Trước thềm kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm 2018 về báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đánh giá hệ số an toàn vốn (CAR) toàn hệ thống ngân hàng là chưa tin cậy. Loại trừ các ngân hàng yếu kém và các ngân hàng được NHNN mua 0 đồng, một số ngân hàng thương mại đầu tư trái phiếu chéo lẫn nhau, làm "cải thiện ảo" hệ số CAR. Nhiều Ngân hàng thương mại phân loại nợ không đúng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, tác động giảm hệ số CAR.
Số liệu công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở thời điểm cuối tháng 1/2018, hệ số an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống ngân hàng là 12,37% (không tham khảo được số liệu thời điểm 31/12/2017); đến cuối tháng 2/2019, hệ số CAR của toàn hệ thống là 11,8%, trong đó CAR của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 9,42% và nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 10,76%. So với thời điểm cuối năm 2018, CAR toàn hệ thống và 2 nhóm ngân hàng thương mại đều giảm ở cuối tháng 2/2019.
Nguồn: Số liệu Ngân hàng Nhà nước và tổng hợp báo cáo
Tổng hợp báo cáo của 20 ngân hàng thương mại trình bày trong kỳ họp thường niên năm 2019 cho thấy có 16/20 ngân hàng công bố hệ số CAR và một số ngân hàng đánh giá hệ số CAR của họ trong năm 2018 cải thiện hơn năm trước đó.
4 ngân hàng còn lại gồm: Vietinbank, OCB, VietA Bank và LienVietPost Bank không đề cập đến hệ số CAR cụ thể, hoặc chỉ có báo cáo chung về hệ số CAR của ngân hàng nằm trong quy định của Ngân hàng Nhà nước. Riêng OCB, trong năm 2018, OCB là một trong ba ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước công nhận hoàn thành chuẩn mực quốc tế Basel II.
Trong nhóm 16 ngân hàng có công bố hệ số CAR năm 2018, Kienlong Bank dẫn đầu với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 16,62%. Kienlong Bank là ngân hàng quy mô nhỏ có vốn điều lệ 3.237 tỷ đồng và tổng tài sản 42.310 tỷ đồng. Tiếp đến là Techcombank với tỷ lệ an toàn vốn cuối năm 2018 đạt 14,3%.
Có 5 ngân hàng có hệ số CAR năm 2018 đạt trong khoảng 12,1%- 12,8%; 4 ngân hàng có hệ số CAR năm 2018 trong khoảng 11,2% - 11,88%. Được biết, đối với trường hợp VPBank CAR năm 2018 đạt 12,3% nếu áp dụng theo Basel II CAR của ngân hàng này là 11,2%; ngân hàng VIB hệ số CAR năm 2018 là 12,88% thấp nhất trong 3 năm 2016 -2018, nếu áp dụng theo Basel II hệ số CAR của VIB năm 2018 là 10,2%.
Năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Sacombank hợp nhất đạt 11,9%, Sacombank ngân hàng mẹ là 10,71%; tương tự tỷ lệ an toàn vốn của BIDV hợp nhất là 10,3%, riêng ngân hàng mẹ 9,02%.
Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo thông tư quy định giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thay thế Thông tư 36/2014. Trong đó hệ số rủi ro được điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đề nghị đối với khoản vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên chịu hệ số rủi ro 150%, cao gấp 3 lần so với quy định hiện hành.
Lãnh đạo Ngân hàng HDBank trả lời câu hỏi của cổ đông trong kỳ họp thường niên năm 2019 cho biết: Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra dự thảo và chưa chính thức ban hành, chưa có thời gian thực thi cụ thể.
Tuy nhiên, theo đánh giá cá nhân vị lãnh đạo này, thời gian ban hành có thể vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020. Khi dự thảo áp dụng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các ngân hàng. Bởi hệ số rủi ro tăng lên, nếu các ngân hàng không tăng vốn điều lệ, tăng vốn chủ sở hữu thì hệ số CAR sẽ giảm, quy mô phát triển sẽ bị hạn chế.