Chưa bán cũ đã thêm giống mới
Vào những ngày này, bà Phạm Thị Thương - một chủ trại gia cầm ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) vừa chăm sóc đàn vịt thịt còn lại vừa úm đàn vịt giống hơn 1.000 con mới mua. Hiện, gia đình bà Thương vẫn còn hơn 3.000 con vịt đã đến tuổi xuất bán nhưng do lái buôn trả giá quá rẻ nên hai vợ chồng bà vẫn quyết định giữ đàn vịt thêm ít ngày nữa, chờ giá lên mới bán.
"Giá vịt hiện tại khoảng 26.000 đồng/kg, nếu xuất bán xác định lỗ trên dưới 6.000 đồng/kg nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận vì đó là điều rủi ro trong chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi bỏ nghề, bởi chăn nuôi có lúc lãi, lúc lỗ là chuyện thường tình" - bà Thương nói.
Dù giá gia cầm đang ở mức thấp nhưng nhiều hộ tại các tỉnh vẫn liều vào đàn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Hải Đăng
"Để chăn nuôi an toàn, bền vững tránh rủi ro, thời điểm này người dân cần bình tĩnh, thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; không vào đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt”. TS Nguyễn Thanh Sơn - |
Theo bà Thương, dù lúc này giá gia cầm đang thấp nhưng đến các tháng tới, khi dịch bệnh được khống chế, người dân lại tiêu dùng nhiều gà, vịt sẽ giúp cho mặt hàng này tăng giá đột biến.
Bà Thương cho biết thêm, lúc này giá giống đang khá rẻ nên nếu bà con cân đối được vốn, điều kiện chăn nuôi thì vào giống lúc này cũng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, để vào đàn hiệu quả, an toàn trong thời điểm dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp thì bà con cũng phải chọn con giống tốt, chất lượng đảm bảo và khi đưa về nuôi cũng phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học thì may ra mới thành công.
Cùng hướng đi với bà Thương, ông Nguyễn Trọng Thinh - chủ trại nuôi gia cầm ở Khoái Châu (Hưng Yên) mới đây cũng vừa vào đàn giống gà, vịt hơn 2.000 con. Ông Thinh cho biết, so với thời điểm giữa và cuối năm 2019 vừa qua, giá giống gia cầm hiện đã giảm khá nhiều.
Cụ thể, giá vịt bơ (vịt super) bóc trứng 1 ngày tuổi có giá bán 12.000 đồng/con; vịt biển 11.500 đồng/con; ngan đen đực trên dưới 20.000 đồng/con, ngan mái đen giá 12.000 đồng/con; gà Hồ lai mua xô giá 14.500 đồng/con; vịt cánh trắng giá 4.500 đồng/con, bầu lai giá 6.000 đồng/con; gà ri bán xô giá từ 11.000 - 13.000 đồng/con, gà mía mua xô giá 13.000 đồng/con...
Ông Thinh cho biết thêm, không chỉ có hộ ông mới vào thêm giống mà nhiều hộ khác trên địa bàn huyện Khoái Châu cũng mạnh dạn mua thêm gà, vịt ngan đưa về tiếp tục chăn nuôi.
Ngay sau khi vừa xuất bán đàn vịt hơn 5.000 con, chịu lỗ cả trăm triệu đồng nhưng ông Nguyễn Thanh Bốn (ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã nhanh chóng mua hơn 4.000 con gà mía giống về thả nuôi. Tuy vậy, chỉ sau hơn 5 ngày thả nuôi đàn gà bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh tiêu chảy và chết la liệt.
Thấy có sự bất thường, ông Bốn đã liên hệ lại với đầu mối ở Hà Nội, song không nhận được phản hồi tích cực khiến vợ chồng ông rất bức xúc.
"Khoản nợ cũ còn chưa trả hết, giờ tôi lại gặp nạn mất hàng chục triệu đồng, đau xót quá" - ông Bốn buồn rầu nói.
Không nên vào đàn ồ ạt
TS Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, sau nhiều ngày mất giá, đến giờ giá gia cầm cũng đang tăng nhẹ, song theo dự đoán của tôi, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá mặt hàng này cũng không tăng quá đột biến, không thể bằng giá trước tết được.
"Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhất là dịch cúm gia cầm A/H5N6, A/H5N1 đang xảy ra tại một số tỉnh khiến người chăn nuôi có phần e ngại và có thể bà con sẽ không tăng và vào đàn gia cầm, đây sẽ điều kiện giúp cho nguồn cung được điều hòa làm cho giá mặt hàng này tăng lên trong thời gian tới" - ông Sơn khẳng định.
Để chăn nuôi an toàn, bền vững tránh rủi ro, ông Sơn khuyến cáo thời điểm này người dân cần bình tĩnh, thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường để chủ động kế hoạch sản xuất; không vào đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt.
Đại diện một công ty chăn nuôi gà ở tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay mỗi ngày công ty giết mổ hàng chục nghìn con gà.
Bên cạnh đó, tùy nhu cầu thị trường, công ty cung cấp thêm 10% gà lông trong tổng đàn cho các cơ sở giết mổ.
Dù giá gà thịt lông trắng ngoài thị trường rớt giá mạnh nhưng hiện tại giá thu mua của công ty đối với các trang trại, hộ chăn nuôi vẫn đảm bảo ổn định nhờ thực hiện mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Cụ thể, ngay từ đầu công ty xác định muốn phát triển bền vững thì cần chăn nuôi theo chuỗi khép kín. Vì vậy, công ty liên kết với các trang trại rải khắp cả nước như Đăk Lăk, Nha Trang, Bình Thuận... bằng cách đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi và bao tiêu đầu ra cho các đơn vị liên kết, giá cả được cam kết cả năm.
Với mô hình này, khi thị trường có biến động thì các đơn vị liên kết vẫn yên tâm chăn nuôi chứ không bấp bênh.