“Thay da đổi thịt” sau thời gian dài hoạt động không hiệu quả
CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (Amvibiotech, mã AMV) là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2002, tại Bình Phước bởi 3 cổ đông là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trang Thiết bị Y tế Mặt Trời (The Sun Co.), Công ty Dược Vật tư Y tế Bình Phước (nay là Dopharco) và Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Sài Gòn (Incommex Saigon). Vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng, kinh doanh sản phẩm chẩn đoán y tế.
Năm 2003, AMV đầu tư xây dựng nhà máy với diện tích 1.500 m2 trên khuân viên gần 2.500 m2 tại Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước sẵn sàng đi vào hoạt động năm 2004. Năm 2005, AMV được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế. Tháng 8/2005, AMV bắt đầu sản xuất kinh doanh và đưa sản phẩm ra thị trường đánh dấu năm đầu tiên sau 3 năm thành lập kinh doanh có lãi.
Cho đến tháng 12/2009, khi AMV bắt đầu niêm yết chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Amvibiotech đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm lên đến 35 sinh phẩm chẩn đoán nhanh các loại nhằm sớm phát hiện sự thụ thai, nhiễm HIV, viêm gan siêu vi B, ung thư gan, ung thư cổ tử cung… Trong số đó có 5 loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường và 5 loại sản phẩm đang chờ cấp giấy phép lưu hành.
Năm 2010, AMV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2 tỷ đồng, biên lợi nhuận trước thuế đạt gần 20%, ROA gần 7%, ROE gần 10%. Tuy nhiên, cũng từ đây, AMV bắt đầu bước vào chuỗi ngày kinh doanh không hiệu quả, lỗ lãi khó lường.
*Lợi nhuận ước năm 2018 là lợi nhuận sau thuế. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán
Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của AMV trên bảng cân đối kế toán hơn 9 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 20 tỷ đồng, vốn điều lệ 21 tỷ đồng.
Tháng 2/2017 Đại hội đồng cổ đông bất thường đã miễn nhiệm Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đang đương nhiệm, để bầu và thông qua Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát mới. Tháng 6/2017, chào bán riêng lẻ thành công 21 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược liên quan đến “cha đẻ” của JVC để tăng vốn điều lệ lên hơn 271 tỷ đồng. Từ đây, AMV chính thức “thay da đổi thịt”.
Năm 2017, AMV ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 39 tỷ đồng, biên lợi nhuận 54,4% cao kỷ lục sau 15 năm phát triển, xóa bay lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán. 9 tháng đầu năm 2018, AMV ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 97 tỷ đồng, biên lợi nhuận gần 59% đánh dấu sự chuyển mình – tái cấu trúc mạnh mạnh mẽ nhờ tài “lèo lái”, uy tín và các quan hệ sẵn có của Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo mới.
Thách thức phía trước?
Kể từ khi nhóm cổ đông mới vào tái cấu trúc AMV, Amvibiotech chuyển sang tập trung phân phối độc quyền thiết bị y tế công nghệ cao của 1 số hãng, thương mại – nhập khẩu và phân phối hóa chất xét nghiệm, đầu tư trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và hóa chất xét nghiệm trọn gói cho bệnh viện. Tất cả những mảng hoạt động này hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của ngành kinh doanh trang thiết bị y tế.
Không chỉ dừng lại ở đầu tư, cung cấp trang thiết bị y tế trọn gói cho bệnh viện/cơ sở y tế. AMV đang chuyển dịch dần sang lĩnh vực dịch vụ y tế, chuyên về cung cấp dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ bệnh án điện tử (lưu trữ hình ảnh y tế thay thế cho in phim), và Trung tâm IVF theo công nghệ IVF Nhật Bản điều trị vô sinh theo phương pháp tự nhiên.
AMV kỳ vọng đến năm 2019 doanh thu của mảng dịch vụ sẽ đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu thay vì khoảng 5% như hiện nay, đến năm 2020 tỷ trọng nói trên sẽ đạt 80%.
AMV đã đầu tư 3 Trung tâm xét nghiệm tập trung tại tỉnh Phú Thọ phục vụ xét nghiệm miễn dịch đặc biệt các xét nghiệm chỉ dấu phát hiện ung thư sớm, xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học, nước tiểu và xét nghiệm sinh học phân tử (xét nghiệm phát hiện Lao nhanh). Ngoài Phú Thọ, năm 2019, AMV dự kiến sẽ mở thêm 10 Trung tâm xét nghiệm tập trung tại Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Khi Trung tâm Xét nghiệm tập trung đi vào hoạt động, toàn bộ các phòng xét nghiệm ở các bệnh viện trên địa bàn sẽ chuyển lại hoạt động xét nghiệm về cho Trung tâm xét nghiệm tập trung.
*Lợi nhuận ước năm 2018 là lợi nhuận sau thuế. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính kiểm toán
Bên cạnh đó, AMV hợp tác với Nhật Bản đầu tư Trung tâm IVF (Trung tâm điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm theo công nghệ IVF của Nhật). Trung tâm IVF đầu tiên của AMV sẽ đặt bên trong Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
AMV cũng đầu tư và cung cấp hệ thống lưu trữ, truyền hình ảnh y tế, kết quả chụp X Quang, MRI,…. (PACS - VNA) đồng bộ cho các bệnh viện/cơ sở y tế các tỉnh thành.
Các hợp đồng AMV ký được với các bệnh viện và cơ sở y tế hầu hết có giá trị 10 năm. AMV kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 250 tỷ đồng cho năm 2019 và 270 tỷ đồng cho năm 2020. Trước đó AMV ước tính năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 200 tỷ đồng.
Rõ ràng, để AMV có thể “lộ xác” thành công, tham gia sâu hơn vào các mảng hoạt động của chuỗi giá trị ngành y tế có sự đóng góp không nhỏ của Ban lãnh đạo mới với khả năng am hiểu sau ngành y tế và máy móc thiết bị y tế; quan hệ tốt với các cơ sở y tế và bệnh viện tại các tỉnh; quan hệ chặt chẽ với các hãng nổi tiếng trên thế giới chuyên về các thiết bị xét nghiệm miễn dịch như Tosoh, Fujirebio; chuyên về chuẩn đoán hình ảnh Toshiba Medical….
Vì vậy, trong 10 năm tới, AMV có thể vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ổn định dù cho có bất kỳ biến động nào trong Ban điều hành hay cơ cấu cổ đông. Nhưng vốn có thể sẽ là một thách thức, rào cản cho AMV phát triển khi tham gia vào các gói thầu/đầu tư y tế lớn. Bởi, đến cuối quý III/2018, quy mô vốn của AMV chỉ đến 500 tỷ đồng.