Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo; xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước; tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư; cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận...là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được Chính phủ ban hành.
Ngăn chặn hoạt động phi pháp tiền ảo
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 tối thiểu 6,7% và quyết tâm phấn đấu đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo; đồng thời nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nỗ lực, chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế - xã hội và việc thực hiện kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực và cả nước, hằng quý báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể.
Các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu chủ động, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá theo mức độ và thời điểm hợp lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá; kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Quản lý chặt chẽ các giao dịch thanh toán điện tử.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi tiền ảo, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái với quy định pháp luật. Quản lý tốt tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu phát sinh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán.
Đẩy mạnh cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; quản lý tốt thu ngân sách, chống chuyển giá, trốn thuế, mở rộng cơ sở thuế; mở rộng việc áp dụng hóa đơn điện tử; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi phí hội họp, mua sắm trang thiết bị, phương tiện, đi công tác trong và ngoài nước; tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ứng phó với thay đổi chính sách thương mại của các nước
Nghị quyết cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước, bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong tháo gỡ những khó khăn, giải quyết vướng mắc trong triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, năng lượng, sản xuất công nghiệp trọng điểm để khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan có giải pháp ứng phó, xử lý kịp thời trước những thay đổi chính sách thương mại của các nước tác động đến xuất khẩu; chuẩn bị kỹ nội dung để tổ chức Hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu.
Kiểm soát nhập khẩu phù hợp; nghiên cứu có biện pháp phòng vệ đúng cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết để bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước. Có giải pháp, chính sách đẩy mạnh phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường trong nước, hệ thống phân phối bán lẻ và các hình thức kinh doanh thương mại mới, thương mại điện tử.
Xóa sổ cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng, ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Phối hợp với các địa phương tập trung xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách tập trung đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và Hội nghị về tăng cường quản lý đất tại các nông lâm trường quốc doanh.
Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương có phương án đẩy nhanh tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng đã có chủ trương; trong đó chú ý tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, tập trung vào một số điểm đến quan trọng và có sản phẩm du lịch nổi bật, có tính cạnh tranh cao so với các điểm đến trong khu vực. Tận dụng tốt các cơ hội để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam, nhất là khách đến từ các thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày
Cơ chế đặc thù hỗ trợ Ninh Thuận
Chính phủ cũng biểu dương các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Giao thông vận tải, Y tế, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố chương trình, kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
Đồng thời yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành để sớm triển khai thực hiện.
Bộ Ngoại giao nghiên cứu các động thái, thay đổi chính sách của các nước, kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp.
Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, trình Thủ tướng ký ban hành trong tháng 5/2018.