Từ những ấu trùng mắt thường khó nhìn thấy, anh Vũ Văn Tâm ươm lớn thành hàu giống. Nhờ nghề "nuôi con nhỏ li ti" như đầu que tăm, mỗi năm chàng trai 8X thu về tiền tỷ.
Thất bại không nản trí
Về vùng đất Kim Sơn, Ninh Bình những năm gần đây, đâu đâu cũng thấy trại nuôi hàu giống. Trại hàu giống mọc lên "như nấm sau mưa" ở các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải, Cồn Thoi… Toàn huyện ven biển này hiện có trên 500 trại nuôi hàu. Cơn "sốt" hàu giống khiến nhiều nông dân nơi đây thành tỷ phú.
Vốn sinh ra ở miền biển, từ bé, anh Vũ Văn Tâm (SN 1988, xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn) đã say mê với nghề nuôi trồng thủy sản quê mình. Cũng bởi vậy mà lớn lên, anh không chọn con đường học hành cao để lập nghiệp mà ở lại quê bám trụ với nghề nuôi trồng thủy sản.
Chàng trai hơn 30 tuổi có nước da ngăm đen ngấm đầy nắng và gió biển kể, trước đây, anh từng nuôi tôm, rồi gắn bó với nghề nuôi ngao. Nhưng cuối cùng cũng chẳng đọng lại được xu nào dính túi. Bao nhiêu tài sản đầu tư bãi, ngao giống mất hết khi ngao bị bệnh, chết hàng loạt nổi trắng bãi.
"Tôi vay mượn tiền đầu tư mua bãi, ngao giống nuôi dưới bãi triều, chỉ năm đầu có thu nhưng cũng không được là bao. Những vụ sau đó, nước biển ô nhiễm, ngao bị dịch bệnh chết hàng loạt. Bao nhiêu vốn liếng, công sức của gia đình tôi trôi theo biển khơi hết. Lúc đó tôi chán nản, tuyệt vọng, chẳng muốn làm gì nữa", anh Tâm kể lại.
Nghĩ đến số tài sản đã mất, anh Tâm càng đau đáu. Hướng mở đường cho chàng trai 8X vực dậy sau thất bại là khi đó một số hộ dân ở quê đưa nghề nuôi hàu giống về và bắt đầu thành công.
Thấy nghề nuôi hàu giống hiệu quả, anh Tâm quyết định tham gia cuộc chơi để "lấy lại những gì đã mất". Anh vay mượn tiền, bắt tay ngay vào việc xây dựng trại nuôi hàu giống. Trên diện tích hơn một hécta bãi và mặt nước trước kia nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, anh cùng cộng sự đầu tư hơn 4 tỷ đồng để xây dựng trại ươm hàu giống với quy mô hiện đại gồm: nhà nuôi tảo, nhà ươm hàu, phòng dưỡng tảo, bể lọc nước…
Ăn ngủ cùng con nhỏ như đầu que tăm
Khi chúng tôi đến thăm trại ươm hàu, không lúc nào anh Tâm ngớt tay. Anh bảo, làm cái nghề ươm hàu giống này còn khó hơn chăm con nhỏ. Phải ăn ngủ cùng chúng từ khi còn là những ấu trùng cho đến khi lớn bằng đầu que tăm.
Anh Tâm chia sẻ về quy trình ươm hàu giống: "Trung bình mỗi vụ ươm hàu giống kéo dài từ 20 đến 30 ngày, tùy theo thời tiết từng mùa. Hàu giống bố mẹ sẽ được đẻ ra bể, ấu trùng sẽ nở sau 24h sau đó. Khi đó bắt đầu chăm hàu cho lớn, cho bám bào vỏ hải sản".
Cũng theo anh Tâm, trong quá trình ươm, hàu giống được cho ăn tảo. Tùy từng giai đoạn, người nuôi phải cho hàu ăn loại tảo phù hợp để lớn nhanh, có chất lượng tốt, bám khỏe hơn. "Nghề nuôi hàu, quan trọng nhất là ươm nuôi được loại tảo phù hợp" - anh Tâm nói.
Chàng trai 8X tiết lộ, từ khi bắt đầu ươm hàu đến nay, anh chưa thất bại vụ nào. Vụ ít nhất anh cũng thu về được 300 triệu, vụ nào nhiều thu về trên 1 tỷ đồng.
"Ngay vụ đầu tiên tôi làm giá hàu, xuất bán được 8.000 chùm, thu về hơn 800 triệu đồng. Còn hai vụ sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá hàu giảm sâu, chỉ còn 40 - 60 ngàn đồng/chùm nên 2 vụ đó tôi thu về trên dưới 300 triệu" - anh Tâm tiết lộ.
Giá hàu hiện nay đang dao động ở mức từ 80 - 100 nghìn đồng/chùm. Anh Tâm cho hay, sắp tới sẽ xuất bán lứa hàu giống đang để dưới ao bèo với giá thành như hiện nay, trại ươm hàu của anh cũng thu về được hơn nửa tỷ đồng. Mỗi năm trừ hết các chi phí anh cũng thu được tiền tỷ từ nghề nuôi con nhỏ li ti này.
Kinh nghiệm nuôi hàu thời gian qua có được, anh Tâm chia sẻ, vùng đất Kim Sơn là nơi làm ra được con hàu giống chất lượng cao. Vì thế nhiều nơi đổ về đây để mua giống về thả. Điều đó khẳng định rằng con hàu giống ở đây có chất lượng tốt nhất Việt Nam.
"Tôi mong rằng chính quyền các cấp, các ban ngành của tỉnh Ninh Bình sớm xây dựng thương hiệu hàu giống Kim Sơn để nâng cao giá trị kinh tế cho bà con nuôi hàu giống. Đây là mô hình nuôi giống thủy sản đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, với mức thu nhập từ 7 - 10 triệu/tháng" - anh Tâm nói.
(Theo Dân Trí)