Sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh xảy ra đã khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng; nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất cũng bị gián đoạn...
Nhìn vào những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng như diễn biến kéo dài của dịch bệnh với số ca nhiễm COVID-19 mới ghi nhận mỗi ngày vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam.
Trao đổi với BizLIVE về tăng trưởng GDP quý 3, quý 4 và cả năm 2021, các chuyên gia cho rằng rất khó để đưa ra con số dự báo khi mà tăng trưởng của hai quý cuối năm còn phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng. Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định là khả năng tăng tưởng sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra.
GDP QUÝ 3 DỰ BÁO SẼ GIẢM RẤT MẠNH
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế-Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, cho đến thời điểm này dịch bệnh vẫn phức tạp, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Hiện vẫn chưa biết dịch kéo dài đến bao giờ, các biện pháp giãn cách vẫn tiếp tục được áp dụng, các hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng nặng và không có thông tin để đánh giá được cho nên rất khó để đưa ra con số dự báo về tăng trưởng.
Ngày 19/8, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 4,8%, giảm mạnh so với mức tăng 7,3% trong dự báo hồi tháng 6.
Trước đó, từ nửa cuối tháng 7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam còn ở mức 5,8%.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) hồi tháng 7 cũng đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021, trong đó, kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất là dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 3/2021 thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt từ 4,5-5,1%. Còn trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng GDP chỉ đạt từ 3,5-4,0%
Sang tháng 8, Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể chỉ ở mức 3,7%. Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 còn 4,0%. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đưa ra dự báo lạc quan hơn là tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam khoảng 5,0%.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Độ, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đặt ra từ đầu năm khó đạt được và chắc chắn phải hạ dự báo.
"Những năm trước có thể dựa vào số liệu quý 1, quý 2 để dự đoán tăng trưởng quý 3, quý 4 và cả năm. Tuy nhiên, năm nay quý 1, quý 2 tăng trưởng tương đối ổn, song quý 3 thông tin về mức độ phong tỏa đến đâu, các nhà máy hoạt động bao nhiêu công suất lại không có nhiều thông tin để làm cơ sở dự báo", ông nói.
Dù không đưa ra dự báo cụ thể nhưng TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng tăng trưởng trong quý 3 sẽ có sụt giảm nghiêm trọng. Ông hy vọng quý 4 khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động được nối lại thì tăng trưởng sẽ được phục hồi.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng quý 3 ảnh hưởng của dịch rất nghiêm trọng, tăng trưởng cũng sụt giảm mạnh, còn quý 4 chưa biết tình hình ra sao vì còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.
"Bắt đầu từ tháng 6, đặc biệt là từ đầu tháng 8 đến nay rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã điều chỉnh về dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam và đều điều chỉnh theo hướng đi xuống. Điều này là tất yếu vì dịch hoành hành, lây lan, buộc phải thực hiện các mức giãn cách khác nhau, đặc biệt là các trung tâm công nghiệp bị ảnh hưởng nặng", TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Theo ông, tổng thể các ngành đều gặp khó khăn vì đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong các địa phương, giữa các địa phương với nhau, giữa trong nước và thế giới. Ảnh hưởng này phản ánh rất rõ qua các con số thống kê của tháng 7 và chắc chắn càng rõ nét hơn trong tháng 8.
Chuyên gia kinh tế này cũng cho biết, các trụ cột tăng trưởng hiện nay đều đang bị ảnh hưởng của dịch, trong đó, xuất khẩu đã xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp lo mất đơn hàng.
"Nếu như năm ngoái khi dịch bệnh diễn ra tại các nước, đơn hàng đã dịch chuyển một phần sang Việt Nam, thì năm nay nếu doanh nghiệp không đáp ứng được, các đối tác sẽ phải chuyển đơn hàng sang nơi khác. Đây không phải là câu chuyện chỉ của hôm nay mà câu chuyện dài hơn là khi tạm khống chế được dịch thì phải làm thế nào để kéo đơn hàng trở lại", ông phân tích.
"Ngay cả lĩnh vực ít bị ảnh hưởng là hạ tầng, xây dựng hiện nay cũng bị tác động rất lớn", ông cho biết thêm.
Về con số dự báo, TS. Võ Trí Thành cho biết, từ cách đây khoảng một tháng, một số tổ chức đã đưa ra kịch bản dự báo xấu về tăng trưởng là dưới 5%, thế nhưng giờ kịch bản xấu cho tăng trưởng cả năm chỉ còn trên dưới 3,5% và có thể còn xấu hơn.
Còn về dự báo mức lạm phát, TS. Võ Trí Thành cho rằng lạm phát năm nay không phải là vấn đề lớn, mặc dù giá cả một số mặt hàng đầu vào tăng do dịch nhưng gần đây đã chững lại. Ông đồng tình với một số dự báo lạm phát cả năm dưới 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu 4%.
Trong khi đó, theo phân tích của TS. Nguyễn Đức Độ, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, các cơ sở hoạt động không hết công suất, thu nhập của người lao động giảm mạnh, họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho nên lạm phát ít nhất trong nửa cuối của năm không đáng lo.
Thêm nữa, trước đây giá mặt hàng đầu vào quan trọng nhất là xăng dầu có tăng nhưng gần đây cũng đã giảm nên ông Độ cho rằng lạm phát trung bình cả năm chỉ tầm hơn 2%, cách khá xa so với mức 4% đặt ra.
GIẢI PHÁP CỐT LÕI VẪN LÀ VẮC XIN
Bàn về giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng kinh tế sụt giảm là do COVID và giãn cách xã hội cho nên giải quyết được vấn đề dịch bệnh, thì hoạt động sản xuất mới kết nối lại được, lúc đó kinh tế mới phục hồi được.
"Để giải quyết COVID thì phải có vắc xin vì dịch bệnh đang lây lan rất nhanh nếu chưa có vắc xin thì vẫn phải đóng cửa và như thế các hoạt động vẫn bị gián đoạn", ông nói và lấy ví dụ TP.HCM đã đóng cửa cả tháng vẫn còn chưa kiểm soát được dịch.
"Không phải tự nhiên mà Chính phủ dùng mọi cách để có được vắc xin, có được vắc xin thì mọi thứ mới bình thường hóa lại được. Đó là giải pháp cốt lõi chứ chỉ hỗ trợ cho người lao động thì không thấm vào đâu cả", TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cho rằng, hiện nay mỗi địa phương tùy tình hình có những biện pháp phòng chống dịch khác nhau tuy nhiên dù cách nào vẫn phải đảm bảo được lưu thông hàng hóa, nguyên liệu để không gây gián đoạn chuỗi sản xuất và duy trì sự thông suốt của nền kinh tế.
Trước đó, tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" do BizLIVE tổ chức hồi cuối tháng 7, các chuyên gia cũng cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cũng như tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xuất khẩu,…
Thực tế, từ cuối tháng 6, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63 đề ra 5 mục tiêu và 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong đó, Chính phủ xác định vẫn kiên định mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6-6,5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh...
Từ đó cho đến nay, cùng với nỗ lực để đẩy nhanh chiến lược vắc xin, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch; khơi thông ách tắc trong vận chuyển hàng hóa...
Đặc biệt, từ giữa tháng 8, Thủ tướng đã có công điện gửi 10 bộ yêu cầu tập trung rà soát những quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các "điểm nghẽn", huy động mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Thủ tướng có công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố nêu ra 10 nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 nhằm tạo động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Với những giải pháp cụ thể mà Chính phủ đã đặt ra, hy vọng rằng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý 4, các hoạt động kinh tế - xã hội sớm phục hồi, Việt Nam sẽ thực hiện tốt "mục tiêu kép" và đạt được mục tiêu tăng trưởng khả dĩ năm nay.