Trong bản tin mới công bố, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm ( Bộ Tài chính ) cập nhật những số liệu khá toàn diện, cụ thể về bức tranh thị trường bảo hiểm Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trước đó, Tổng cục Thống kê, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cũng đã lần lượt có những báo cáo, thống kê sơ bộ về diễn biến của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dịch Covid-19 .
Theo cập nhật từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 83.084 tỷ đồng,tăng 15,02% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 27.131 tỷ đồng, tăng 7,61% so với cùng kỳ. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, có thể thấy, trong khi số liệu về thị trường bảo hiểm nhân thọ sau 6 tháng đầu năm 2020 không có khác biệt so với thống kê của IAV thì với khối bảo hiểm phi nhân thọ đã có thay đổi nhất định.
Tuy nhiên, về tổng thể, các báo cáo đều cho thấy dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với đặc thù cần có sự gặp mặt trực tiếp để tư vấn cho khách hàng.
5 DOANH NGHIỆP LỚN CHIẾM HƠN 56% THỊ PHẦN BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ
Ở khối phi nhân thọ, Bảo Việt tiếp tục dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc với 4.650 tỷ đồng (giảm 7,07% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm thị phần 17,14%).
Tiếp đến là PVI (4.041 tỷ đồng, tăng 1,59%, chiếm thị phần 14,89%); PTI (2.940 tỷ đồng, tăng 6,60%, chiếm thị phần 10,84%); Bảo Minh (1.998 tỷ đồng, tăng 25,48%, chiếm thị phần 7,36%); PJICO (1.771 tỷ đồng, tăng 24,43%, chiếm thị phần 6,53%).
5 doanh nghiệp lớn trên chiếm tới 56,76% doanh thu phí báo hiểm phi nhân thọ của toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020.
Ngoài các doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nêu trên, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc cao so với cùng kỳ năm 2019 như OPES (139 tỷ đồng, tăng 16,39 lần); XTI (245 tỷ đồng, tăng 53,36%); BSH (922 tỷ đồng, tăng 50,29%); MIC (1.437 tỷ đồng, tăng 42,32%).
Ở thái cực khác, một số doanh nghiệp có doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm so với cùng kỳ năm 2019 là VASS (917 tỷ đồng, giảm 31,82%); Phú Hưng (23 tỷ đồng, giảm 15,98%); Samsung Vina (382 tỷ đồng, giảm 14,62%); QBE (120 tỷ đồng, giảm 14,35%); Liberty (295 tỷ đồng, giảm 10,96%)…
BẢO HIỂM NHÂN THỌ CÓ TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG DOANH THU PHÍ KHAI THÁC MỚI GIẢM GẦN MỘT NỬA SO VỚI CÙNG KỲ
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 17.304 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019.
Không có nhiều thay đổi so với năm 2019, thị phần dẫn đầu doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới tiếp tục lần lượt thuộc về Manulife (19,40%), Bảo Việt nhân thọ (16,30%), Prudential (14%), Daiichi (11,90%), AIA (11,70%)...
5 doanh nghiệp trên chiếm tới hơn 73% thị phần doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới, trong khi 13 doanh nghiệp cùng ngành khác chia nhau phần còn lại.
Từ đầu tháng 6, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đưa ra đánh giá, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến mức tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường dự kiến giảm còn 17,24% (năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm là 20,54%).
Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến tiếp tục tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra.
Còn doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm nhẹ do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải hàng không, vận tải biển,… dẫn đến doanh thu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không,… giảm so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.