Ngày 11/2/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lãnh đạo các bộ, ngành đã thăm và làm việc với VNPT.
Phát biểu tại buổi làm việc này, ông Phạm Đức Long cho biết, số lượng lao động của Tập đoàn VNPT đến hết Quý 4/2018 là 37.656 người, trong khi đó tổng số lao động thời điểm trước tái cơ cấu năm 2013 là 44.448 người. Tuổi bình quân của lao động toàn Tập đoàn VNPT là 40, lao động dưới 30 tuổi chỉ chiếm 11,39%. Lực lượng lao động lớn tuổi cũng là một hạn chế của Tập đoàn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, số lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 62,40% chứng tỏ chất lượng lao động của VNPT khá tốt.
“Trong quá trình tái cơ câu, Tập đoàn đã tập trung xây dựng Cơ chế tạo động lực cho người lao động, ban hành và triển khai thống nhất, đồng bộ trong toàn Tập đoàn hệ thống lương 3Ps và các chỉ tiêu đánh giá BSC/KPI. Đây chính là động lực thúc đẩy người lao động nâng cao hiệu quả công việc và năng suất lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2018 khoảng 28 triệu đồng/tháng” .
Hồi cuối năm 2017, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch hội đồng thành viên của VNPT cho biết, năm 2017 tăng 7% , lợi nhuận tăng 21% so với thực hiện năm 2016 và đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của VNPT đạt mức tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên Tập đoàn năm 2017 đạt 20,15 triệu đồng/tháng.
Phát biểu tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu bức tranh của VNPT đã thay đổi rất tích cực. Phó Thủ tướng cho rằng thực lực doanh nghiệp được đo bằng các chỉ số cơ bản như nộp ngân sách và thu nhập người lao động. Với mức thu nhập bình quân người lao động của VNPT đạt 28 triệu đồng/tháng là mức khá cao.
VNPT cho biết, năm 2018, VNPT đạt lợi nhuận 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Theo thống kê, mức tăng trưởng lợi nhuận của VNPT trong năm qua là 24,7%. Năm 2018, VNPT nộp ngân sách là 4476 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 12,2%, tăng 23% so với năm 2017.
2018 là năm VNPT vẫn tập trung vào đầu tư mạng lưới hạ tầng và mở rộng các dịch vụ CNTT. Tính đến nay, VinaPhone đã có gần 60.000 trạm thu phát sóng thông tin di động 3G và 4G, có khả năng đáp ứng cho khoảng 40 triệu thuê bao có thể sử dụng.
Bên cạnh đó, VNPT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu tổ chức hoạt động theo Quyết định số 2129-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác cổ phần hóa Công ty mẹ. Cơ cấu tổ chức của VNPT tiếp tục được cải tổ theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tập trung tối ưu nguồn lực. Cụ thể, trong năm 2018 VNPT đã hoàn thành việc tái cấu trúc khối CNTT, thành lập Công ty VNPT-IT. Đây là trụ cột của VNPT về sản xuất phần mềm và các ứng dụng CNTT, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2018, VNPT thực hiện đúng Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, VNPT đã và đang tiếp tục triển khai thoái vốn tại 41 đơn vị cổ phần. Trong năm, VNPT đã bán, thoái vốn, thu hồi vốn được 4 danh mục, với tổng vốn thu được 767,36 tỷ đồng/520,85 tỷ đồng vốn đầu tư. Thành công nhất là việc thoái vốn Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện với số vốn 500 tỷ đồng, thoái vốn được 710 tỷ, tăng 42% so với giá trị công ty.
VNPT còn cho biết, năm 2018 cũng là năm đầu tiên VNPT triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược VNPT4.0). Đến thời điểm này có thể nói VNPT đã khởi động tương đối thành công. Theo chiến lược VNPT4.0, VNPT sẽ chuyển đổi dần từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang một nhà cung cấp dịch vụ số, hướng tới trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số của khu vực Châu Á.