành công thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng với các bên cho thuê tàu bay và động cơ. Việc trả lại toàn bộ máy bay cho đối tác đã giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ lên tới 220 triệu USD.
Để Pacific Airlines sớm "cất cánh" trở lại, Pacific Airlines đang phối hợp với công ty mẹ đánh giá, làm việc với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải chi trả và dự kiến hãng sẽ trở lại hoạt động bay với một máy bay do Vietnam Airlines chuyển sang.
Hiện, Pacific Airlines đã báo cáo cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan về thời gian bay trở lại vài ngày tới. Dự kiến, hãng khai thác 6 chặng bay đi, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Chu Lai, Thanh Hóa, Vinh.