Ông Trần Việt Hùng, chủ biệt thự cũ tại địa chỉ 14 Công Lý (quận Thủ Đức), đã 20 lần lui tới các cơ quan cấp phép, quy hoạch để xin giấy sửa chữa lại căn nhà nhưng bất thành. Trong khi căn biệt thự cũ của ông đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đợi chờ trong mòn mỏi
"Mấy tháng gần đây, mưa to khiến trần nhà thấm và nền nhà lún nghiêm trọng. Mọi thứ rệu rã đến mức đe dọa tính mạng con người" - ông Hùng mô tả về căn nhà mang danh biệt thự cũ của mình. Dẫn ra phía bếp để chứng minh lời nói có căn cứ, ông chỉ cho chúng tôi thấy các vết nứt lớn trên trần và vữa nằm đầy nền nhà. Nếu không sớm sửa hay xây lại thì rất nguy hiểm" - ông Hùng bức xúc nói.
Tháng 7-2019, ông Hùng nộp đơn đến Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức xin cấp phép sửa chữa. Chờ mòn mỏi không được đáp ứng, ông tự gõ cửa tìm gặp các thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự và lãnh đạo các sở - ngành TP HCM để có câu trả lời. Tuy nhiên, tròn 1 năm, mọi đơn từ và quyền lợi về nhà đất vẫn chưa được đáp ứng. Trong khi đó, căn nhà của ông thuộc sở hữu của 4 người, con cháu mỗi lúc một đông cần phải sửa chữa và xây thêm để có không gian ở. "Mang đơn đến đâu cũng nhận được câu trả lời phải chờ..." - ông Hùng ấm ức chia sẻ.
Tương tự, trường hợp căn biệt thự địa chỉ 124 Nơ Trang Long vào giữa tháng 5-2018 trong cơn mưa lớn, một phần mái ngói đổ sập. Chủ nhà thấy vậy nhanh chóng tháo dỡ để bảo đảm an toàn. Sau đó đã bị tạm ngưng tháo dỡ vì đây là công trình nằm trong danh sách xem xét để phân loại theo chương trình phân loại biệt thự cũ.
Mọi thứ đã kéo dài 2 năm, việc kiểm kê, đánh giá vẫn chưa hoàn tất và giờ đây căn nhà chỉ còn 4 bức tường gạch. Đại diện chủ nhà cho biết: "Tôi xin mấy lần tháo dỡ để dựng lại căn nhà tạm nhằm giúp gia đình quay về nơi ở cũ ổn định hơn. Nhưng mọi thứ chưa được chấp nhận". UBND quận Bình Thạnh cũng cho biết nhiều lần gửi văn bản đề nghị hướng dẫn giúp người dân cải tạo, sửa chữa nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả cụ thể. Không những trường hợp này, nhiều căn biệt thự khác vẫn đang trong diện xem xét.
Một chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận 1 cho biết rất đau đầu khi phân loại và xếp loại biệt thự. Thời gian qua, rất nhiều chủ nhà bức xúc vì chờ đợi lâu không được phân loại nên đã lên tận nơi làm việc lớn tiếng vì cho rằng cơ quan chức năng làm khó dễ. Đã có trường hợp đợi lâu, chủ nhà làm đơn khiếu nại đến UBND TP. "Biệt thự cũ là sở hữu cá nhân và bên trong đó có rất nhiều thế hệ sinh sống. Khi con cái đông, nhu cầu nâng cấp hoặc tách thửa áp lực hơn. Nếu chưa được phân loại biệt thự chắc chắn không được phép cải tạo mặc dù xuống cấp trầm trọng. Lâu nay, cơ quan quản lý địa phương rất lo việc kéo dài lỡ sập đè chết người như từng xảy ra ở Hà Nội thì trách nhiệm không biết thuộc về ai" - vị chuyên viên trên lo lắng.
Ông Trần Việt Hùng - chủ biệt thự số 14 Công Lý, quận Thủ Đức, TP HCM - bức xúc trước cảnh nhà xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa
Không ai muốn làm chủ tịch hội đồng (!?)
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, trước năm 1975, có tổng trên 1.300 biệt thự cũ nhưng qua thời gian giảm gần nửa. Trong đó không ít công trình mang đậm tính dấu ấn lịch sử, văn hóa đã "mất đi" do áp lực của sự phát triển đô thị. Hiện tại, còn 745 căn biệt thự chưa đủ điều kiện cần thiết để thẩm định đồng nghĩa với việc hàng trăm chủ nhà vẫn tiếp tục xếp hàng đợi việc đánh giá cho phép tháo dỡ hay tồn tại.
Trong quá trình kiểm tra, ít nhất Hội đồng Phân loại biệt thự ghi nhận 3 căn từng là biệt thự cũ hoặc đã "biến mất". Mới đây, Báo Người Lao Động ghi nhận thêm trường hợp biệt thự số 6B Ngô Thời Nhiệm (quận 3) tháo dỡ dù đang trong quá trình phân loại lại kiến trúc. Theo chủ nhà, họ tự ý đập bỏ vì không thể chờ đợi được nữa.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho biết đơn vị đã liên tục có văn bản thông báo từ chối và "nhường" vai trò Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự cho cơ quan khác đảm nhiệm. "Cụ thể, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã nhiều lần có văn bản đề nghị chuyển giao vai trò điều hành Hội đồng Phân loại biệt thự cho Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch và Kiến trúc đảm trách" - ông Trần Hoàng Ngân nói.
Tuy nhiên mới đây, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP, từ chối vai trò chính trong công tác thẩm định, đánh giá biệt thự cũ. Lý do đơn vị này đưa ra là vừa làm nhiệm vụ quản lý điều hành, cấp phép chỉ tiêu xây dựng nên nếu nhận công tác bảo tồn sẽ không bảo đảm tính khách quan. "Nếu giao cho Viện Nghiên cứu phát triển TP đảm nhận Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự và phối hợp các sở thì ước tính chỉ mất khoảng 6 tháng là phân loại xong" - ông Nhã kiến nghị.
Một thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự cho biết gần nửa năm nay, chỉ việc tìm ai là chủ tịch hội đồng tưởng đơn giản lại không thực hiện được. Mới đây, Sở Nội vụ TP phải có văn bản gửi UBND TP về việc đơn vị đã chủ trì hàng loạt cuộc họp thống nhất chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự từ Viện Nghiên cứu phát triển TP sang Sở Quy hoạch và Kiến trúc. Thế nhưng, đến lúc đề nghị làm văn bản chính thức thì lại không đồng ý.
151 biệt thự cũ phải giữ đúng kiến trúc ban đầu
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM (Phó Chủ tịch Hội đồng Phân loại biệt thự TP), cho biết UBND TP vừa bàn hành văn bản công nhận 151 biệt thự cũ thuộc nhóm 1 và 2 trên địa ban quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức.
Theo đó, những căn nằm nhóm 1 phải giữ nguyên hiện trạng; nhóm 2 chỉ thay đổi kết cấu bên trong. Đặc biệt, nếu công trình xuống cấp nghiêm trọng phải tháo dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của biệt thự cũ.