Linh kiện xe cũ qua bàn tay tài hoa của một chàng trai đã thành sản phẩm độc đáo, bán giá hàng trăm triệu đồng. Còn mo cau trước chỉ là vật bỏ đi thì nay được làm thành chén, đĩa xuất khẩu sang nước ngoài.
Biến linh kiện xe cũ thành tác phẩm độc lạ, bán hàng trăm triệu
Báo Dân Việt thông tin, sau khi bỏ học giữa chừng, anh Nguyễn Tuấn Anh (1986, Lâm Đồng) vào làm ở xưởng chuyên làm đẹp, trang trí cho mô tô, xe máy. Đến đầu năm 2018, anh muốn tạo cho mình hướng đi mới nên tách ra làm riêng, mở xưởng Decor cơ khí nghệ thuật. Học hỏi cách làm qua video trên mạng, Tuấn Anh làm các sản phẩm để trưng bày như đồng hồ, đèn chiếu sáng từ ốc, xích tải, thanh sắt... thậm chí cả con khủng long bằng sắt
Nhưng cái khó nhất là làm sao để chúng có hồn, không vô tri, vô giác.
Anh Tuấn Anh bên tác phẩm độc lạ từ linh kiện xe cũ (Ảnh: Dân Việt) |
Sau gần 3 năm lập nghiệp, anh Tuấn Anh đã thiết kế khoảng 2000 sản phẩm và bán cho khách, giá từ 600.000 đồng đến 200-300 triệu đồng, tùy thuộc vào độ khó và kích thước. Anh dự định thời gian tới sẽ thử sức làm sản phẩm có kích thước lớn và độ khó cao hơn để tạo dấu ấn và thử thách bản thân.
Biến mo cau bỏ đi thành chén, đĩa độc đáo
Trong một lần ra Quảng Ngãi công tác, anh Nguyễn Văn Tuyến (38 tuổi, Phú Yên) nhận thấy vùng đất này trồng rất nhiều cau. Thông thường, người dân chỉ bán trái cau, còn mo cau thì bỏ đi, rất lãng phí. Vào tháng 9/2019, anh Tuyến cùng các bạn quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất chén, đĩa từ mo cau.
Mo cau được ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch, để ráo sau đó được đưa vào máy ép nhiệt độ cao tạo thành các sản phẩm như chén đĩa, khay đựng cơm... Khuôn tạo hình sản phẩm có nhiệt độ từ 80 độ C đến 120 độ C, mo cau được ép trong thời gian 40 giây để tạo hình và làm khô. Sản phẩm từ mo cau vừa đẹp, độc đáo, lại thân thiện với môi trường nên được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng.
Đôi vịt gây 'sốt': Thích ăn nho, nước đá, theo chủ đi bán hàng
Đôi vịt đặc biệt này là của chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (bán hoa tại chợ Thiếc, Quận 11, TP.HCM). Chị Tuyết cho biết, chị nuôi con vịt cái từ bé, tắm rửa, cho ăn mỗi ngày. Sợ vịt con ở nhà buồn, mỗi ngày, chị đều mang “bé vịt” ra chợ. Chị cho vịt ăn lúa, nho, nước đá và tép khô.
Đôi vịt gây 'sốt' ở chợ Thiếc (Ảnh: Nguyễn Sơn) |
Gần đây, thấy vịt con đơn chiếc, một người phụ nữ khác ngỏ ý muốn tặng chị Tuyết một con vịt trống để chúng có cặp có đôi. Về chung nhà, đôi vịt rất hòa hợp. Đặc biệt, dù chỉ mới chung sống ít ngày, đôi vịt đã có những sở thích giống nhau. Chúng đều thích ăn nho, nước đá và bơi trong thau lớn ở nhà.
Không chỉ chị Tuyết, các tiểu thương xung quanh cũng yêu quý đôi vịt này. Thấy đôi vịt thông minh, dễ gần, nhiều phụ huynh có nhà gần chợ cũng cho con sang chơi với 2 con vịt lúc chợ tan, thưa người.
Chị Tuyết kể, nhiều người thấy đôi vịt thông minh cũng ngỏ lời hỏi mua đem về làm thú cưng nhưng chị đều từ chối. Chị nói: "Bao nhiêu tiền tôi cũng không bán. Tôi thương tụi nó lắm, bán sao được”.
Độc lạ chợ 'củi vụn' ở Bắc Ninh
Theo Dân Trí, hàng nghìn khúc "củi vụn" từ gỗ trắc, lim, hương... được bày bán la liệt tại nhiều thôn làng ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Chợ gỗ ở đây chia thành nhiều khu, mỗi khu lại bán một loại gỗ. Những người thợ mộc ở Đồng Kỵ hoặc các vùng lân cận đều tìm đến chợ gỗ này để lựa chọn cho mình những cục gỗ "vừa việc", sao cho khi chế biến gỗ tận dụng được tối đa và phần thừa bỏ đi là ít nhất. Gỗ vụn thường được bán theo cân với giá vài trăm nghìn đồng/kg. Những tấm ván dài, nguyên mảng to có giá đến hàng chục triệu đồng/tấm.
Có thể nói đây là khu chợ gỗ quý lớn nhất miền Bắc, với tổng giá trị hàng hóa tới hàng trăm tỷ đồng. Chợ hoạt động nhộn nhịp vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều hàng ngày. Dù là khu chợ gỗ rất lớn nhưng các mặt hàng gỗ ở đây đều gần như luôn luôn đầy đủ giấy tờ, chứng nhận hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ.
Mít lạ ở miền Tây, khách nước ngoài tranh nhau mua
Ở Việt Nam, mít là loại cây trồng khá quen thuộc, với hàng chục loại mít khác nhau như: mít Thái, mít nghệ, mít Tố Nữ, mít mật hay mít dai,.. Hiện nay, mít Thái được các nhà vườn bán với giá từ 9.000-18.000 đồng/kg, mít quê được bán với giá 25.000-30.000 đồng/kg.
Mít ruột đỏ đắt hàng (Ảnh: M.Khương) |
Song, tại miền Tây, một nhà vườn trồng loại mít siêu lạ, ruột đỏ như màu gạch nung, cơm dày, mùi vị ngọt giòn, thơm dịu.Anh Mạnh Khương cho hay anh đang bán sỉ mít này với giá 90.000 đồng/kg song vẫn không đủ hàng cung cấp cho các đầu mối. Tại Hà Nội, mít ruột đỏ nguyên múi được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg. Dù có giá đắt gấp 4 lần giá mít Thái nguyên múi, nhưng mít ruột đỏ vẫn cháy hàng. Khách ở Nga, Dubai và Canada còn tranh nhau mua.
Kỳ lạ ngôi làng toàn đàn ông may áo dài
Làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nổi tiếng với nghề may áo dài truyền thống. Điểm đặc biệt ở làng nghề này là các nghệ nhân đi trước chủ yếu truyền lại nghề cho đàn ông, con trai trong gia đình để duy trì nghề theo hình thức "cha truyền con nối”. Truyền thống đó lưu giữ đến tận hôm nay.
Theo Báo Tiền Phong, trước đây, áo dài của làng Trạch Xá được làm thủ công hoàn toàn. Hiện nay, dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng những người thợ của làng vẫn chú tâm các bước thủ công trong việc gia công sản phẩm. Vì vậy, những chiếc áo ở làng Trạch Xá vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống.
Xe bắp nướng "độc", ngày bán 200 trái ở Sài Gòn
Chiếc xe bắp nướng của vợ chồng anh Lâm - chị Linh nằm trong một con hẻm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tầm cuối giờ chiều, quán lúc nào cũng chật cứng thực khách và shipper. "Đặc sản" của xe bắp này là món bắp nướng ăn cùng nước mắm pha kẹo "hiếm có khó tìm", có "1 - 0 - 2".
Món bắp nướng mỡ hành này mới chỉ ra đời hơn 2 tháng nay từ xe bắp của vợ chồng anh Lâm - chị Linh nhưng đã nhanh chóng tạo ra "cơn sốt". Khách đến quán thường gọi món ăn của anh Lâm là "bắp xúc", bởi khi ăn món này thực khách cần phải xúc một muỗng thật nhiều với đầy đủ các món ăn kèm thì mới cảm nhận hết được vị ngon.
Ngoài hai nguyên liệu là bắp nướng thơm lừng, nước mắm kẹo vừa miệng, sền sệt thì món ăn còn giòn rôm rốp với phần cơm cháy bóp nhuyễn, da heo chiên giòn, tóp mỡ, ruốc,... Trung bình mỗi ngày, anh chị bán 150-200 trái bắp, hơn 10kg da heo chiên giòn.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)