Đây là ý kiến được các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đưa ra tại Hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Trung Quốc, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức ở TP HCM ngày 6-9.
Khai thác khách chi tiêu cao
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, những năm qua, Trung Quốc luôn là nguồn khách du lịch quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 4 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong gần 13 triệu khách quốc tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng thị trường khách này luôn đạt mức cao. Nhiều điểm đến đã trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với khách Trung Quốc như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng...
Khoảng 500.000 lượt khách Trung Quốc đến TP HCM trong 7 tháng đầu năm 2018 Ảnh: TẤN THẠNH
Trong 8 tháng đầu năm 2018, khách Trung Quốc đến nước ta tiếp tục đạt 3,81 triệu lượt, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng tại TP HCM, theo số liệu thống kê, khoảng 500.000 lượt khách Trung Quốc đã đến trong 7 tháng đầu năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Tại Khánh Hòa, khách Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng khách quốc tế đến tỉnh này.
Một yếu tố góp phần thúc đẩy du lịch 2 nước là việc các hãng hàng không liên tục mở đường bay mới, tăng tần suất các chuyến bay đã có. Hiện có hơn 10 hãng hàng không Việt Nam và quốc tế khai thác 30 đường bay từ 20 điểm đến ở Trung Quốc tới Việt Nam với khoảng 500 chuyến/tuần (chủ yếu là thuê bao nguyên chuyến).
Đại diện Công ty Beijing Cosmos Travel International Co. Ltd (Trung Quốc) cho biết theo phân tích từ số liệu của năm 2017 và nửa đầu năm nay, khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch đạt 130 triệu lượt, chi tiêu khoảng 110 tỉ USD. 2018 là năm thứ 5 liên tiếp du khách Trung Quốc đứng đầu thế giới về chi tiêu khi du lịch nước ngoài.
"Việt Nam đã dần trở thành điểm đến ưa thích của khách Trung Quốc, trong đó Nha Trang được du khách nước này xếp vào 3 điểm đến ưa thích nhất về du lịch biển... Ngày càng có nhiều du khách Trung Quốc có ý định tới các điểm đến ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, làm bùng nổ thị trường du lịch khu vực này" - đại diện hãng lữ hành Trung Quốc nhận xét.
Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình khoảng 790 USD cho một chuyến du lịch ở Việt Nam và có xu hướng tăng lên, trong đó khoảng 32% chi cho lưu trú. Do chủ yếu khách đi theo đoàn, nhất là các chuyến bay thuê bao, nên thời gian lưu trú khoảng 5 ngày 4 đêm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), cho biết khách Trung Quốc thường lưu trú tại TP Nha Trang 4-5 ngày, ở khách sạn từ 3 sao trở lên. Họ được xem là dễ tính, chi tiêu nhiều. Họ rất thích ăn uống, đặc biệt các loại hải sản có giá cao; thích các đặc sản như yến sào, trầm hương, cao su và các loại nông sản như cà phê, hạt điều cùng hàng mỹ nghệ… Với mức độ chi tiêu cao, thích tự mình mua sắm nên không chỉ các công ty lữ hành mà cả người dân địa phương cũng được hưởng lợi khi tham gia cung cấp dịch vụ cho khách Trung Quốc.
Kiểm soát chất lượng
Một vấn đề bất cập nổi lên trong thời gian qua từ khách Trung Quốc và cần xử lý, theo các DN du lịch, là kiểm soát và hạn chế tour giá rẻ. Bất cập này làm phát sinh khách tập trung vào một số điểm đến, lượng khách tăng đột biến trong thời gian ngắn có thể dẫn đến hiện tượng quá tải ở một số nơi, gây mất trật tự, khó bảo đảm chất lượng tour, thiếu hụt hướng dẫn viên tiếng Trung…
Để giải quyết vấn đề này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc cần tích cực quản lý, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh đối với DN hai bên, tạo môi trường an toàn, thoải mái cho du khách. Thiết lập đường dây nóng phản ứng nhanh các sự cố, nghiên cứu ứng dụng trên điện thoại để gia tăng tiện ích cho khách.
Theo đại diện Công ty Beijing Cosmos Travel International Co. Ltd (Trung Quốc), việc cạnh tranh không lành mạnh từ tour 0 đồng là vấn đề nan giải của cả thế giới, không chỉ Việt Nam. Do đó, các ban - ngành, cơ quan chức năng cần nhanh chóng có biện pháp giải quyết. Bởi lẽ, những thông tin về tour 0 đồng lan truyền với tốc độ nhanh cũng ảnh hưởng đáng kể đến ngành du lịch.
Các DN lữ hành trong nước kiến nghị nhà nước cần có biện pháp phòng ngừa, chấn chỉnh tour 0 đồng đã xảy ra tại một số địa phương, nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh để du lịch phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Thành đề xuất: "Lượng khách quốc tế của một thị trường tăng cao như Trung Quốc, dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng gây ra nhiều hệ lụy cho cơ quan quản lý. Do đó, việc chủ động tổ chức đón khách Trung Quốc thật bài bản nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường kiểm soát hoạt động các DN lữ hành, tăng số lượng hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Trung... sẽ giúp hạn chế những bất cập".
Cùng Trung Quốc chấn chỉnh
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhìn nhận chính sách thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam phải hướng tới cả số lượng và nâng cao chất lượng để giải quyết các bấp cập thời gian qua như tour 0 đồng, tour giá rẻ, quản lý hướng dẫn viên, quản lý du khách... "Qua hội nghị, chúng tôi đã trao đổi với các đơn vị quản lý du lịch Trung Quốc để từng bước chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả quản lý du lịch giữa 2 nước" - ông Thiện nói.