Doanh nghiệp nợ lương bao lâu thì bị phạt?
Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp, người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được ủy quyền hợp pháp bởi người lao động.
Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm phải trả đủ lương vào đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.
Tuy nhiên, khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động cho biết, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày...
Như vậy, nếu như có lý do bất khả kháng và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng doanh nghiệp vẫn không thể trả lương đúng hạn thì được chậm trả tối đa 30 ngày.
Từ những căn cứ trên, có thể xác định khoảng thời gian chậm lương khiến cho doanh nghiệp bị phạt như sau:
- Có lý do bất khả kháng: Chậm lương từ 31 ngày so với kỳ hạn sẽ bị phạt.
- Các trường hợp còn lại: Chậm lương từ 1 ngày so với kỳ hạn là bị phạt.
Không trả lương đúng hạn, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?
Nếu không trả lương đúng hạn theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Từ 5 - 10 triệu đồng: Chậm lương của 1 - 10 người lao động;
Từ 10 - 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 - 50 người lao động;
Từ 20 - 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 - 100 người lao động;
Từ 30 - 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 - 300 người lao động;
Từ 40 - 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vi phạm.
Mức phạt này được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi mức nêu trên (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12).
Doanh nghiệp chậm lương, làm thế nào để đòi lại quyền lợi?
Để đòi đủ tiền lương của mình, người lao động có thể thực hiện theo một trong các cách sau:
Cách 1: Khiếu nại
Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trước hết, người lao động phải gửi đơn khiếu nại đến chủ doanh nghiệp để yêu cầu giải quyết tiền lương. Nếu doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì mới gửi đơn khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Cách 2: Khởi kiện tại Tòa án nhưng trước hết phải hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải thực hiện hòa giải thông quan Hòa giải viên lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nếu hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì được yêu cầu khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.