Hãy tưởng tượng việc tập hợp gần 3.000 tỷ phú của thế giới trong một hội trường lớn và đặt câu hỏi về thành công của họ. Có một điều chắc chắn là không câu chuyện của ai giống ai, dù họ có là bạn bè thân thiết hay anh em sinh đôi.
Một trong những câu chuyện đáng chú ý nhất chính là chuyện về Jim Simons. Người đàn ông này được nhiều tạp chí tài chính toàn cầu gọi là "cỗ máy kiếm tiền vĩ đại nhất trong lĩnh vực tài chính hiện đại".
Simons là một nhà toán học 82 tuổi người Mỹ. Hiện ông sở hữu khối tài sản 25 tỷ USD. Năm 2006, Financial Times gọi ông là "tỷ phú thông minh nhất thế giới".
Dưới đây là câu chuyện của Simons:
Khởi đầu
Tất cả bắt đầu trong tầng hầm của kho dự trữ của một khu vườn ở Newton, Massachusetts. Khi còn là một thiếu niên, Simons làm việc một thời gian ngắn tại đó trước khi sự kém hiệu quả trong công việc khiến ông bị "giáng chức" xuống làm người quét dọn sàn nhà. Trong một cuộc trò chuyện tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 2013, Simons thừa nhận ông rất tệ khi làm việc đó.
Tuy nhiên, việc trở thành một nhà toán học luôn là ước mơ của Simons, ngay cả khi nó bị nhiều người chế giễu - bao gồm cả những người chủ của cửa hàng nơi ông làm thuê. Ông nói: "Thằng nhóc không nhớ phải rải phân ở đâu lại muốn trở thành nhà toán học tại MIT là điều nực cười nhất mà họ từng nghe".
Thế nhưng Simons đã khiến mọi người phải suy nghĩ lại. Năm 23 tuổi, ông không chỉ nhận bằng cử nhân toán học từ MIT (ông hoàn thành chương trình 4 năm trong 3 năm) mà còn nhận bằng tiến sĩ toán học của từ Đại học California.
Sau đó, ông trở thành chủ nhiệm khoa toán học tại Đại học Stony Brook vào năm 1968. Ông và Shining-Shen Chern, một nhà toán học người Mỹ gốc Hoa, đã tạo ra Chern – Simons, học thuyết sau này có tác động rất lớn đến lý thuyết trường lượng tử.
Sự nghiệp kinh doanh
Simons đã có kinh nghiệm giao dịch tiền tệ khi đang giảng dạy tại Stony Brook, New York. Năm 1978, ông rời trường để thành lập quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên của mình.
Sau này, quỹ của Simons trở thành Renaissance Technologies, một trong những quỹ phòng hộ bí mật và thành công nhất trên thế giới hiện nay. Đây là đơn vị tiên phong trong việc giao dịch bằng cách sử dụng các mô hình bắt nguồn từ phân tích toán học và thống kê, nhiều trong số đó được tự động hóa. Tổng tài sản được quản lý bởi Renaissance Technologies, đã tăng hơn 10 lần trong 15 năm qua.
Simons là kiểu người nhìn ra vấn đề và hành động. Khi được hỏi tại sao lại chấp nhận công việc đầu tiên là người quét dọn sàn nhà, vị tỷ phú giải thích là vì ông thích công việc này. "Đó là việc dễ dàng, không phải dùng đến đầu óc".
Mặt khác, để thoát khỏi sự mơ hồ của thị trường chứng khoán (thứ mà ông không thích), ông quyết định hệ thống hóa các khoản đầu tư và dùng tài năng toán học của mình để mọi thứ thuận lợi hơn.
Simons cũng có một số quyết định rất khác biệt, một trong số đó là không thuê bất kỳ ai từng làm việc ở Phố Wall. Thay vào đó, ông thuê người từ các trường đại học, phòng nghiên cứu quốc gia hay các nhà khoa học giỏi. Tất cả đều có điểm chung là thử điều mới lại. Và kết quả đem lại rất khả quan.
Vào những năm 1980, Simons cùng một nhà toán học khác đã thành lập Medallion Fund – quỹ đạt được thành công lớn và được Bloomberg gọi là "một bí ẩn chưa được giải đáp".
Từ năm 1988, Medallion Fund đã tạo ra tỷ suất sinh lời trung bình hàng năm là 66% (trước khi tính phí), thu về lợi nhuận giao dịch hơn 100 tỷ USD. Theo Wall Street Journal, tính đến năm 2019, tỷ suất 66% là con số mà chưa ai trong giới đầu tư, đặc biệt là những người nổi tiếng như Warren Buffett hay George Soros đạt được. Điều này khiến Simons trở thành một trong những nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại.
Năm 1994, Simons và vợ thành lập Quỹ Simons, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất ở Mỹ chuyên tài trợ để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu toán học và khoa học. Trong giai đoạn 2014–2018, vợ chồng ông luôn lọt vào danh sách 25 nhà từ thiện hào phóng nhất ở Mỹ.
Đây là những thành tựu không tệ chút nào đối với một chàng thanh niên bắt đầu sự nghiệp bằng công việc quét dọn.