Sau sự rút lui của Uber vào tháng 4, thị trường Việt Nam ngay lập tức đón nhận sự hiện diện của một ứng dụng đặt xe công nghệ khác là Go-Việt. Ra mắt tại TP.HCM vào tháng 7, Go-Việt đã mau chóng đạt được những con số ấn tượng với hơn 1,5 triệu lượt tải ứng dụng và thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM đã lên tới 35%.
Ngày 12/9 vừa qua, Go-Việt tiếp tục ra mắt thị trường Hà Nội sau 2 tháng thử nghiệm tại TP.HCM. Dù được sự hỗ trợ mạnh từ công nghệ và tiềm lực tài chính từ đối tác Go-Jek, tuy nhiên Go-Việt sẽ gặp không ít thách thức từ đối thủ giàu tiềm lực là Grab.
Ngay tại "quê hương" của Go-Việt là Indonesia, Grab cũng đang cho thấy sức mạnh vượt trội của mình, nhất là sau khi mua lại hoạt động của Uber ở Đông Nam Á. Đầu năm, Grab chỉ chiếm 30% thị phần đặt xe tại Indonesia, trong khi Go-Jek là 58%. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2018, Grab đã có bước ngoặt ấn tượng, giúp ứng dụng này chiếm tới 62% thị phần. Những con số trên cho thấy sức mạnh của Grab và là đối thủ sẽ khiến Go-Jek "đau đầu" nhất.
Việt Nam là thị trường nước ngoài đầu mà Go-Jek vươn tới và chắc hẳn Go-Jek sẽ không mong muốn thất bại ngay trong lần đầu "xuất quân".
Để có thể đánh bại thế độc tôn của Grab, ngay từ khi ra mắt tại TP.HCM, Go-Việt đã tung ra những ưu đãi "khủng" như đi 8km chỉ với 5.000 đồng. Chiến lược ưu đãi này đã đem lại hiệu quả cho Go-Việt khi chiếm tới 35% thị phần xe ôm công nghệ chỉ sau 2 tháng.
Với chiến lược tương tự, ngay khi ra Hà Nội, Go-Việt tiếp tục tung gói cước đồng giá 1.000 đồng, áp dụng cho mọi chuyến đi dưới 6km nhằm thu hút khách hàng.
Không chỉ đẩy mạnh khuyến mãi, Go-Việt còn đẩy mạnh hoạt động tiếp thị đến từng…quán trà đá. Ngay trong ngày 13/9, tức chỉ sau một ngày ra mắt thị trường Hà Nội đã xuất hiện khá nhiều nhân viên mặc đồng phục Go-Việt đi tiếp cận khách hàng trên khắp địa bàn Hà Nội.
Không chỉ hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng, các nhân viên Go-Việt thậm chí còn phát wifi miễn phí hỗ trợ người dùng cài đặt ứng dụng ngay trên…vỉa hè. Theo quan sát của chúng tôi, "độc chiêu" tiếp thị này của Go-Việt đã khiến khá nhiều người sẵn sàng cài đặt ứng dụng mà không gặp phải nhiều khó khăn từ khách hàng.
Dù mới ra mắt tại Việt Nam, nhưng rõ ràng Go-Việt đang trở thành cái tên có thể "thách thức" Grab. Trong lễ ra mắt mới đây, ông Nguyễn Vũ Đức – CEO Go-Việt cho biết trong 4 tháng tiếp theo sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới trong hệ sinh thái như Go-Car (đặt xe ô tô), Go-Food (đặt đồ ăn), Go-Pay (ví điện tử). Ngoài ra, Go-Việt sẽ tiếp tục triển khai những dịch vụ khác trong hệ sinh thái dựa trên nhu cầu của thị trường như đi chợ hộ, giúp việc tại nhà, làm đẹp tại nhà…