Thị trường BĐS chững lại đang khiến nhiều môi giới BĐS (cả tự do và môi giới doanh nghiệp) "hụt hơi". Nhiều môi giới vì không bán được hàng nên tự động nghỉ hoặc công ty cho nghỉ. M, một môi giới BĐS Bình Dương, có trụ sở tại Tp.HCM mới xin nghỉ việc vì vào công ty 2 tháng nhưng mãi không bán được hàng. Mặc dù trước đó, M là một trưởng nhóm ở công ty BĐS chuyển sang. Sau khi M nghỉ cũng có 2 bạn nghỉ theo vì từ tháng 5/2022 đến nay không bán được sản phẩm nào. Theo M, lượng khách quan tâm đến sản phẩm vẫn có nhưng tâm lý khá "lưỡng lự" xuống tiền ở thời điểm này.
Trong khi đó, một sàn môi giới tại Q.7 (Tp.HCM) có 10 người môi giới nhưng hiện tại đã nghỉ 7 người vì hơn 3 tháng qua không bán được sản phẩm nào. Những môi giới này tiếp tục tìm cơ hội ở các công ty khác, hi vọng nguồn hàng sẽ dễ bán hơn.
Tuy nhiên, theo Nguyễn Thị V, một môi giới lâu năm tại công ty BĐS có trụ sở tại Q.2 (Tp.HCM), tình hình chung của thị trường BĐS hiện nay là khó khăn. Nếu đầu năm 2022 môi giới vẫn bán được hàng lai rai, thậm chí phân khúc đất nền bán khá tốt thì hiện tại người mua có đi xem nhưng chốt rất ít hoặc kiểu thăm dò là chính. Thậm chí, có dự án còn khoảng 100 nền nhưng bán mãi không được. Nhà đầu tư thì thường so sánh giá giữa các khu vực, hoặc thời điểm này họ ưu tiên các sản phẩm trong TP thay vì đầu tư đất nền tỉnh xa xa.
Theo các môi giới BĐS, chính sách tín dụng tác động rõ nét nhất đến giao dịch của thị trường BĐS ở giai đoạn này. Nhiều người mua đã có ý định mua BĐS, thậm chí đặt cọc nhưng lại vướng khâu giải ngân từ ngân hàng nên cảm thấy "nhụt chí". Một nam môi giới BĐS Tp.Thủ Đức cho biết, khá nhiều khách mua thực tìm hiểu căn hộ để mua nhưng lại lăn tăn khâu vay ngân hàng nên lại trở về trạng thái "chờ". Đây cũng là lý do khiến giao dịch BĐS chững, môi giới khó bán hàng.
Ảnh minh hoạ.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp. HCM (HoREA), nguồn vốn tín dụng đối với nền kinh tế và thị trường bất động sản là "mạch máu lưu thông, là bình oxy, dưỡng khí". Nếu không tiếp cận được nguồn vốn doanh nghiệp có nguy cơ "ngộp thở"; người mua nhà ngày càng khó tiếp cận chốn an cư.
"Hiện, thị trường bất động sản đang thiếu thanh khoản do nhiều dự án không thể triển khai, dẫn đến thiếu sản phẩm, trong khi nhu cầu của nhà đầu tư và người mua nhà rất lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng", ông Châu nhấn mạnh.
Ghi nhận cho thấy, cái khó của thị trường BĐS ở thời điểm này là tâm lý lo ngại đang bao trùm thị trường. Vì thế, thanh khoản giảm sút ở các phân khúc. Các công ty mới thành lập hoặc lập được vài năm nhưng bán hàng không được cũng giải thể hoặc nguy cơ giải thể rất cao. Báo cáo từ UBND Tp.HCM cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, có 1.935 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó, kinh doanh bất động sản có 142 doanh nghiệp, chiếm 7,36%. Như vậy để thấy, việc các môi giới nghỉ việc hay các sàn chấm dứt hoạt động là do thị trường khó khăn, hoặc không bán được hàng hoặc không có nguồn hàng để bán. Nhất là trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục dự báo khan hiếm đến cuối năm nay.
Theo các môi giới, thực tế thị trường BĐS đã rơi vào khó khăn từ thời điểm xuất hiện Covid-19. Tuy nhiên, sau đó có những "đợt sóng" khiến thị trường rục rịch nhưng không được như thời điểm trước năm 2019- khi mà dịch Covid-19 chưa xuất hiện. Cùng với Covid thì các chính sách thắt chặt thực sự đã khiến tâm lý người mua BĐS bị dao động, ảnh hưởng thanh khoản chung của thị trường BĐS hiện nay. Nhiều môi giới trực tiếp bán hàng cho biết, mặc dù thị trường chưa đến nỗi "đứt đoạn" giao dịch như thời điểm giãn cách xã hội tháng 6/2021, tuy nhiên, so với cùng kì năm ngoái thì thị trường BĐS lúc này cũng khó ngang ngang. Nhiều môi giới từ quý 2 đến nay không có giao dịch nào, phải kiêm thêm nhiều nghề để trang trải cuộc sống. Với những môi giới bán đất nền tỉnh, hiện thị trường chỉ diễn biến nhỏ giọt ở vài khu vực xuất hiện thông tin hạ tầng, quy hoạch, dự án lớn, trong khi các nơi sốt đất đầu năm 2022 cũng im ắng ở giai đoạn này.