Với dân số 100 triệu dân, trên 60% ở độ tuổi dưới 35, dân số ở độ tuổi đi học nhiều, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng cho ngành kinh doanh giáo dục tư nhân. Điều này còn được hỗ trợ mạnh mẽ khi Chính phủ đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao dục và phổ cập giáo dục đến người dân.
Theo thống kê của hệ thống giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu thuộc Tập đoàn Thành Thành Công), phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập đầu tư cho giáo dục con cái. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho con du học, nhất là bạc phổ thông, trung học và đại học, cao đẳng.
Ông Andy Ho, giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết thị trường giáo dục hiện được Quỹ này chia thành 3 nhóm: Nhóm K-12 (từ mẫu giáo đến lớp 12), Anh Văn, Nhóm chuyên môn kỹ thuật/kỹ năng/ dạy online. Mảnh đất màu mỡ nhất thuộc về nhóm K-12.
Đây cũng là mảng được nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư mạnh mẽ như Thành Thành Công Edu, FLC, Vingroup, Equest, TH, Apax, Tuệ Đức, Nguyễn Hoàng. Với hơn 20 năm gia nhập thị trường, tập đoàn Nguyễn Hoàng hiện có thể được xem là đứng đầu trong lĩnh vực giáo dục tư nhân tại Việt Nam
Từ công ty bán máy tính đến ông lớn ngành giáo dục
Thành lập vào tháng 8/1999 bởi ông Hoàng Quốc Việt (SN 1971), Nguyễn Hoàng Group ban đầu chỉ là một cửa hàng máy tính tại đường Bùi Thị Xuân, quận 1, Tp. HCM. Ban đầu công ty này chuyên kinh doanh phân phối máy tính, cũng là đơn vị đầu tiên mở mô hình bệnh viện máy tính tại Tp.HCM. Khi việc kinh doanh ngày càng mở rộng, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho mảng sửa chữa, Nguyễn Hoàng mở Trung tâm dạy nghề tư thục công nghệ thông tin không gian mạng vào năm 2006. Tới năm 2008, trung tâm này chuyển đổi thành trường cao đẳng nghề CNTT iSpace và hiện là trường cao đẳng an ninh mạng iSpace.
Trước đó năm 2005, Nguyễn Hoàng đã manh nha đặt chân vào lĩnh vực đào tạo giáo dục với việc thành lập Hệ thống trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA) từ lớp mầm non đến lớp 12 với chương trình theo chuẩn quốc tế chất lượng cao. Tuy nhiên hiện hệ thống này chỉ mới có 2 trường.
Dấu ấn của doanh nghiệp công nghệ thông tin được Nguyễn Hoàng ghi chú ở chữ i, sau này còn được lựa chọn khi đặt tên cho hệ thống trường hội nhập quốc tế đầu tiên vào năm 2008: iSchool. Theo lời tự giới thiệu, từ cơ sở đầu tiên mở tại Rạch Giá, Kiên Giang hiện hệ thống trường này đã có mặt tại 14 tỉnh thành trên khắp cả nước. Hệ thống trường này phát triển một chương trình giáo dục riêng biệt với định hướng "hội nhập quốc tế", giao thoa giữa chương trình văn hóa quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam song song với chương trình Tiếng Anh chuẩn Cambridge. Tuy là trường tư nhân nhưng iSchool Long An được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Sau 2 năm vận hành iSchool, năm 2011 Nguyễn Hoàng Group ra mắt trường mầm non Quốc tế Saigon Academy tại Tp.HCM. Đây cũng là trường mầm non đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh tiên phong Giáo dục sớm từ 0 tuổi. Nguyễn Hoàng yêu cầu khá cao khi tuyển dụng giáo viên đều là Cử nhân sư phạm Mầm non hệ chính quy với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường mầm non quốc tế.
Năm 2016, Nguyễn Hoàng vận hành hệ thống trường quốc tế song ngữ UK Academy với mục tiêu hướng tới nhóm phụ huynh có điều kiện tài chính tốt. Theo lời tự giới thiệu, hiện UKA là hệ thống song ngữ duy nhất giúp học sinh tốt nghiệp tú tài tại Việt Nam có cơ hội tuyển thẳng vào 60 trường Đại học danh tiếng thuộc NCUK - Hiệp hội các trường đại học Bắc Anh tại các nước trên thế giới gồm: Mỹ, Anh, Canada, New Zealand,...
Ngoài ra Nguyễn Hoàng còn xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng Thành phố Giáo dục Quốc tế - International Education City – IEC. Mở đầu là năm 2018 tại tỉnh Quảng Ngãi với quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên đến tháng 3/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tập đoàn này không sử dụng từ "thành phố" do không đáp ứng tiêu chí khi làm Dự án Thành phố Giáo dục quốc tế Nam Hội An.
Hiện hệ thống giáo dục K-12 của Nguyễn Hoàng Group sở hữu 33 trường trong hệ sinh thái trên khắp cả nước.
Trong vài năm gần đây, tập đoàn này ghi dấu ấn bằng việc mở rộng sang cấp giáo dục đại học và sau đại học. Tháng 5/2015, Nguyễn Hoàng Group hoàn tất việc sáp nhập Đại học quốc tế Hồng Bàng (HIU). Năm 2016, trường đại học Bà Rịa Vũng Tàu gia nhập hệ sinh thái của tập đoàn. Sang năm 2018, đơn vị này mua lại đại học Gia Định, sau đó là Đại học Hoa Sen.
Chiến lược tăng trưởng
Khởi đầu với vốn điều lệ 105 tỉ đồng, NHG có 3 cổ đông sáng lập là ông Hoàng Quốc Việt (nắm giữ 91,43% VĐL), bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (1,9%) và ông Lê Thanh Huỳnh Cang (0,95%). Sau nhiều lần nâng vốn, tính đến đầu năm 2019, NHG có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng (. Chủ tịch HĐQT là ông Hoàng Quốc Việt, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Hoàng Nguyễn Thu Thảo (SN 1979).
Việc tăng vốn điều lệ kèm với chính sách chấp nhận không chia cổ tức là bước đi quan trọng để Nguyễn Hoàng đủ nguồn lực phát triển các dự án với quy mô hàng chục ha trong hơn 20 năm qua. Chia sẻ trên tạp chí Forbes, ông Việt cho biết việc không chia cổ tức sẽ còn kéo dài trong 10 năm tới.
Chiến lược thứ 2 để tích lũy nguồn vốn đầu tư được Nguyễn Hoàng và nhiều doanh nghiệp ngành giáo dục thực hiện là huy động từ phụ huynh học sinh. Theo đó các doanh nghiệp này thường tung ra các gói đầu tư học phí thu trước, sau 12 năm sẽ được hoàn trả số tiền ban đầu. Những gói tài chính này được các doanh nghiệp tung ra trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất. Về phía gia đình, học sinh sẽ học từ lớp 1 đến lớp 12 mà không phải đóng học phí.
Để nhận được sự tin tưởng đầu tư của phụ huynh, tập đoàn này xây dựng đội ngũ gồm Hội đồng giáo dục, hội đồng đại học, hội đồng đảm bảo chất lượng có sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục là giáo sư, tiến sĩ tên tuổi trong và ngoài nước.
Việc tham gia đầu tư vào thị trường giáo dục, đặc biệt ở các tỉnh cũng giúp Nguyễn Hoàng được nhiều ưu đãi như: Giao đất miễn tiền sử dụng đất ở các địa phương, ưu đãi thuế 22% thay vì 28% (hiện nay là 10%, bằng một nửa so với lĩnh vực kinh doanh khác), ngoài ra các tỉnh sẽ có chính sách ưu đãi khác như cho vay không lãi suất hoặc vay với lãi suất thấp. Đây cũng là lý do vì sao Nguyễn Hoàng lựa chọn xây trường tại các tỉnh như Long An, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Huế,… thay vì tập trung ở thị trường có cạnh tranh lớn như Hà Nội.
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nguyễn Hoàng Group cũng tham vọng mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Vào tháng 10/2018, với sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Hoàng Group đã nhận chuyển nhượng dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê. Dự án dự kiến được chia thành 3 phân khu gồm: Tổ hợp khách sạn 5 sao hiện đại hướng biển quy mô 400 phòng, trung tâm hội nghị, mua sắm, khu biệt thự bungalow cao cấp, các dịch vụ nhà hàng, spa, khu vui chơi giải trí trên cạn và các trò chơi trên biển; khu ở, dịch vụ kiểu mẫu, hiện đại phục vụ nhu cầu ở và kinh doanh cho người dân trong tỉnh; khu hoạt động giải trí trên biển và đảo.
Tháng 7/2020, Tập đoàn đã đề xuất xây dựng dự án thành phố du lịch và giáo dục quốc tế Phú Yên (IEC Phú Yên) với quy mô lên đến 65ha, trong đó gồm có khu du lịch và giáo dục quốc tế Núi Thơm (42ha), khu du lịch và quốc tế Sao Mai (20ha), khu tri thức - khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa (3ha).
Danh mục dự án của Nguyễn Hoàng còn bao gồm Khu nghỉ dưỡng Làng Bình An Vũng Tàu, khu nghỉ dưỡng Long Beach Phú Quốc (Phú Quốc), Công trình Khu văn hóa Đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu.
Số liệu Viettimes cho biết, với cấu trúc kinh doanh tập đoàn trong giai đoạn 2017 - 2019, NHG (công ty mẹ) liên tục ghi nhận các khoản lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với doanh thu thuần. Như năm 2017, doanh thu thuần của NHG đạt 47 tỉ đồng, lợi nhuận thuần ở mức 328,9 tỉ đồng.
Năm 2018 và 2019, NHG ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 104,5 tỉ đồng và 91,4 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 361,8 tỉ đồng và 188,6 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 346% và 206%.