Richard Russell, nhân viên mặt đất ở sân bay Sea-Tac, Seattle, đã đánh cắp một chiếc máy bay Q400 của hãng hàng không Alaska Airlines. Ngay sau khi phát hiện Russell điều khiển chiếc phi cơ cất cánh tránh phép, Không quân Mỹ đã điều 2 chiến đấu cơ phản lực F-15 áp sát và buộc máy bay tránh xa khu dân cư.
Theo AP, không tặc là một người đàn ông 29 tuổi tuổi, làm việc cho hãng Horizon Airlines. Khi vụ việc xảy ra, Russell đang được giao nhiệm vụ dọn sạch máy bay. Tuy nhiên, người đàn ông này đã lấy chiếc phi cơ từ khu vực bảo dưỡng, quay 180 độ để tiến ra đường chạy đà và cất cánh.
Hình ảnh từ các nhân chứng cho thấy chiếc Q400, máy bay cánh quạt với 76 ghế, tiến hành những động tác bay lượn thót tim trước khi đâm xuống một hòn đảo nhỏ 90 phút sau khi cất cánh. Hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định Russell học những kỹ năng điều khiển máy bay đó ở đâu hay làm sao để khởi động và cất cánh một chiếc phi cơ vì anh ta không có bằng lái máy bay.
Trước khi máy bay lao xuống, kiểm soát không lưu Mỹ đã cố hết sức để Russell hạ cánh. Tuy nhiên, mọi nỗ lực bất thành. Hai phi cơ F-15 của không quân Mỹ cũng không thể buộc chiếc Q400 hạ cánh. Họ chỉ tránh một vụ 11/9 thứ 2 bằng cách ép nó tránh xa khu dân cư.
Hiện tại, hãng hàng không Alaska Airlines và Horizon Air cho biết họ đang làm việc với nhà chức trách để làm rõ vụ không tặc khiến cả thế giới sửng sốt. CEO của Alaska Airlines, hãng sở hữu chiếc phi cơ bị không tặc, đã lên tiếng về vụ việc.
"Chúng tôi đã rút ra được những bài học từ vụ việc và chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tình huống tư tự sẽ không bao giờ xảy ra với Alaska Airlines hoặc bất cứ hãng hàng không nào khác", CEO Brad Tilden nói trong cuộc họp báo sau vụ việc.
Hiện tại, Cục điều tra Liên bang Mỹ đang làm việc với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang và các bên có liên quan nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Lý do Russell cướp máy bay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, trong những thông báo trước đó, người ta nó rằng Russell cướp máy bay vì có ý định tự sát. Nguyên nhân khủng bố cũng đã được loại trừ. Ngoài nạn nhân duy nhất là kẻ đánh cắp máy bay, sự cố không gây bất cứ thiệt hại nào khác về người.
Tuy nhiên, việc một kỹ thuật viên có thể đánh cắp một chiếc phi cơ chở khách gợi cho người Mỹ nhớ về ký ức kinh hoàng hơn 15 năm trước, khi những kẻ khủng bố đánh cắp đồng loạt máy bay và lao nó vào nhiều khu vực quan trọng, trong đó có Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và âm mưu tấn công Nhà Trắng. Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đã bị đánh sập hoàn toàn trong vụ việc làm hơn 3.000 người thiệt mạng hôm 11/9/2001.