Việc ngăn chặn các chiêu thức lách luật, né thuế của dân bán hàng online vẫn còn hết sức gian nan, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan quản lý thuế.
Mới đây, trao đổi thông tin với PV, ông Viên Viết Hùng - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho hay, đơn vị đã thu thập thông tin của 32.800 địa chỉ bán hàng online, trong đó xác minh 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế.
Bản thân đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cũng thừa nhận, nhóm các cá nhân/hộ kinh doanh thương mại điện tử là đối tượng khó quản lý hơn so với nhóm doanh nghiệp, tổ chức. Bởi trên thực tế, các cá nhân kinh doanh online thường có nhiêu chiêu trò để lách thuế.
Chị L.A (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - một người kinh doanh quần áo trên Facebook - nói với phóng viên, có rất nhiều cách thức để tránh lộ doanh thu như dễ nhất là tăng cường nhận tiền mặt; nếu thanh toán chuyển khoản, chủ cơ sở sẽ đề nghị khách mua không cần ghi trong nội dung chuyển khoản thông tin về mục đích chuyển, không nhắc đến tên hàng hóa gì, chỉ cần ghi tên khách hoặc tên Facebook. Thậm chí để tránh bị soi, còn có thể bảo khách ghi nội dung là "cho", "tặng" hay "biếu quà",...
Chặn chiêu lách thuế của người bán hàng online vẫn còn nhiều khó khăn. Ảnh: Bùi Hạnh |
Đồng thời, có thể phân bổ số tiền đến cho nhiều cá nhân khác nhau, tránh dồn toàn bộ vào một tài khoản nhất định sẽ dễ bị truy thuế với nguồn thu lớn.
Ngoài ra, hiện nay với hình thức quảng cáo sản phẩm qua livestream, nhiều tài khoản facebook thu hút đến hàng chục ngàn lượt tương tác cũng nhanh chóng xoá luôn video livestream sau khi kết thúc để tránh bị soi lại.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay có tình trạng giao dịch qua mua bán online không ghi tên giao dịch, không ghi nội dung…
Tuy nhiên, nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi trường hợp, cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.
Đại diện cơ quan thuế cũng cho biết, tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Còn theo đại diện Cục thuế TPHCM, qua quá trình kiểm tra, thanh tra, cơ quan này nhận thấy, doanh thu từ thương mại điện tử không khai báo với cơ quan thuế tập trung ở hai điểm.
Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử nhưng với những tài khoản mở tại các ngân hàng mà không đăng ký với cơ quan thuế.
Thứ hai, thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa (ủy quyền cho các đơn vi giao nhận hàng hóa, khi giao hàng trực tiếp thu tiền của người mua để chuyển lại cho người bán). Toàn bộ các khoản doanh thu bán hàng này không thực hiện kê khai nộp thuế.
Để xử lý tình trạng này, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, tiến hành kiểm tra thông qua việc truy xuất vào địa chỉ bán hàng trên các trang website, trang mạng xã hội để xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền mua hàng, chuyển tiền thanh toán qua ngân hàng, từ đó cơ quan thuế xác định các tài khoản nhận thanh toán tiền.
Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thu tiền bán hàng bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng hóa, cơ quan thuế sẽ thực hiện tiến hành thanh tra, kiểm tra hoặc xác minh tại các đơn vị ký hợp đồng nhận vận chuyển giao hàng hóa có thu hộ tiền cho người bán.
Từ đó xác định số lượng hàng hóa bán, số tiền doanh thu thu hộ để xử lý truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh thu không thực hiện kê khai nộp thuế.
(Theo Lao Động)