Trước hiện tượng giá đất tăng đột biến do các nhóm đầu cơ liên kết để "thổi giá" vào dịp cuối năm, chính quyền một số địa phương đã ban hành các văn bản tạm dừng tiếp nhận hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng, nhằm chặn sốt ảo.
Mới đây, Khánh Hòa tạm dừng tiếp nhận giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, nhận thấy nguy cơ rõ ràng của "cơn sốt đất" giống như hồi năm 2018 và đầu năm 2021, mới đây, UBND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã ban hành thông báo số 5275/UBND về việc tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hoà thống nhất việc định hướng quy hoạch, phát triển khu vực Nam Vân Phong (phường Ninh Thủy, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), thuộc Khu kinh tế Vân Phong với chức năng là đô thị công nghiệp, cảng biển, logistics; nhiều nhà đầu tư đã rậm rịch về khu vực này để khảo sát, tiến hành mua, bán đất và giá đất ở đây cũng bắt đầu có chiều hướng "tăng nóng".
Tương tự, Hà Tĩnh chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép nhằm ngăn chặn tình trạng sốt ảo vào cuối năm.
Nhận thấy hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương như như Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Can Lộc,Vũng ÁNG… nơi có thông tin nhiều "ông lớn" BĐS sắp đổ bộ để thực hiện dự án; Chủ tịch UBND tỉnh này iđã có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai.
Ghi nhận cho thấy, thời gian gần đây, trên địa bàn các địa phương trong tỉnh xảy ra tình trạng nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý chia nhỏ thửa đất ở, đất vườn ao liền kề đất ở, đất trồng cây lâu năm để thực hiện phân lô, tặng cho, chuyển quyền SDĐ, như: việc xin tách thửa đất để phân lô, bán nền đối với 62 thửa đất tại xã Ngọc Sơn (Thạch Hà); việc xin chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất và tách thửa đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) của các hộ gia đình, cá nhân tại thị trấn Đồng Lộc (Can Lộc) và tại một số địa phương khác.
Đắk Nông chấn chỉnh tình trạng cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng. Mới đây, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này về những hạn chế, tồn tại trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở các huyện, thành phố ở Đặk Nông.
Đồng hời, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong sau khi có những dấu hiệu "sốt đất" tại tại khu vực hồ Tà Đùng.
Được biết, năm 2021, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiểm sát xét xử 18 vụ án hành chính và dân sự sơ thẩm. Kết quả, Hội đồng xét xử Tòa án các cấp đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện, qua đó tuyên hủy 11 vụ án (chiếm tỉ lệ 61%). Nguyên nhân được xác định, do các sổ này đã được cấp không đúng đối tượng, hoặc cấp chồng lấn dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Trên cơ sở đó, Viện KSND tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh này tăng cường năng lực hiệu quả quản lý hành chính nhà nước trong quản lý đất đai nói chung và cấp sổ đỏ nói riêng; đảm bảo tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định pháp luật; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác quản lý hành chính về đất đai.
Quảng Trị "siết chặt" điều kiện tham gia đấu giá để ngăn sốt ảo. Sau khi một "ông lớn" bất động sản trúng đấu giá khu đất rộng hơn 13ha thuộc dự án KĐT Thương mại – Dịch vụ Nam Đông Hà tại phường Đông Lương (TP. Đông Hà, Quảng Trị), thị trường nhà đất ở khu vực này có sự "sốt’" nóng. Nếu như trước đây giá đất ở các KĐT mới tại TP. Đông Hà dao động trong khoảng 13 - 15 triệu đồng/m2 thì nay đã ở ngưỡng 40 – 70 triệu đồng/m2.
Sự tham gia của giới đầu cơ, cò đất làm thị trường phát triển không ổn định, khiến giá đất bị đẩy lên cao quá so với giá trị thật, người dân có nhu cầu ở thực khó sở hữu nhà đất, làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư… Do đó sắp tới tỉnh này sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc do không chuyển nhượng lại được đất sau đó, dẫn tới phải tổ chức đấu giá nhiều lần như các địa phương khác trên cả nước.
Ngày 24/12, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản yêu cầu các sở ban ngành cùng UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn để không xảy ra việc đầu cơ, sốt đất ảo ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước đó, ngày 25/11, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu Sở TN-MT và các đơn vị phối hợp rà soát việc lập quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2021-2030, đánh giá cụ thể các yếu tố liên quan khi kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu các loại đất, đề xuất các giải pháp thực hiện và quan tâm quy hoạch sử dụng đất 2 bên các tuyến đường nhằm tạo quỹ đất sạch khi triển khai đầu tư mới các tuyến đường để phát triển đô thị; đánh giá các tồn tại phát sinh khi thực hiện các thủ tục kiểm kê, xác lập quyền sử dụng đất, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để tham mưu cho tỉnh giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
Tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất không đúng mục đích, tự phân lô tách thửa không đúng quy định, đặc biệt là ở các khu vực kêu gọi thu hút đầu tư dự án.
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm kiểm soát trong việc lập quy hoạch sử dụng đất 2 bên các tuyến đường dự kiến được đầu tư mới và các quy hoạch chi tiết cho từng dự án phải đảm bảo không gây áp lực cho ngân sách nhà nước.
Hay việc tỉnh Bắc Giang công khai danh sách 40 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện được phép bán giúp cho thông tin được minh bạch, góp phần ngăn chặn đầu cơ.