Trong tháng 11 vừa qua, VSmart Active 1, mẫu smartphone đầu tay của VinGroup đã được vén màn. Bên cạnh dòng chữ "Made in Vietnam" đầy tự hào, vỏ hộp VSmart Active 1 còn 1 dòng chữ khác: "Designed in Europe" - "Thiết kế tại Châu Âu".
Đối tác thiết kế châu Âu của Vin không ai khác ngoài BQ, công ty đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược cùng VSmart vào tháng 7. Mới đây, Vingroup công bố đã sở hữu đến 51% của BQ. Tuy không phải là một thương hiệu phổ biến trên toàn cầu, đây vẫn là một công ty có nhiều thành tích đáng nể tại quê hương: Tây Ban Nha.
Khởi đầu của một startup
BQ vẫn chưa tròn 10 năm tuổi đời. Hành trình của BQ công ty này bắt đầu tại Đại học Kỹ thuật Madrid, ngôi trường xếp hạng số 1 trong số các trường kỹ thuật tại Tây Ban Nha. 6 sinh viên 20 tuổi tại đây khởi nghiệp không phải bằng các phát minh của riêng mình, mà là bằng cách nhập khẩu và bán ổ USB.
Lần lượt các công ty Memorias USB, Luarna được thành lập. Đến 2008, đội ngũ 6 người này thành lập công ty tiếp theo với tên gọi Mundo Reader SL và bước chân vào thị trường máy đọc sách điện tử với thương hiệu “booq” (chơi chữ từ “book”). Sản phẩm đầu tay của Mundo Reader SL thành công, và đến 2010, BQ được thành lập – vừa để giữ lại di sản của “booq”, vừa để lấn sân vào các lĩnh vực mới.
Cuộc chiến đầy khó khăn
Như bạn có lẽ đã nhận ra, phải tới 2010 BQ mới có sản phẩm phần cứng đầu tiên. Lúc này, cuộc chiến smartphone đã bước vào giai đoạn bùng nổ - và Steve Jobs cũng đã kịp vén màn một danh mục điện toán hoàn toàn mới: tablet.
Nhận thấy cơ hội với mảng kinh doanh này, BQ thực hiện một bước đi có lẽ là rất hiếm thấy trong lịch sử: phát triển tablet trước smartphone. Các mẫu 8 inch và 10 inch như Aquaris ra mắt, và đến 2012, tức chỉ 2 năm sau ngày "khai sinh" BQ đã trở thành thương hiệu e-reader/tablet lớn thứ 2 tại Tây Ban Nha.
Đến tháng 3/2013, BQ mới ra mắt mẫu smartphone đầu tiên dưới thương hiệu “Aquaris”. Sau 1 năm, sản phẩm tiếp theo là Aquaris E5 trở thành mẫu smartphone unlock bán chạy nhất tại Tây Ban Nha.
Đến đầu 2015, BQ thu hút được chút ít sự chú ý khi trở thành tên tuổi đầu tiên ra mắt smartphone dùng Ubuntu (một phiên bản Linux khá phổ biến). Đáng tiếc rằng nỗ lực lấn sân của Ubuntu sẽ sớm thất bại, nhưng năm đó, BQ vẫn đạt đến đỉnh cao khi đạt doanh số 1,46 triệu máy với doanh thu 244 triệu Euro.
Bắt tay với VinGroup
Vào năm 2017, BQ chỉ thu về 190 triệu Euro trên 1 triệu máy bán ra. Tuy khoảng cách so với năm 2015 là khá xa, con số này vẫn khá ấn tượng khi startup Tây Ban Nha chỉ đứng sau Samsung và Apple tại thị trường quê nhà. Cũng cần phải nhớ rằng, BQ khởi đầu muộn hơn 2 đối thủ số 1 thế giới tới tận nửa thập kỷ.
Đến ngày 5/7, BQ và VinGroup ký thỏa thuận hợp tác toàn diện, cho phép VinSmart “khai thác các thế mạnh của BQ ở hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất".
Ngay trước mắt, công ty Tây Ban Nha sẽ bán cho VinSmart bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng điện thoại thông minh mang thương hiệu Vsmart, thuộc phân khúc cao cấp và bình dân.
Câu hỏi đặt ra là BQ có thể đóng góp được gì cho VinSmart?
Nguyên tắc của VinGroup
VinGroup vốn nổi danh với phong cách kinh doanh cực kỳ bài bản và chắc chắn. Khi thành lập VinSmart để phát triển smartphone và các công nghệ thông minh khác, chắc chắn tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn sẽ giữ các nguyên tắc của mình.
Vấn đề là ở chỗ phát triển và kinh doanh công nghệ có tính chất rất khác biệt với bất động sản hay bán lẻ. VinGroup chắc chắn sẽ tìm các đối tác có kinh nghiệm để quá trình “vạn sự khởi đầu” bớt nan giải hơn.
Ở đây, có thể thấy rằng, BQ có rất nhiều thứ VinGroup cần. Đầu tiên, công ty Tây Ban Nha đã có sẵn quan hệ với một số tên tuổi quan trọng như Qualcomm và Google. Tiếp đến, BQ cũng đã/đang kinh doanh trong một số lĩnh vực hi-tech có liên quan tới smartphone như robotics và in 3D. Không kém phần quan trọng là các bằng sáng chế, bởi một lĩnh vực quốc tế hóa như smartphone sẽ luôn ẩn chứa những cạm bẫy đắt đỏ mà ngay cả VinGroup cũng không thể chi trả nổi.
Kinh nghiệm cho tương lai
Trên tất cả, một mối quan hệ bền chặt sẽ giúp VinGroup thu được thứ tài sản vô hình quý báu nhất: kinh nghiệm. Nhìn lại lịch sử của BQ, bạn sẽ thấy một điểm nổi trội: BQ khởi đầu rất muộn trong thị trường smartphone nhưng sau đó vẫn vươn lên lọt top tại quê nhà.
Đây chính là mục tiêu VinGroup cần có lúc này. VSmart khởi đầu khi thị trường smartphone “modern” đã bước sang năm thứ 12. Học hỏi từ kinh nghiệm của BQ và khai thác chất xám sẵn có từ công ty này để thiết kế và sản xuất smartphone tại Việt Nam là vô cùng quan trọng. Một mối quan hệ bền chặt cũng sẽ giúp VinGroup có thể giảm bớt chi phí – yếu tố chắc chắn sẽ khiến VSmart phải đau đầu trong những năm đầu tiên.
Nhưng chắc chắn BQ sẽ không chỉ là đối tác duy nhất của VinSmart. Smartphone hiện tại có thể coi là mặt hàng “quốc tế hóa” nhất thế giới, và bởi vậy, VinGroup chắc chắn sẽ phải mở rộng bắt tay với các đối tác khác. Tên tuổi quốc tế nào sẽ nối tiếp BQ? Liệu kết quả mối quan hệ hợp tác giữa VinGroup và những đối tác này sẽ ra sao? Đây sẽ là những câu hỏi “thiêu đốt” tín đồ smartphone Việt trong thời gian sắp tới, và nó sẽ được phần nào trả lời khi những mẫu máy VinSmart chính thức ra mắt vào ngày 14/12 tới đây.