CTCP Tasco (mã HUT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 với doanh thu thuần đạt 246 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 4/2020. Giá vốn giảm 33% giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh lên mức 78 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lỗ gộp 36 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động thu phí vẫn là mảng chủ lực mang lại nguồn thu lớn nhất cho Tasco với hơn 172 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu đến từ mảng bất động sản (15 tỷ đồng), cung cấp dịch vụ (49 tỷ đồng) và hợp đồng xây dựng (10 tỷ đồng) cũng đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính trong quý 4 của Tasco tăng đột biến lên 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt vỏn vẹn hơn 500 triệu đồng. Trong kỳ các khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng hầu như tăng không đáng kể, bên cạnh đó Công ty tiết giảm gần một nửa chi phí quản lý doanh nghiệp.
Chấm dứt 6 quý thua lỗ liên tiếp, sang đến quý 4/2021, Tasco đã lật ngược tình thế với khoản lãi sau thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 153 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Tasco từ năm 2015 trở lại đây. Tại thời điểm tháng 12/2021, Tasco cũng chính thức xoá lỗ luỹ kế thành công khi ghi nhận 139 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Giải trình về những biến động trong kết quả kinh doanh, ban lãnh đạo Tasco cho biết lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh do hầu hết các mảng kinh doanh đều hồi phục trở lại như: thu phí đuường bộ, y tế, VECT đều có tăng trưởng so với năm trước. Bên cạnh đó, Công ty cũng thực hiện chính sách tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong thời kỳ dịch Covid-19.
Song song đó, Tasco cho rằng việc thực hiện thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh.
Tính chung cả năm 2021, doanh thu của Tasco đạt 870 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 48 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với khoản lỗ khổng lồ 243 tỷ đồng trong năm 2020. Kết quả kinh doanh khả quan này được xem là cú lội dòng khá ngoạn mục của "trùm BOT", bởi trước đó Tasco vẫn ước tính sẽ lỗ khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2021.
Tình hình kinh doanh khả quan trong quý 4 cũng góp phần bồi đắp dòng tiền kinh doanh cho doanh nghiệp tăng mạnh từ 143 tỷ lên 430 tỷ đồng. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư chuyển từ dương sang âm 536 tỷ đồng do Tasco tăng cường chi tiền cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Đáng chú ý, dòng tiền tài chính của Công ty tăng đột biến nhờ khoản tiền 800 tỷ thu được từ đợt phát hành cổ phiếu.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Tasco đạt 10.831 tỷ đồng, tăng thêm 673 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi ngân hàng của Công ty tăng gấp đôi lên 403 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền cũng tăng gần 12 lần lên 237 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Tasco cũng tăng mạnh từ 47 tỷ đồng lên mức 618 tỷ đồng.
Mới đấy, Tasco vừa thông báo sẽ tiến hành tái cấu trúc triệt để, thoái vốn khỏi Tổng công ty Thăng Long và một số đơn vị thành viên, dự kiến thu hồi tối thiểu 600 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các lĩnh vực cốt lõi.Theo đó, doanh nghiệp sẽ có những thay đổi mạnh mẽ từ nội tại, hướng tới việc tập trung vào các lĩnh vực hoạt động có ưu thế.
Trong kế hoạch tái cấu trúc, Tasco dự kiến sẽ dồn nguồn lực và đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như đầu tư hạ tầng giao thông bao gồm hạ tầng thông minh VETC, các dự án hạ tầng theo hình thức PPP, đầu tư khai thác bất động sản và đầu tư phát triển hạ tầng y tế. Trong đó, Tasco vẫn đặt đầu tư hạ tầng giao thông các dự án BOT, VETC là lĩnh vực đầu tư trọng điểm.