Thu nhập chưa đủ lo cuộc sống
Hiện nay, người dân có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên phải đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4 triệu đồng/tháng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mỗi sinh viên ra trường sau khoảng 2 năm làm việc có thể đạt tới mức lương 11 triệu đồng và bắt đầu phải đóng thuế. Tuy nhiên, mức sống này chỉ đủ cho sinh hoạt tối thiểu hằng ngày.
Chị Phạm Thị Linh (24 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết, mức lương mỗi tháng 11 triệu đồng chưa đủ lo cuộc sống. Để tiết kiệm tiền thuê nhà trọ, chị Linh cùng bạn thuê phòng trọ tại Cầu Giấy với mức 5 triệu đồng/tháng và thêm tiền điện nước, mạng internet. Trung bình tiền thuê nhà trọ mỗi người hết khoảng 3 triệu đồng. Mỗi tháng chị Linh phải trả 1,5 - 2 triệu tiền vay vốn ngân hàng chính sách chương trình cho sinh viên khó khăn vay vốn đi học. Sinh hoạt phí như ăn trưa, xăng xe, tiền điện thoại mỗi ngày hết khoảng 180.000 đồng.
“Một tháng, tiền sinh hoạt phí hết gần 6 triệu, tiền nhà khoảng 3 triệu, tiền trả ngân hàng đã ngốn hết thu nhập của tôi. Tôi không còn tiền tiết kiệm, tích luỹ. Khi ốm đau, bệnh tật, tôi phải vay tiền bạn bè. Với mức lương 11 triệu đồng, tôi chỉ đủ lo sinh hoạt, chưa dám nghĩ đến hoạt động như đi du lịch, ăn uống tụ tập bên ngoài với bạn bè hay học tập nâng cao trình độ”, chị Linh cho biết.
Theo chị Linh, nhiều bạn đại học, đồng nghiệp cùng trang lứa, có mức lương tương tự rơi vào cảnh như chị. Trước thực tế, giá thuê nhà, mặt hàng thiết yếu hằng ngày tăng lên, chị Linh đề xuất tăng mức đóng thuế để người làm công ăn lương như chị có thêm khoản chi tiêu phục vụ bản thân như giải trí, nâng chất lượng cuộc sống.
Cùng với đó, người dân phản ánh, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc 4 triệu đồng/tháng quá thấp, chưa sát với thực tế. Anh Lê Đức Tuấn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, thu nhập của anh gần 30 triệu đồng/tháng. Bố mẹ già không có lương hưu, anh Tuấn đề xuất giảm trừ gia cảnh cho bố mẹ và con nhỏ. Hàng tháng, công ty anh Tuấn ước lượng mức thuế TNCN và trừ trước khi nhận lương. Cuối năm, anh Tuấn sẽ nhận quyết toán thuế, hoàn lại số tiền này nếu đủ giảm trừ gia cảnh.
Hiện nay, Thuế TNCN cơ bản dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5 đến 10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10 đến 18 triệu đồng mức 15%...
“Mọi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, mức giảm trừ 4 triệu đồng là quá thấp. Bố mẹ tôi già yếu, ngoài tiền ăn uống, thường xuyên ốm đau phải nhập viện điều trị. Con nhỏ cũng thêm nhiều khoản chi tiêu. Tôi mong mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương được tăng lên để chúng tôi có chút tiền đầu tư cho con cái như học thêm kỹ năng sống, ngoại ngữ”, anh Tuấn mong muốn.
Người lao động chắt chiu từng đồng cân đối cuộc sống
Trái ngược với thực trạng người dân gặp khó khăn khi phải è lưng cõng thuế, thu ngân sách từ sắc thuế này ngày càng tăng. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, năm 2022, thu Thuế TNCN đạt gần 167 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2021 và đạt mức cao nhất trong 10 năm qua.
Anh Nguyễn Lê Giang (Hà Nội) cho rằng, kết quả thu Thuế TNCN cho thấy, người đóng thuế đã và đang thực sự có trách nhiệm với ngân sách quốc gia. Tiềm năng từ Thuế TNCN còn rất lớn nếu biết nuôi dưỡng và có chính sách động viên hợp lý.
“Từ chỗ tỷ trọng không có gì đáng kể, đến nay Thuế TNCN trở thành nguồn lực quan trọng của ngân sách. Quan trọng hơn, đó là nguồn thu phát sinh từ chính nội lực bền vững của người dân, thể hiện rõ tầm vóc cực kỳ quan trọng của sức dân trong một nền kinh tế mới nổi. Ngành Thuế cần có giải pháp duy trì và phát huy thế mạnh của nguồn lực này, để cho mọi người đều cảm thấy tự tin, tự hào khi nộp thuế, chứ không phải ngược lại”, anh Giang đề xuất.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững (Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đánh giá, hiện nay, một công nhân hay sinh viên mới ra trường đi làm với thu nhập 11 triệu đồng đã phải đóng thuế. Trong khi đó, họ phải lo tiền thuê nhà, chưa kể ốm đau hay nhu cầu giải trí. Vì vậy, ngưỡng đánh thuế 11 triệu đồng là quá thấp, cần nâng lên mức tối thiểu 15 - 16 triệu đồng/tháng.
Cần tăng ngay mức giảm trừ gia cảnh
Trước bất cập của Thuế TNCN, cơ quan dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đề xuất một số sửa đổi. Trong đó, một trong những điểm sửa đổi đề cập phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao.
Một trong những quy định được người dân quan tâm là nâng mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, ngành Thuế vẫn duy trì quan điểm, chỉ khi số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên.
“Nhu cầu của người dân tăng dần, từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp rồi đi du lịch, vui chơi. Nhu cầu của người dân mỗi năm khác biệt, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát? Các nước khác tiến tới giảm dần mức Thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo”, ông Thịnh kiến nghị.
Trong 10 năm kể từ khi áp dụng luật Thuế TNCN, lương tối thiểu vùng tăng 9 lần nhưng giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020.
Trước đó, trong báo cáo gửi trước kỳ họp Quốc hội, cử tri nhiều địa phương đề nghị sửa đổi Luật Thuế TNCN. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng/tháng và giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4 triệu đồng/tháng hiện không còn phù hợp với giá thực tế và chi phí bình thường cho nhu cầu cuộc sống. Cần nâng ngưỡng chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc phù hợp với thực tế hiện nay”.