Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Lãi suất dần hạ nhiệt được kỳ vọng sẽ là một trong những chất xúc tác cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, liệu thị trường chứng khoán có thực sự khởi sắc khi nhiều nút thắt vẫn chưa được gỡ bỏ? Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Ngọc Báu- CEO Wi Group để bàn về vấn đề này.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Anh đánh giá như thế nào về động thái này của NHNN?
Việc NHNN giảm lãi suất tại thời điểm hiện tại là một quyết định đầy táo bạo và có phần đón đầu, nhưng nhiều khả năng bản thân NHNN cũng đã có những số liệu, toan tính và mô hình cần thiết trước khi đưa ra quyết định này.
Trước tiên chúng ta có thể thấy tỷ giá đã không còn là vấn đề đau đầu nhất mà vấn đề cần phải tập trung giải quyết lúc này là sự suy giảm tăng trưởng rất nhanh ở khu vực sản xuất và tiêu dùng, xuất khẩu. Mặt khác sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley và Signature thể hiện cho sức khỏe hệ thống tài chính Mỹ có thể xấu hơn những gì mà Fed tính toán và việc tiếp tục tăng lãi suất có thể sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được. Với bối cảnh hiện tại thì chắc chắn lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ thay đổi và triển vọng về một đồng Dollar yếu đi cùng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm mạnh sẽ trở thành viễn cảnh mà nhà đầu tư kỳ vọng.
Thứ đến là cán cân tổng thể dự báo sẽ khả quan khi thặng dư thương mại khá cao trong 2 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại cũng bắt đầu gia nhập trở lại và việc tỷ giá ổn định cùng với dòng tín dụng trong nước bị ách tắc cũng sẽ kích thích các doanh nghiệp mở rộng vay nợ nước ngoài. Có thể NHNN đã có những số liệu đủ để đong đếm được dòng USD chảy vào trong thời gian tới sẽ đủ lớn để chấp nhận đánh một chút áp lực tỷ giá mà thay vào đó tập trung giảm lãi suất nhanh nhất hỗ trợ nền kinh tế.
Theo dự báo của anh, xu hướng hạ lãi suất có còn tiếp diễn trong thời gian tới?
Tôi cho rằng xu hướng giảm lãi suất điều hành sẽ không diễn duy trì lâu và trong năm nay chỉ có thể hy vọng 1-2 lần giảm lãi suất bởi trước đó chúng ta đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua, room giảm lãi suất điều hành của Việt Nam còn khá ít.
Nhìn ra thế giới, sau sự kiện SVB, nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn trong việc tăng lãi suất, thậm chí sẽ hạ lãi suất sẽ sớm hơn dự kiến. Chuyên gia đánh giá sao về lộ trình của Fed trong thời gian tới?
Như tôi đã nói ở trên, sự sụp đổ của 2 ngân hàng Silicon Valley và Signature thể hiện cho sức khỏe hệ thống tài chính Mỹ có thể xấu hơn những gì mà Fed đã nghĩ và việc tiếp tục duy trì quan điểm “cứng rắn” với lãi suất có thể sẽ gây ra những hậu quả không lường trước được. Với bối cảnh hiện tại thì chắc chắn lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ thay đổi và có thể sự đảo ngược chính sách lãi suất của Fed sẽ diễn ra sớm hơn so với kỳ vọng trước đó rất nhiều tháng.
Nếu cần có những dự báo để lập tình huống từ đó đưa ra những quyết định đầu tư hay kinh doanh thì tôi cho rằng xác suất cao lãi suất chính sách của Mỹ sẽ chỉ còn tăng 0,25-0,5% nữa và sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào cuối năm nay. Tất nhiên điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến tại hệ thống ngân hàng Mỹ, thứ đến mới là lạm phát.
Hạ lãi suất được xem là một “tin vui” đối với thị trường chứng khoán. Với xu hướng này, thị trường chứng khoán có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới
Thị trường chứng khoán trung và dài hạn bị quyết định bởi dòng tiền và triển vọng kinh doanh. Hạ lãi suất là một trong những yếu tố quan trọng để kích hoạt dòng tiền, tuy nhiên từ lúc hạ lãi suất chính sách cho đến khi những quyết định này tác động đến dòng tiền và lãi suất thị trường diễn ra thường không nhanh chóng.
Chính vì vậy “tin vui” này có thể giúp thị trường duy trì sự tích cực trong ngắn hạn, nhưng theo tôi chúng ta chưa thể kỳ vọng được nhiều. Bởi sau tin vui này sẽ là nhiều “tin không vui” xen lẫn: Triển vọng lợi nhuận rất yếu đặc biệt quý 1, khu vực sản xuất đang suy giảm rất nhanh, xuất khẩu gặp khó và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu nhen nhóm,….. Mặt khác như đã nói ở trên, không giản giảm lãi suất điều hành của Việt Nam còn khá ít và bối cảnh hiện tại cũng không thể bơm tiền mạnh mẽ như năm 2019-2021 được, kỳ vọng một con sóng lớn bứt tốc vào thời điểm này là khó khăn.