Anh Trương ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã bị công ty yêu cầu mang theo máy tính về nhà ăn Tết để làm việc online.
Theo đó, công ty cho rằng khách hàng mà anh Trương đang phụ trách có thể liên lạc trong thời gian năm mới. Tuy nhiên, anh Trương cho rằng bản thân không có nghĩa vụ phải làm việc trong dịp lễ Tết nên từ chối yêu cầu của công ty. Kết quả, anh đã bị công ty sa thải.
Được biết, anh Trương là lập trình viên làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn ở thành phố Thượng Hải. Đến thời gian nghỉ Tết, ngoài 11 ngày nghỉ theo quy định thì anh Trương còn xin thêm 15 ngày nghỉ xem như là phép năm mà anh chưa sử dụng hết. Theo đó, anh đã được nghỉ tổng cộng 27 ngày.
Tuy nhiên, công ty lấy lý do khách hàng có thể sẽ liên hệ vì nhu cầu dịch vụ khẩn cấp nên đã yêu cầu anh Trương mang theo máy tính về nhà ăn Tết để thuận tiện làm việc online. Thế nhưng anh Trương đã từ chối.
Vì vậy, phía công ty đã sa thải anh Trương với lý do “từ chối chấp hành, làm gián đoạn nhiệm vụ công tác mà công ty sắp xếp”. Ngoài ra, công ty đã “bóc phốt” anh Trương đã vi phạm quy định nội bộ nhiều lần như thường xuyên cố tình nghỉ trưa sớm hơn 1 tiếng (công ty quy định nghỉ trưa từ 12h30 đến 13h nhưng anh Trương đã nghỉ từ 11h), một lần đến trễ giờ hẹn của khách hàng làm ảnh hưởng danh tiếng của công ty,...
Vì bức xúc khi bị công ty sa thải với lý do vô lý, anh Trương đã đệ đơn kiện lên tòa án.
Tòa án quận Phố Đông thuộc thành phố Thượng Hải cho rằng việc anh Trương từ chối làm việc online trong giai đoạn nghỉ phép là chuyện hoàn toàn hợp lý. Thời điểm đó, anh Trương đang trong thời gian nghỉ phép nên không có nghĩa vụ cung cấp lao động cho công ty.
Cuối cùng, tòa án phán công ty tư vấn Thượng Hải phải bồi thường cho anh Trương 194.000 NDT (hơn 690 triệu VND). Mặc dù phía công ty không phục và đã đề nghị tái thẩm nhưng tòa án đã bác bỏ.
Sau khi vụ việc được truyền thông đưa tin, cư dân mạng đã lên tiếng ủng hộ hành động dũng cảm của anh Trương.
“Nghe phán quyết của tòa án mà hả dạ! Để công ty biết thế nào là hậu quả khi bắt ép nhân viên”.
“Bái phục sự dũng cảm của anh trai khi dám đứng lên chống lại công ty, dám sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình”.
"Công ty nào cũng muốn nhân viên làm việc tăng ca không công. Thật sự không thể chấp nhận được!”.
Nguồn: Ctwant