Theo một thống kê năm 2016, Người Do Thái Mỹ là nhóm dân tộc mạnh nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất nước Mỹ. Tổng dân số người Do Thái rất ít ỏi chỉ có 2% tổng dân số Hoa Kỳ. Nhưng 40% tỷ phú ở nước này là người Do Thái.
CafeBiz xin trân trọng giới thiệu series bài viết về "Những vĩ nhân Do Thái nổi bật". Họ là những người phần lớn đi lên từ bàn tay trắng trở thành những người nổi tiếng trên thế giới.
Nói đến Goldman Sachs, hầu như không ai trong ngành tài chính ngân hàng lại không biết. Đây là 1 trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, là nhà môi giới chính trong thị trường trái phiếu Mỹ và là 1 trong những ông lớn mà chính phủ Mỹ "không thể không cứu" trong cuộc khủng hoảng 2008.
Dẫu vậy, danh tiếng của Marcus Goldman, người thành lập nên ngân hàng này lại không được mấy người biết đến.
Người Do Thái trên đất Đức
Marcus Goldman có tên thật là Mark Goldmann, sinh ngày 9/12/1821 tại Đức. Cha của ông là một nông dân chính hiệu trong khi mẹ ông lại đã qua 1 đời chồng và có 5 người con riêng.
Ông nội của Mark có tên là Jonathan Marx và chỉ đổi sang họ Goldmann khi người Do Thái được phép cho đổi họ vào năm 1811.
Marcus Goldman
Tuổi thơ cơ cực của Mark chẳng có gì nhiều để nói khi người Do Thái có địa vị xã hội vô cùng thấp tại Đức, chưa kể gia cảnh nhà nông khiến Mark phải vật lộn để giúp đỡ gia đình. Dẫu vậy, nhờ truyền thống giáo dục Do Thái mà Mark vẫn mơ ước về cơ hội đổi đời cũng như được dạy đọc viết đầy đủ. Bản thân ông cũng là một học sinh xuất sắc ở trường làng.
Năm 1848, Mark di cư sang Mỹ theo làn sóng di cư thế giới và ông chính thức đổi tên thành Marcus Goldman. Thời kỳ này, xã hội Đức gặp phải những bất ổn về chính trị và kinh tế nên cha của Marcus đã quyết định gửi các con mình đến Mỹ để lập nghiệp.
Ban đầu, Marcus định cư tại Philadelphia, lập gia đình và làm nghề bán hàng rong, sau đó là làm nhân viên cửa hàng tại đây. Tuy nhiên với máu kinh doanh làm giàu, Marcus cùng vợ, cô Bertha Goldmann cũng là 1 người Do Thái đã quyết định mở cửa hàng riêng.
Marcus học làm nghề may và cùng vợ mở cửa hàng quần áo. Công việc kinh doanh của họ phát triển nhanh chóng khi trở thành nguồn cung của nhiều cửa hiệu bán lẻ thời trang.
Tuy nhiên đến năm 1869, tình hình kinh tế đi xuống khiến việc kinh doanh chững lại và người vợ Bertha muốn chuyển lên thành phố lớn hơn để sống nhằm cải thiện tình hình cũng như tìm kiếm cơ hội mới. Marcus nghe lời và chuyển lên New York.
Ban đầu với số vốn tự có, Marcus mở một cửa hiệu chuyên mua trái phiếu ngắn hạn từ những cửa hàng bán buôn trang sức, đổi lại những cửa hàng này được vay tiền với mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng thương mại. Sau đó, Marcus bán những tờ trái phiếu, hay giấy nợ này cho các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng thương mại quan tâm với giá cao hơn để ăn chênh lệch.
Nghiệp vụ này khá phổ biến thời đó nhất là với cộng đồng Do Thái tại Mỹ. Với máu kinh doanh, những người Do Thái thời kỳ này mở ra rất nhiều dịch vụ cũng như hình thức kinh doanh làm giàu. Với Marcus, anh chấp nhận mua những khoản nợ thấp đến 5 USD miễn là chúng có thể sinh lời.
Mục tiêu của Marcus thời kỳ này là hướng đến thị trường chứng khoán New York nhưng anh phải bắt đầu từ những nghiệp vụ rất nhỏ. Năm 1873, thời cơ đến với Marcus khi làn sóng đầu tư ồ ạt chuyển từ cổ phiếu ngành đường sắt sang các công tu trang sức, đá quý, lĩnh vực mà Marcus cực kỳ am hiểu.
Đến năm 1882, công việc kinh doanh của Marcus đã mở rộng cho vay đến 30 triệu USD/năm với tổng vốn lưu động 100.000 USD, tương đương 2,6 triệu USD theo tỷ giá năm 2018 và qua đó biến Marcus trở thành một triệu phú trong giới thượng lưu. Trước sự mở rộng mạnh mẽ này, Marcus đã mời Samuel Sachs, cũng là 1 người Do Thái tham gia điều hành công việc. 2 năm sau đó, người con rể Ludwig Dreyfuss cùng người con trai Henry Goldman cũng tham gia mảng kinh doanh của gia đình.
Samuel Sachs
Kể từ đây, công ty của Marcus chính thức có tên Goldman Sachs & Co và lên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 1896. Kể từ đó đến nay, phần lớn những người lãnh đạo Goldman Sachs đều là người thân trong gia tộc Goldman
Ủng hộ quê hương và trốn chạy trong tủi nhục
Dẫu vậy, khối tài sản ngày 1 lớn cũng kích thích những cuộc nội chiến trong gia tộc Goldman. Đầu thế kỷ 20, Goldman Sachs gặt hái được rất nhiều thành công khi trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Hãng đã thành công IPO cho doanh nghiệp bưu chính Sears Roebuck vào năm 1906, qua đó trở thành 1 trong những tổ chức tài chính đầu tiên cung cấp dịch vụ hỗ trợ IPO tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi Marcus chuyển giao quyền quản lý cho thế hệ trẻ hơn, những mẫu thuẫn đã bắt đầu nảy sinh giữa 2 nhà lãnh đạo là Henry Goldman và Samuel Sachs. Do tính cách và phương châm điều hành công ty khác nhau nên cuộc xung đột này dẫn đến việc Henry phải rời Goldman Sachs vào năm 1917.
Một trong những nguyên nhân khiến Henry bị khai trừ khỏi ban lãnh đạo là do anh này ủng hộ Đức Quốc Xã trong Thế chiến I hiện đang diễn ra thời đó, cũng như phản đối việc cho quân đồng minh vay tiền để chiến đấu. Quan điểm này của Henry bắt nguồn từ việc cậu vẫn có tình cảm với quê hương Đức, nơi cha mình sinh ra.
Đầu thập niên 1930, chàng trai Do Thái nhà giàu này thậm chí chuyển hẳn đến sống ở Đức nhưng cuối cùng lại phải chật vật chạy trốn khỏi cuộc diệt chủng người Do Thái tại Đức vào năm 1936, để lại sau lưng lượng lớn tài sản.
Đối với người cha Marcus, ông không được chứng kiến những sự việc đau lòng của con mình khi đã qua đời từ năm 1904, để lại sau lưng cả 1 gia sản đồ sộ.
Năm 2018, Goldman Sachs đạt doanh thu 36,6 tỷ USD, lợi nhuận ròng 10,5 tỷ USD với tổng tài sản lên tới 933 tỷ USD và 36.600 nhân viên chính thức, hoạt động tại trên 30 nước và là 1 trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.