Cả vùng "ốc đảo" Hà Đông (Đăk Đoa, Gia Lai) bao quanh bởi rừng núi nên bà con chỉ sống nhờ cây lúa rẫy, cây mỳ. Lớn lên ở vùng đất còn nghèo khó, Tuấn mày mò tìm hướng mới để làm giàu từ con dúi.
Ở xã Hà Đông, huyện Đak Đoa, hỏi thăm ai cũng biết nông dân Đào Anh Tuấn (sinh năm 1987). Anh hiện là chủ của trang trại nuôi dúi có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, khoản thu nhập tương đối khá so với mặt bằng chung ở nơi khó khăn như "ốc đảo" Hà Đông.
Tuấn kể, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh bươn chải quanh năm với việc trồng cây mì trên những sườn núi. Công việc khó khăn, vất vả nhưng thu nhập rất thấp, lại bấp bênh. Trong một dịp đi rừng, anh Tuấn đã bắt được vài con dúi rừng nên anh đã đưa về nuôi thử.
Từ số vốn gần 10 triệu đồng tích góp được sau nhiều năm làm ăn, anh Tuấn đầu tư nuôi dúi. Ban đầu, anh xây một chuồng nhỏ theo kiểu nhà tầng để thả nuôi thử nghiệm 2 cặp dúi rừng. Hai cặp dúi này, tự tay anh tìm và bắt trên rừng để nuôi thử nghiệm.
Thời gian đầu, anh nuôi nhưng chưa có nhiều kiến thức về việc nuôi dúi nên gặp rất nhiều khó khăn. Những con dúi của anh bị sốc nhiệt do trời quá nóng, bị sốt do trời quá lạnh. Cùng với tập tính hoang dã của dúi rừng nên việc nuôi không đạt hiệu quả.
Để khắc phục ảnh hưởng của thời tiết tới vật nuôi, anh Tuấn tìm được những giải pháp độc đáo. Anh dùng máy phun nước để làm mát cho con dúi khi trời nóng, còn trời lạnh thì anh dựng tủ rơm, che kín đủ ấm cho dúi.
Sau gần một năm, 2 cặp dúi của anh Tuấn phát triển tốt và bắt đầu sinh sản. Vừa học vừa làm nên anh Tuấn tích lũy ngày càng nhiều kinh nghiệm. Nhận thấy mô hình hay, hiệu quả kinh tế, nhất là ở vùng khó khăn, rừng rú bao quanh như Hà Đông, nông dân Tuấn quyết định mở rộng quy mô trang trại hơn 100 chuồng.
Chỉ trong vài năm, anh Tuấn đã đầu tư nuôi từ 400-500 con. Khi mô hình của anh Tuấn hiệu quả, mang lại triển vọng thoát nghèo cho bà con ở "ốc đảo", năm 2016, Phòng dân tộc huyện Đak Đoa hỗ trợ thêm con giống để giúp anh phát triển kinh tế. Từ đó, anh Tuấn tiếp tục mạnh dạn xây thêm 200 chuồng lớn, mua máy xay cám để đảm bảo thức ăn cho dúi được tốt hơn.
Theo anh Tuấn, chuồng nuôi dúi thiết kế đơn giản, không tốn nhiều diện tích. Chuồng có thể xây hoặc đổ tấm bê tông gắn lại với nhau theo kích thước cao 60cm, rộng 50 cm và dài 50 cm. Tuy nhiên, chuồng phải kín gió, nên bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
Thức ăn của dúi gồm tre, hạt ngô, thân mía. Mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào chiều tối. Ngoài ra, một tuần cho dúi ăn thêm xương lợn, bò... Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dúi, anh Tuấn thường mua những ngọn đót, thân tre non của những người dân nơi đây.
Về quá trình sinh trưởng, khi nuôi được 6-7 tháng là thời điểm dúi phát dục, cần ghép đôi để dúi giao phối. Sau 15 ngày, tách đôi để dúi cái dưỡng thai và sinh sản. Khi dúi sinh sản được một tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm... Dúi sinh sản nhanh, một năm khoảng 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 3-5 con.
Đến nay, mô hình nuôi dúi của anh giữ ở mức từ 400-500 con. Mỗi năm, anh có thể xuất bán hơn 200 con dúi thịt và giống. Với dúi thương phẩm, trung bình mỗi con phải chăm sóc trong 7-8 tháng, cho trọng lượng 0,8-1,2kg/con, giá bán dao động 400.000-600.000 đồng/con. Nếu bán dúi giống, tùy theo kích cỡ có giá dao động 800.000-1,2 triệu đồng/con. Từ đó, anh Tuấn bỏ túi được hơn 80 triệu đồng mỗi năm.
Anh Tuấn cho biết: "Con dúi thuộc diện đặc sản, thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Tôi đã chủ động liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhà hàng, khách sạn tại nhiều địa phương. Thị trường lớn tiêu thụ dúi là TPHCM, Đồng Nai".
Dự định của anh Tuấn trong thời gian tới là xúc tiến hợp tác với các chủ trang trại ở tỉnh Gia Lai để có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm hướng đầu ra tốt hơn. Bên cạnh đó, anh còn chủ động liên kết và hỗ trợ người dân trong vùng để giúp họ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Chị Choắt, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông cho biết, đây là mô hình mới tại địa phương. Trong những năm qua, mô hình của anh Tuấn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ở một vùng khó như Hà Đông thì mô hình nuôi dúi của anh Tuấn đang mang lại nhiều hy vọng giúp cho bà con chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi hình thức canh tác lạc hậu".
Thời gian sắp tới, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện để anh Tuấn được vay vốn, tham gia các lớp tập huấn mở rộng nuôi dúi, nhân rộng mô hình cho những người trong vùng cùng nuôi.
(Theo Dân Trí)