Chiều ngày 25/5, hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng Công ty Viglacera (Mã: VGC) được tổ chức tại Tp.HCM. Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thoái 17,97% vốn, tương đương hơn 80,5 triệu cổ phiếu VGC trong quý II. Nếu thành công, Bộ sẽ giảm sở hữu xuống còn 36% vào năm 2018 và về 0% vào năm 2019.
Giá thoái vốn là giá trần của ngày giao dịch nhưng tối thiểu là 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường trước ngày công bố thông tin.
Giá khớp lệnh tối thiểu do Bộ Xây dựng đưa ra đang cao hơn 7,4% thị giá. Do đó, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi mức giá này liệu có hợp lý và nếu không thoái được vốn thì sao?
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết giá tối thiểu thoái vốn cao hơn giá thị trường có vẻ không hợp logic. Tuy nhiên, khi Nhà nước giảm nắm giữ từ 100% xuống 53% thì hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp tốt, cổ phiếu tốt. Tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của Nhà nước xuống dưới 51% còn làm giá cổ phiếu tăng lên. Do đó, khi giảm xuống 36%, Bộ kỳ vọng hiệu quả doanh nghiệp sẽ tốt hơn nữa và trong dài hạn thì mức giá cổ phiếu trên là cơ hội của nhà đầu tư.
Đại diện Bộ cũng cho rằng giá thoái vốn này không cao, bởi thương hiệu vật liệu xây dựng Viglacera đứng đầu đối với các đơn vị xây dựng, diện tích các khu công nghiệp của Tổng công ty cũng đứng thứ tư với tỷ lệ lấp đầy đứng thứ nhất. VGC có những công ty con năm 2017 trả cổ tức đến 90%.
Trong trường hợp không thoái được vốn ở mức giá tối thiểu trên, Bộ sẽ không bán để đảm bảo giá trị doanh nghiệp và phù hợp quy định pháp luật về thoái vốn nhà nước. Nếu cần thiết, Bộ sẽ xây dựng lại phương án thoái vốn, làm các thủ tục thoái vốn và đẩy số cổ phần "ế" cho đợt bán vốn năm 2019.
Cũng theo đại diện của Bộ, đơn vị thẩm định giá đưa ra giá khởi điểm tối thiểu dựa trên 4 phương pháp. Theo dòng tiền chiết khấu, giá cổ phần VGC đạt 11.232 đồng/cp; theo phương pháp so sánh là 21.644 đồng/cp; theo phương pháp tài sản là 21.599 đồng/cp; theo giá trị thị trường là 24.100 đồng/cp (giá bình quân của 30 phiên liên tiếp ngay trước ngày công bố thông tin). Trong đó vị đại diện nhấn mạnh phương pháp tính theo tài sản là quan trọng nhất và Chính phủ ưu tiên nhất.
Lý giải việc dùng phương pháp khớp lệnh trên sàn mà không dùng đấu giá, đại diện Bộ Xây dựng nói VGC đã niêm yết HNX, số lượng cổ phiếu giao dịch nhiều, thanh khoản lớn, tạo thành giá mặt bằng chung. Hình thức đấu giá thích hợp với đơn vị giao dịch trên UPCoM thanh khoản kém.
Về đối tác chiến lược, ông Luyện Công Minh - Chủ tịch HĐQT VGC nói Tổng công ty không tìm được đối tác chiến lược, bởi VGC có hai mảng kinh doanh với tổng cộng 6 nhóm nhỏ. Các nhà đầu tư chiến lược mong muốn đi sâu từng mảng chứ không vào tất cả nên không thể có đối tác chiến lược nào đáp ứng tất cả mảng của VGC. Do đó, VGC chọn phương án bán rộng rãi cho mọi nhà đầu tư có tiềm lực, có khả năng mua cổ phiếu.