Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đua nhau giới thiệu các mặt hàng đắt khách như dứa (thơm), khô cá - mực, mứt khô, xoài, nem Lai Vung,... Bình Thuận có thanh long, Long An có mắm chua còn Lào Cai có nấm hương, miến dong.
Đua nhau chào mời đặc sản
20h tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM), Niê Pôt Henry - Giám đốc Công ty Công ty TNHH Ê đê Cà phê, sau một ngày dài vẫn không biết mệt, cầm những ly cà phê pha sẵn liên tục mời khách dùng thử.
Không phải tự nhiên, anh chàng người dân tộc Ê đê đến từ huyện Krông Ana (Đắk Lắk) vượt hành trình khoảng 400km đến đây. Anh đi chào sản phẩm vì tin vào những hạt cà phê canh tác theo hướng organic (hữu cơ) ở bản địa. Ngoài ra, ông chủ DN còn sáng tạo cà phê có trộn hương vị trái cây như khoai môn, sâu riêng xuất xứ quê hương.
“Chúng tôi đem tới 300kg cà phê, đã bán và ký kết hết. Giờ chỉ còn khoảng 10kg. Xe hàng đang chuyển tiếp từ Đắk Lắk xuống để chào hàng”, Niê Pôt Henry nói.
Đặc sản tại các địa phương đổ về TP.HCM để chào khách (ảnh: Trần Chung) |
Những món ăn vùng, miền đặc trưng thu hút thực khách (ảnh: Trần Chung) |
Trong khi đó, Pham Kim Nhật Quỳnh, Giám đốc HTX Sản xuất nấm Anvies (Bình Định), lại mang tới hội chợ nấm sấy khô ăn liền, gia vị nấm để phục vụ thực khách ăn chay.
Theo Quỳnh, việc tập trung sản phẩm vào thị trường ngách cũng gặp đôi chút bất lợi vì khách hàng chưa thực sự quen thuộc với những dòng sản phẩm mới này. Tuy nhiên, sau đại dịch, người dân chú trọng hơn tới các vấn đề liên quan đến sức khỏe nên đồ ăn có nguồn gốc thiên nhiên, thực phẩm chay sẽ được chú ý.
Chị Hoài Thanh - đại diện Cơ sở sản xuất Giò bê Minh Hiền (Nghệ An) - vận chuyển 500kg đặc sản từ quê nhà để chào bán. Trước đó, tại hội chợ vừa kết thúc ở Quảng Ninh, cơ sở đã tiêu thụ toàn bộ sản phẩm giò bê với số lượng tương tự. Dẫu vậy, chị Thanh nhận định, hàng bán ra trong ngày đầu tiên tại TP.HCM chưa được như kỳ vọng, nguyên nhân có thể do TP đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tâm lý người dân bị ảnh hưởng, tiết kiệm chi tiêu.
Ngay sau sự kiện Kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh/thành năm 2021, từ ngày 2-5/12, 500 gian hàng của 28 tỉnh/thành hội tụ, trực tiếp bày bán các sản vật địa phương cho khách hàng tới mua sắm cũng như DN phân phối, hệ thống siêu thị tới tìm hiểu hợp tác. Đây là sự kiện được kỳ vọng kéo người dân thoát khỏi tâm lý “kiêng khem” mua sắm sau đại dịch, kích cầu cuối năm.
Tận dụng cơ hội này, ngày đầu tiên diễn ra hội chợ, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đua nhau giới thiệu các mặt hàng đắt khách như dứa (thơm), khô cá - mực, mứt khô, xoài, nem Lai Vung,... Bình Thuận có thanh long, Long An có mắm chua còn Lào Cai có nấm hương, miến dong được người tiêu dùng TP.HCM quan tâm. Ước tính, có đến hàng trăm đặc sản vùng, miền xuất hiện tại các gian hàng.
Cần kết nối chứ không ai có thể đi một mình
Ông Huỳnh Hữu Phước - Trưởng phòng Thông tin thị trường, Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk cho biết, năm 2020, tỉnh có 15 gian hàng với 15 đơn vị thì năm nay thu hẹp quy mô, chỉ còn 6 gian với 9 đơn vị tham gia hội chợ.
Lượng khách đến với hội chợ trong ngày đầu được đánh giá là ít hơn so với các năm trước (ảnh: Trần Chung) |
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương thu hẹp quy mô, số đơn vị tham gia hội chợ tại TP.HCM (ảnh: Trần Chung) |
Nhiều DN của Đắk Lắk rất muốn tới TP để tìm nhà phân phối, khách hàng nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đơn vị đã "ngậm ngùi" không thể tham gia. Gian hàng của tỉnh có 5 đơn vị đến kết nối và tìm hiểu phân phối sản phẩm trong ngày đầu diễn ra hội chợ.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang - ông Lê Trung Hiếu - cho rằng, thời kỳ giãn cách, có những lúc TP.HCM cần hàng hóa trong khi các tỉnh có hàng hóa nhưng không thể đưa lên tiêu thụ được. Hạn chế chính là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do chưa thiết lập được các mối quan hệ nên khi một bên cần hàng, các tỉnh có hàng thì không có đầu mối tiếp cận.
“Sự kiện kết nối là cứu cách, giúp tiêu thụ nông sản hiệu quả hơn. Tôi mong các nhà phân phối và nhà sản xuất cùng ngồi lại, thiết lập hệ thống liên lạc, phương thức cung ứng hàng, thanh toán. Kết nối để chúng ta đi cùng nhau chứ không ai có thể đi một mình. Đồng thời, phải tính phương án ứng biến khi dịch bệnh vẫn khó lường”, ông Hiếu chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị nhân rộng mô hình kết nối và trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương nhất là các tỉnh/thành phố có nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch trong nguồn gốc hàng hoá và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt với người tiêu dùng trong nước, thế giới.
Về phía địa phương chủ trì kết nối, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch TP.HCM, khuyến khích các đơn vị giữ vai trò phân phối cần hỗ trợ, hướng dẫn cho HTX nông nghiệp, hộ nông dân thông qua hoạt động đào tạo quy trình, kỹ thuật nuôi trồng theo chuẩn VietGap, GlobalGap, truy xuất nguồn gốc... Đồng thời, DN ứng vốn, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ nhân lực, kỹ thuật phục vụ sản xuất, công nghệ cao để hướng đến xây dựng thương hiệu cho các đặc sản, nông sản ở từng vùng, miền.
Trần Chung