Tập đoàn Vingroup đã công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực Công nghệ - Công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028, Vingroup sẽ trở thành một tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó Công nghệ chiếm tỷ trọng chính. VinTech City thuộc Công ty VinTech được tập đoàn Vingroup thành lập hướng đến mô hình thung lũng Silicon Valley (Mỹ).
Bên cạnh rất nhiều những thành tố tạo nên Silicon Valley, có 3 thành tố quan trọng luôn được nhắc đến: nhân tài công nghệ, sản phẩm công nghệ có lợi thế cạnh tranh và một hệ sinh thái hỗ trợ. Với 3 nền tảng này thì VinTech City sẽ bắt đầu với nhân tài công nghệ bằng việc triển khai các chương trình hợp tác Đại học và Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng khởi nghiệp công nghệ.
Mở đầu bài phát biểu tại Hội thảo Giới thiệu Chương trình Hợp tác Đại học - Hỗ trợ Nghiên cứu ứng dụng và Khởi nghiệp Công nghệ sáng nay, bà Trương Lý Hoàng Phi - TGĐ VinTech City nhắc đến con số 1.000.000 – nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thị trường công nghệ thông tin Việt Nam đến 2020.
VinTech xác định, nhân lực công nghệ sẽ bao gồm 3 nhóm: thứ nhất là các bạn sinh viên, hiện nay đang ở tầng chuẩn bị, cần trang bị cho các bạn kiến thức về xu hướng công nghệ. Thứ hai là có khả năng tạo ra sản phẩm và định hướng thị trường. Thứ ba là chuyên gia công nghệ là người Việt trên toàn cầu.
Tuy nhiên, bà cho biết, hiện tại Việt Nam đang thiếu 58% nguồn nhân lực công nghệ, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong nhu cầu này.
Con số tiếp theo bà nhấn mạnh là 100.000 – nhắc lại mục tiêu của Việt Nam tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ ngày 9/5/2019: đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ, lọt top 30 quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ vào năm 2045.
Bà Trương Lý Hoàng Phi chia sẻ: "Với mục tiêu như vậy, để đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường công nghệ, chúng ta còn khoảng cách rất lớn. Bài toán này VinTech không thể giải quyết trọn vẹn, đó là vấn đề mà tất cả chúng ta phải chung tay để giải quyết. Một trong những điều mà VinTech City được nhắc đến là một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp công nghệ như Silicon Valley. Nhưng tôi cũng hiểu, trong khởi nghiệp, VinTech vẫn là một phần của Vingroup, phải đi từng bước nhỏ".
Bà nhấn mạnh, MAKE IN VIETNAM là một thông điệp truyền cảm hứng nhưng dưới góc độ khởi nghiệp, phải suy nghĩ đến cái gốc của bài toán này, đó là nguồn nhân lực.
Tư duy khởi nghiệp trong trường đại học là một vấn đề rất quan trọng trong việc đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trong trường đại học. Chúng ta nói rất nhiều đến startup ở các trường đại học nhưng lại chưa có mô hình đào tạo bài bản. Chúng ta cũng chưa có kênh để các sản phẩm startup có hệ sinh thái có thể tiếp cận với thị trường, tiếp cận với giai đoạn thương mại hóa sớm hơn.
Đối với nhóm nhân lực là các bạn sinh viên, VinTech sẽ tài trợ và hỗ trợ hoạt động CLB công nghệ và khởi nghiệp trong sinh viên. Với đội ngũ senior, VinTech sẽ tổ chức chương trình đào tạo SAP và chương trình học kỳ doanh nghiệp. VinTech cũng sẽ xây dựng quỹ tài trợ nghiên cứu VinTech Fund và chương trình tài trợ lab nghiên cứu để tài trợ, hỗ trợ nguồn lực hiện thực hóa sản phẩm khoa học công nghệ có tính ức dụng cao vào thực tế thị trường.
Ngoài nguồn lực tài chính, bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết VinTech City cũng sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng nhằm tạo ra đột phá và đóng vài trò làm trung tâm trao đổi tri thức và ứng dụng giải pháp giữa trường đại học và doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm.
Việc đầu tư vào nguồn nhân lực công nghệ có thể giúp VinTech City sử dụng được tại chỗ nguồn nhân lực và điều đó sẽ góp phần tạo ra lợi thế lớn trước hết là đối với hoạt động của công ty, sau đó là đóng góp vào khát vọng Make in Vietnam và hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam.