Bài 1: Nguy cơ vỡ mộng vì ăn theo cơn sốt đất
Và đến cuối năm 2017, khi thị trường nhà đất ở Vân Đồn sôi động, nhiều người dân địa phương vốn chỉ quen với công việc đi biển đánh bắt hải sản đã tạm bỏ nghề truyền thống chuyển sang môi giới nhà đất.
Giá đất tại huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đang nóng lên từng ngày trước khi trở thành đặc khu kinh tế. Cùng với việc tạm dừng các giao dịch bất động sản, chính quyền địa phương đang tính đến giải pháp lâu dài để hạn chế, thanh lọc các dự án và nhà đầu tư thiếu tiềm lực, mang nặng tính đầu cơ, trục lợi…
Giá đất tăng vù vù
Theo kết quả kiểm tra của UBND huyện Vân Đồn, giá đất trên địa bàn bị “cò” đẩy lên cao hơn rất nhiều so với quy định của UBND tỉnh. Cụ thể, giá đất ở mặt tỉnh lộ 334 thuộc xã Hạ Long, từ 5-6 triệu đồng/m² tăng lên 15-17 triệu đồng/m².
Khu dân cư trung tâm, đầu đường vào sân bay Vân Đồn, có những thời điểm được rao bán với giá trên 30 triệu đồng/m². Đến đất rừng tại vị trí thuận lợi lúc trước chỉ có 150 triệu đồng/ha, nhưng gần đây tăng lên thành 250 triệu đồng.
Nhiều dự án ở Vân Đồn mới được hình thành nhưng đã bị “cò” đất đẩy giá lên cao ngất ngưởng. |
Cùng với đó, giá đất nông nghiệp đang giao dịch trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/m², cũng tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với trước đây. Không chỉ khu vực trên đất liền, nhiều người còn tìm đến mua đất ở các xã đảo như Quan Lạn, Ngọc Vừng...
Các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án kinh doanh hạ tầng đã được đầu tư nhiều năm nay cũng đang được mua đi, bán lại khá sôi động, có những thời điểm giá đất còn tăng lên theo từng ngày.
Điển hình như đất trong Khu đô thị Thủy sản Thống Nhất có lúc lên đến 35 - 40 triệu đồng/m². Các dự án Khu đô thị Ao Tiên, dự án Khu đô thị Vương Long, hay dự án khu dân cư đô thị Cái Rồng, cũng được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư mặc dù giá cả được đẩy lên cao bất thường.
Báo cáo của UBND huyện Vân Đồn trong thời gian này cũng cho thấy rõ mức độ sôi động của thị trường nhà đất. Trong khi năm 2017, huyện Vân Đồn đã tiếp nhận và xử lý hơn 2.000 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Trong đó, đất dự án đầu tư bất động sản là 190 trường hợp, còn lại giao dịch đất thổ cư là 1.814 trường hợp. Và chỉ trong 4 tháng tính từ đầu năm 2018, tiếp tục xử lý 562 trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, trong đó có 370 giao dịch đất thổ cư, tập trung tại địa bàn các xã Hạ Long, Đông Xá, Đoàn Kết và Đài Xuyên…
Hệ lụy khôn lường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho rằng đây chỉ là cơn sốt ảo và nguyên nhân một phần do các cơ quan chức năng chưa phối hợp đồng bộ trong thực hiện chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý chống đầu cơ tăng giá.
Một nguyên nhân nữa là do một số nhà đầu cơ lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý để trục lợi. Họ liên tục mua đi bán lại, thổi giá, tạo giá ảo, chủ yếu tập trung vào đất nền của các dự án đã được cấp phép đầu tư cách đây 10-15 năm nhưng cả một thời kỳ dài không bán được. Tất cả giao dịch đều bằng giấy tay, không thông qua các thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, có rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp tới những người dân ham lời rơi vào vòng xoáy do giới “cò đất” tạo ra.
Nhiều người cứ nghĩ ôm đất rồi sau này doanh nghiệp vào làm dự án sẽ phải thỏa thuận với họ để mua lại hoặc bồi thường giá cao. Tuy nhiên thực tế sẽ không thể có, bởi theo định hướng phát triển của đơn vị hành chính đặc biệt, chính quyền đặc khu sẽ đứng ra thu hồi đất thực hiện dự án phát triển trên địa bàn. Vì vậy không có chuyện nhà đầu tư phải đi thỏa thuận với các hộ dân.
Dịch vụ môi giới đua nhau ăn theo khi thị trường nhà đất trở nên sôi động. |
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ ra đã có nhiều trường hợp trên địa bàn huyện Vân Đồn, người mua đất gần như mất trắng vì không có cơ sở khiếu nại. |
Cụ thể là đầu cơ đất đồi, hy vọng khi dự án sân bay Vân Đồn triển khai họ sẽ được quyền bán đất san lấp. Tuy nhiên đây là tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước, chính quyền thực hiện giải phóng mặt bằng theo giá quy định.
Do đó người dân phải hiểu rõviệc mua bán đất trao tay, không có giấy tờ gì là hết sức mạo hiểm, sẽ không cơ quan thẩm quyền nào hợp thức hóa cho những trường hợp này.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng đầu cơ đất đai, thổi giá đất lên cao, đã tạo giá ảo, thoát ly giá thị trường thực tế, làm xáo trộn thị trường bất động sản trên địa bàn. Hậu quả để lại trước tiên là gây hoang mang cho các nhà đầu tư, không thể nhận biết đâu là giá trị thật.
Bên cạnh đó sẽ gây nhiều xáo trộn, ảnh hưởng, chi phối công tác giải phóng mặt bằng, do phải dựa vào giá đất thị trường để tính toán, áp giá đền bù.
Trong khi giá thị trường ảo thì đương nhiên là sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra hệ lụy của việc đầu cơ, thổi giá không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển chung địa phương mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân nhẹ dạ, cả tin bị rơi vào vòng xoáy này.