Những chiếc lá bồ đề tưởng như vô tri, qua bàn tay tài hoa của anh Hoàng Thanh Phương trở nên "biết nói", "biết kể" nhiều câu chuyện và còn giúp cả trăm con người mưu sinh.
Hơn một năm chỉ nói chuyện về chiếc lá
Cây bồ đề vốn nổi tiếng ở miền đất Phật (Ấn Độ) những năm gần đây được trồng nhiều và trở nên gần gũi với người dân Ninh Bình. Ở vùng đất cố đô Hoa Lư, bồ đề không chỉ được trồng ở chùa Bái Đính mà dọc hai bên đường vào di sản Tràng An cũng có đến cả ngàn cây.
Anh Hoàng Thanh Phương (SN 1984) là "dân" quản trị kinh doanh nhưng lại có một niềm đam mê vô bờ bến với chiếc lá bồ đề. Anh kể, cách đây hơn 4 năm, khi đang làm việc tại cửa hàng bán đặc sản 3 miền, nhiều lần khách du lịch đến mua, anh rất bối rối khi không có sản phẩm nào của Ninh Bình để giới thiệu cho khách mua làm quà, đồ lưu niệm về vùng đất cố đô.
"Khi đó, du lịch Ninh Bình đã rất nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách. Ngoài món ăn đặc sản như: thịt dê cơm cháy, mắm tép, rượu Kim Sơn… Ninh Bình không hề có món quà tặng nào có giá trị mang đậm nét văn hóa riêng. Vì thế, lúc nào trong đầu mình cũng đau đáu với việc làm những sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình" - anh Phương tâm sự.
Nghĩ đến nhiều món đồ nhưng đều không khả quan khiến anh Phương nhiều khi rơi vào bế tắc. Thế rồi, trong một lần ngồi trò chuyện, anh được người em thân quen đưa cho những chiếc lá bồ đề đã lược bỏ phần diệp lục, chỉ còn lại phần xương lá và nói: "Anh có làm gì được với những chiếc lá này không?". Lúc này, trong đầu Phương bừng tỉnh khi nhìn thấy chiếc lá vốn quen thuộc, vô tri bỗng trở nên huyền bí, mang nhiều ý nghĩa sâu xa.
Thế rồi, Phương dành nhiều thời gian để tìm hiểu sâu hơn về cây bồ đề. Từ đó mới hiểu được "sự giác ngộ của Đức Phật" gắn liền với cây bồ đề. Anh đặt mua của người dân ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn hàng nghìn chiếc lá bồ đề, mày mò nghiên cứu với mong muốn sẽ biến chúng thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch Ninh Bình.
Ai đến cửa hàng đặc sản mua đồ, anh Phương cũng giới thiệu ý nghĩa sâu sắc của lá bồ đề, sau đó tặng mỗi người một chiếc mang về làm quà kỷ niệm. "Hơn một năm tôi chỉ mua lá bồ đề, sau đó nói chuyện về chiếc lá rồi tặng mọi người. Thấy mọi người ai cũng rất thích thú, từ đó tôi có thêm nhiều động lực hơn để tìm hướng phát triển lá bồ đề thành sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình".
"Thổi hồn" cho lá bồ đề
Thấy việc chỉ tặng mỗi một chiếc lá bồ đề thì quá đơn giản, như sự vu vơ và không nói lên được điều gì, anh Phương lại "vắt óc" suy nghĩ để mỗi chiếc lá khi cho, tặng sẽ có ý nghĩa hơn. Anh nghiên cứu và tạo ra cúp pha lê lá bồ đề, sau đó in biểu tượng du lịch nổi tiếng của Ninh Bình vào chiếc lá. Kể từ đây, sản phẩm của anh được nhiều người lựa chọn mua để làm quà biếu, tặng.
Chưa bằng lòng, anh Phương tiếp tục nghiên cứu và cho ra các dòng sản phẩm tranh nghệ thuật làm từ lá bồ đề để nâng giá trị nghệ thuật và thương hiệu. Đến nay, phòng tranh Bồ Đề Tây Phương của anh Phương đã làm ra các loại sản phẩm lưu niệm có giá trị cao về mặt nghệ thuật như: cúp pha lê lá bồ đề, lá bồ đề dát vàng, thập bồ đề hoa thiên đăng, thư pháp trên lá bồ đề…
Trong đó, phải kể đến những tác phẩm tranh có giá trị cao như: Bồ đề nghìn năm, khổng tước song toàn, hồng phúc bồ đề, đại thụ nghìn năm, phật tâm bồ đề… Những tác phẩm tranh lá bồ đề có giá trị cao này được anh Phương bán ra với giá hàng chục triệu đồng.
Anh Phương nói: "Mỗi tác phẩm từ lá bồ đề có giá trị nghệ thuật và ý nghĩa khác nhau. Chỉ những ai khi đã hiểu được ý nghĩa sâu xa của chiếc lá bồ đề gắn với cuộc đời Đức Phật sẽ biết trân quý, không kể là tác phẩm nhiều tiền hay ít tiền".
Đến nay, cơ sở sản xuất các sản phẩm về lá bồ đề của anh Phương đã có được thương hiệu riêng biệt và có chỗ đứng nhất định. Không chỉ được chọn là sản tiêu biểu trong tỉnh mà còn được tỉnh Ninh Bình nộp hồ sơ đề xuất Trung ương công nhận là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình.
Anh Phương chia sẻ, mỗi năm phòng tranh của anh cũng có doanh thu hàng trăm triệu đồng. Điều khiến anh vui nhất đó chính là từ những chiếc lá bồ đề tưởng như bỏ đi mà hiện nay có cả trăm người có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống.
"Có khoảng 40 - 50 người ở xã Gia Sinh làm việc cho hợp tác xã làm công đoạn thu hái lá bồ đề, sau đó đưa về sơ chế thành nguyên liệu. Có khoảng 10 người làm việc liên tục tại phòng tranh để cho ra các tác phẩm và hơn chục người làm công việc quảng bá, bán hàng, văn phòng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một số tỉnh thành… Mọi người ai cũng có thu nhập với mức lương thấp nhất từ 5 - 7 triệu đồng, có người thu nhập cao, lên đến từ 10 - 20 triệu đồng" - anh Phương tiết lộ.
Anh Hoàng Hoài Nam làm việc tại xưởng tranh Bồ đề Tây phương với công đoạn điêu khắc và sắp đặt tranh lá bồ đề chia sẻ: "Mình làm việc ở đây thu nhập theo doanh số. Gắn bó với công việc làm tranh lá bồ đề, mình không chỉ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn được thỏa mãn niềm đam mê. Mỗi tác phẩm làm ra đến tay mọi người sẽ lan tỏa được ý nghĩa sâu xa của cây, lá bồ đề. Đây cũng chính là làm cho những điều tốt đẹp được lan tỏa".
Mong muốn của ông chủ phòng tranh Bồ đề Tây phương, trong tương lai, các sản phẩm về lá bồ đề sẽ được công nhận là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình. Được cả nước biết đến, khi đó Ninh Bình sẽ trở thành trung tâm về cây bồ đề. Nhờ đó, người lao động đang làm các công đoạn sẽ có thu nhập cao và ổn định hơn, còn anh sẽ thực hiện những dự định tiếp theo, trong đó có việc sẽ thực hiện trồng một rừng bồ đề đặc biệt ở Ninh Bình.
(Theo Dân Trí)