Đối tượng nào phải nộp tiền sử dụng đất?
Theo Điều 2 Nghị định 45/2014/NĐ-CP, đối tượng thu tiền sử dụng đất bao gồm:
(1) Người được Nhà nước giao đất để sử dụng vào các mục đích sau đây:
- Hộ gia đình, cá nhân được giao đất ở;
- Tổ chức kinh tế được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê;
- Tổ chức kinh tế được giao đất thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng (sau đây gọi tắt là đất nghĩa trang, nghĩa địa);
- Tổ chức kinh tế được giao đất để xây dựng công trình hỗn hợp cao tầng, trong đó có diện tích nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê.
(2) Người đang sử dụng đất được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa trong các trường hợp sau:
- Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp có nguồn gốc được giao không thu tiền sử dụng đất, nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa;
- Đất nông nghiệp có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa có thu tiền sử dụng đất;
- Đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất chuyển sang sử dụng làm đất ở có thu tiền sử dụng đất;
- Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) có nguồn gốc được Nhà nước cho thuê đất nay chuyển sang sử dụng làm đất ở hoặc đất nghĩa trang, nghĩa địa đồng thời với việc chuyển từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.
(3) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất làm nhà ở, đất phi nông nghiệp được Nhà nước công nhận có thời hạn lâu dài trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận) phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định này.
Thời hạn nộp tiền sử dụng đất
Khoản 4 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn nộp tiền sử dụng đất khi được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (cấp Giấy chứng nhận) như sau:
- Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.
- Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.
Lưu ý, chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.
Như vậy, chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất thì hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận phải nộp đủ tiền sử dụng đất.
Chậm nộp tiền sử dụng đất bị xử lý như nào?
Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu khác mà người sử dụng đất phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận (nếu thuộc trường hợp phải nộp); nếu không nộp thì được coi là hành vi vi phạm hành chính về thuế và theo quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp tiền phạt.
Khoản 1 Điều 42 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định cách tính tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế như sau:
Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp.
Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, theo Nghị định 125 thì người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận nhưng chậm nộp tiền sử dụng đất so với hạn theo quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp (trước đây là 0,03%).
Lưu ý, không tính tiền chậm nộp tiền phạt trong các trường hợp sau:
+ Trong thời gian được hoãn thi hành quyết định phạt tiền.
+ Trong thời gian xem xét, quyết định miễn tiền phạt.
+ Số tiền phạt chưa đến hạn nộp trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần.