Ngày 30-5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra 17 bộ, cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì buổi kiểm tra.
Lo bị nghi ngờ, "tô vẽ"
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng thời gian qua, giới truyền thông công bố rầm rộ về việc các bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có Bộ Công Thương cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh bằng Nghị định 08. Trong khi đó, các bộ, ngành khác đang ở quá trình rà soát, không phải là cắt bỏ. Việc công bố thông tin như vậy là chưa đúng thực chất, chưa đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo và chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.
"Nếu cứ thông tin có cắt giảm mà lại không cắt giảm như thế thì doanh nghiệp (DN), người dân, thậm chí ngay giữa các bộ cũng nghi ngờ có sự tô vẽ của bộ nào đó. Như vậy không hay cho Chính phủ, không hay cho chúng ta" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lo ngại. Ông cũng cho rằng phải công bố rõ ràng, công khai về cắt giảm điều kiện kinh doanh trên báo chí và đến bao giờ thực hiện việc này. "Chúng ta toàn nói dối nhau là không được" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết của một số bộ nhưng chưa đề cập trong phương án cắt giảm Ảnh: Nhật Bắc
Từ đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị công khai bộ nào đã rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh, nêu rõ "điều kiện kinh doanh phải xử lý bằng nghị định chứ không phải điều kiện kinh doanh là điều chuyển sang thông tư để lách luật, để làm việc không đúng". Ông Mai Tiến Dũng dẫn chứng: "Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) giảm 11 điều kiện kinh doanh ở nghị định nhưng tăng 115 điều kiện kinh doanh ở chỗ khác. Như thế là không được, là trói thêm".
Theo báo cáo của Tổ công tác, sau các cuộc kiểm tra chuyên đề tại các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động kiểm tra chuyên ngành có chuyển biến nhất định, như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo và mong nuốn. Hiện mới có 3 bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên, gồm Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Một số phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành còn mang tính hình thức để đạt mục tiêu của Chính phủ; một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chỉ mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất các hàng hóa, sản phẩm này vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành hoặc phải đáp ứng điều kiện kinh doanh như trước đây. Còn tình trạng "điện tử nửa vời" trong các thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa tích cực.
Một số bộ chưa tích cực
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ nêu rõ đến nay, hầu hết các bộ đã xây dựng phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh với tỉ lệ đạt từ 33% đến hơn 50%. Tuy nhiên, nhiều điều kiện kinh doanh của một số bộ không cần thiết nhưng chưa đề cập trong phương án đơn giản hóa, cắt giảm; hoặc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh này, lại phát sinh nhiều điều kiện kinh doanh khác. Cụ thể, ngày 1-3-2018, theo tham mưu của Bộ TT-TT, Chính phủ ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Theo đó, 11 điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa nhưng thêm 115 điều kiện kinh doanh bổ sung.
Trong phương án đơn giản hóa đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhiều bộ chưa đạt tỉ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Mới 9 bộ có tỉ lệ cắt giảm trên 50%. Ngân hàng Nhà nước chưa đạt 50% là do các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý mang tính đặc thù, do đó việc đơn giản hóa, cắt giảm phải bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước.
Tiến độ thực hiện nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh còn chậm, một số bộ chưa tích cực. Đến ngày 31-10, các bộ phải trình ban hành nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhưng đến nay, ngoài Bộ Công Thương, mới có Bộ Xây dựng có dự thảo nghị định, đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Còn lại, hầu hết các bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án.
Giải trình ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT-TT Võ Thanh Lâm phân trần: "Toàn bộ điều kiện kinh doanh trong Nghị định 27 đều là điều kiện quy định tại 4 thông tư của Bộ TT-TT đã ban hành, sau đó đã được rà soát theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ. Đây không phải bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh mới".
Trước lập luận này, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng Nghị định 27 nâng cấp toàn bộ các điều kiện kinh doanh trong thông tư, cắt được 11 điều kiện kinh doanh, còn 115 điều kiện kinh doanh. "Hiện Bộ TT-TT có 244 điều kiện kinh doanh. Tới chiều hôm qua, chúng tôi chưa nhận được báo cáo của bộ sẽ cắt giảm bao nhiêu. Nếu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh thì Bộ TT-TT phải cắt giảm tối thiếu 122 điều kiện kinh doanh" - ông Ngô Hải Phan nói.
Tiếp tục đối thoại, Vụ trưởng Võ Thanh Lâm cho biết theo thống kê của Bộ TT-TT là 272 điều kiện kinh doanh, không phải 244. Các điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định 27 chắc chắn không phải là bổ sung thêm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát" - ông Lâm khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định: "Văn bản của Bộ TT-TT báo cáo còn 44 điều kiện kinh doanh, bây giờ là 272. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính báo cáo còn 244. Không biết cộng kiểu gì? Như thế này là chính tự mình tạo cho người ta nghi ngờ".
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), lại công bố kết quả rà soát Nghị định 72 (năm 2013) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27 (thay thế nghị định này), cho thấy Bộ TT-TT công bố cắt bỏ 11 điều kiện kinh doanh là không phải, mà chỉ sửa 11 điều kiện kinh doanh. Cộng lại, có 115 điều kiện kinh doanh được bổ sung trong Nghị định 27".
Trước các số liệu vênh nhau, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kết luận: "Liên quan đến điều kiện kinh doanh của Bộ TT-TT có tới 4 số liệu. Nhưng tóm lại, Bộ TT-TT là bộ duy nhất chưa rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, chỉ cộng cơ học...".
Thủ tướng kiểm tra hệ thống "đo kiểm" doanh nghiệp nhà nước
Ngày 30-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát, kiểm tra việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.
Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm và sự mạnh dạn của ủy ban trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý và cho rằng cần áp dụng rộng rãi cho các DN. Hệ thống sẽ giúp ủy ban giám sát hoạt động và kết nối trực tiếp với các DN dự kiến sẽ được chuyển giao về ủy ban để đánh giá được hoạt động và vốn nhà nước tại DN. Ngoài ra, hệ thống có bộ chỉ số giám sát để phân tích, đánh giá được sức khỏe của DN, đặc biệt là các rủi ro về tài chính, quản trị. Dựa trên cơ sở đó, ủy ban sẽ tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp quản lý DN, quản lý hiệu quả vốn nhà nước tại DN.
Dự kiến sẽ có khoảng 20 DN, tập đoàn kinh tế chuyển giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN quản lý. Khối DN này hiện có tổng giá trị vốn và tài sản khoảng 2 triệu tỉ đồng.
B.Trân