Tỷ phú Việt ghi nhận tài sản tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tốt và giá cổ phiếu tăng mạnh. Nhiều người đã có động thái dịch chuyển tài sản sang cho các con như 1 bước chuyển giao dần.
Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Trần Tuấn Dương đăng ký bán 12 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 13/5-11/6/2021. Trong khi đó, 3 người con của ông Dương là Trần Bảo Ngọc, Trần Ngọc Diệp và Trần Gia Bảo đăng ký mua vào mỗi người 4 triệu cổ phiếu HPG.
Giao dịch này nhiều khả năng là sự chuyển nhượng cổ phiếu từ ông Dương sang các con. Giá trị cho tặng lên tới khoảng 750 tỷ đồng. Sau giao dịch, ông Dương còn nắm giữ hơn 76,6 triệu cổ phiếu HPG, tương đương hơn 4.800 tỷ đồng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG tăng mạnh trong thời gian vừa qua, tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng, từ mức khoảng 30.000 đồng/cp lên 63.000 đồng/cp như hiện nay. Ông Trần Tuấn Dương có thêm gần 2.800 tỷ đồng trong một khoảng thời gian ngắn.
Nếu tính trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu HPG tăng gấp hơn 3 lần, đồng nghĩa với việc ông Dương có thêm khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi đầu 2020, con trai ông Trần Đình Long là Trần Vũ Minh đã mua vào 40 triệu cổ phiếu HPG bằng phương thức khớp lệnh qua sàn. Số cổ phiếu này hiện có giá trị hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với thời điểm mua vào.
Cuối năm 2020, ông Trần Đình Long cũng đã mua thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HPG từ Phó Chủ tịch Doãn Gia Cường, giá trị ước tính theo thị giá khi đó là khoảng 800 tỷ đồng.
Các tỷ phú Việt giàu lên trong đại dịch. |
Ông Long cho biết ông từng muốn mua thêm cổ phiếu HPG nhưng vì thủ tục chào mua công khai quá phức tạp nên sau đó lại thôi. Cũng theo vị chủ tịch này, hàng năm ông được nhận một số tiền cổ tức từ Hòa Phát và do vậy có nguồn vốn để mua cổ phiếu HPG. Ông Long hiện có tài sản ròng 3,1 tỷ USD và là người giàu thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Cổ phiếu HPG nói riêng và ngành thép nói chung tăng mạnh trong thời gian gần đây là nhờ có kế quả kinh doanh rất tốt.
Trong quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long ghi nhận lãi sau thuế cao đột biến hơn 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực chính thúc đẩy lợi nhuận của Hòa Phát là xu hướng tăng phi mã của giá thép, bao gồm cả thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, hay tôn mạ, ống thép... Trong khi đó, HPG lại chủ động được nguồn quặng sắt.
Nhiều doanh nghiệp như Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Tiến Lên (TLH)… đều ghi nhận lợi nhuận tăng vọt.
Trong tuần qua, dòng tiền trên thị trường chứng khoán dồn dập đổ vào nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán và ngân hàng. Nhiều mã thuộc những nhóm này ghi nhận thị giá tăng mạnh và lên đỉnh cao lịch sử.
Các cổ phiếu thép như Thép Tiến Lên, NKG, VGS đều có khối lượng giao dịch bình quân tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thép được dự báo sẽ còn tăng mạnh vì thị trường quặng sắt tăng nóng do nguồn cung thấp và cuộc chiến thương mại Trung Quốc-Australia và chính sách bảo vệ môi trường của Bắc Kinh khiến sản xuất thép tại Trung Quốc suy giảm.
Trong phiên 10/5, thị trường thế giới ghi nhận giá quặng thếp nhảy vọt 10% chỉ trong vài phút lên 225 USD/tấn. Trong tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử, giá quặng thép vượt ngưỡng 200 USD/tấn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index quay quanh ngưỡng 1.250 điểm.
Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 1.268-1.275 điểm trong phiên kế tiếp. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.275-1.285 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lại lại xu thế tăng điểm trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/5, chỉ số VN-Index tăng 17,77 điểm lên 1.259,58 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm lên 280,27 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 80,84 điểm. Thanh khoản đạt 26,1 nghìn tỷ đồng.
V. Hà