Hết quý 1/2021, theo thông lệ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục công bố báo tổng hợp về tình hình dự trữ ngoại hối toàn cầu với số liệu cập nhật tới hết quý 4/2020.
Theo đó, tính đến cuối quý 4/2020, tổng dự trữ ngoại hối quốc tế đạt trên 12.700 tỷ USD, tăng gần 500 tỷ USD so với quý trước. Tương tự, dự trữ đã phân bổ tăng lên con số 11.871 tỷ USD, chiếm gần 93,5% tổng dự trữ ngoại hối quốc tế.
Như vậy, sau giai đoạn quý 1/2020 suy giảm, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã có liên tiếp 3 quý tăng trưởng liên tục với khối lượng dự trữ tăng khoảng 1000 tỷ USD sau 3 quý.
TỶ TRỌNG DỰ TRỮ USD TOÀN CẦU LẦN ĐẦU TIÊN XUỐNG DƯỚI 60%
Đáng chú ý, thống kê cho thấy, dự trữ dưới dạng USD toàn cầu tuy tiếp tục tăng về khối lượng so với quý liền kề, đạt trên 7.005 tỷ USD, nhưng vẫn tiếp tục giảm tỷ trọng so với quý trước và lần đầu tiên giảm xuống dưới 60% sau nhiều năm.
Xét theo quá trình dài hơn, dự trữ dưới dạng USD đã giảm từ tỷ trọng khoảng 70% vào cuối thế kỷ XX và trên 80% trong những năm 1970 xuống mức trên dưới 60% như hiện nay. Tuy nhiên, về tổng thể, USD vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối so với mức dự trữ của các đồng tiền chủ chốt khác.
Cụ thể, tuy liên tục giảm tỷ trọng nhưng tỷ lệ dự trữ USD vẫn cao hơn gần 2,8 lần so với đồng EUR - đồng tiền được dự trữ lớn thứ hai. Đồng EUR hiện chiếm tỷ trọng 21,24% trong tổng dự trữ ngoại hối đã phân bổ.
Nhìn một cách toàn diện, có thể thấy, trái với xu hướng giảm tỷ trọng USD, hầu hết những đồng tiền chủ chốt khác như Euro, bảng Anh (GBP), yên Nhật (JPY), Dollar Australia (CAD), Dollar Canada (AUD) hay Frank Thụy Sỹ (SWF) vẫn đang liên tục tăng nhẹ sau mỗi quý, cả về giá trị và tỷ trọng.
IMF NÓI GÌ VỀ VỀ ĐÀ GIẢM CỦA ĐỒNG USD?
IMF đánh giá, diễn biến trái chiều về tỷ trọng dự trữ ngoại hối giữa USD và những đồng tiền còn lại bắt nguồn từ xu hướng mất giá USD, khi đồng tiền này bắt đầu mất giá từ tháng 02/2020, sau khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên thế giới và nước Mỹ là tâm điểm, gây khó khăn cho nền kinh tế này.
Trong hai tháng 02-03/2020, các động thái nới lỏng tiền tệ quy mô lớn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) như bơm thêm tiền vào thị trường và thiết lập giao dịch hoán đổi USD với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã khiến USD giảm sâu.
Cụ thể, "chốt sổ" năm 2020, chỉ số USD-Index đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước xuống 89,52 điểm, lần đầu tiên sau khi giảm 9,9% vào năm 2017 và là mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2018.
Ở diễn biến gần đây, USD đang tiếp tục giảm giá trong những tháng đầu năm 2021, sau khi Chính phủ Mỹ đưa ra gói hỗ trợ tài khóa trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để đối phó với COVID.
Ở chiều ngược lại, năm 2020, EUR đã tăng 8,9% - ghi nhận 33 tháng tăng liên tiếp so với USD. Điều này gây khó khăn cho xuất khẩu và tăng lạm phát mục tiêu 2% của khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Một điểm đáng lưu tâm khác là sự tăng trưởng đều đặn, liên tục cả về tỷ trọng và khối lượng của đồng Nhân dân tệ (CYN) trên bản đồ dự trữ ngoại hối quốc tế trong những năm gần đây.
So với quý liền kề, giá trị dự trữ bằng đồng CYN đã tiếp tục tăng 8,9%. Còn nếu so với thời điểm đầu 2018 thì chỉ trong vòng 3 năm, khối lượng dự trữ CYN đã tăng tới hơn 80%.
Ngay cả thời điểm quý 1/2020, khi bùng phát dịch COVID-19, trong khi hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều suy giảm thì CYN duy nhất CNY là đồng tiền vẫn giữ được sự tăng trưởng đều đặn.
Tuy nhiên, dù có mức tăng trưởng đều đặn song có một thực tế là tỷ trọng dự trữ toàn cầu với CNY vẫn còn khá khiêm tốn. Đơn cử, dù tăng trưởng về giá trị tới 83% trong 3 năm qua song đồng nội tệ của Trung Quốc hiện mới chỉ chiếm hơn 2% trong cơ cấu dự trữ các đồng tiền chủ chốt và rất khó có thể xuất hiện trong Top 5.
Dữ liệu công bố của IMF được tổng hợp từ 149 báo cáo của các nước thành viên IMF và một số quốc gia khác, các tổ chức nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc tế.
Dữ liệu này được thu thập theo ba nhóm: Toàn thế giới, các nền kinh tế phát triển, các nước đang phát triển và mới nổi.
Đối với mỗi nhóm, dự trữ phân bổ bao gồm những đồng tiền dự trữ truyền thống (USD, EURO, GBP, JPY, SWF) và một số đồng tiền khác. Khi một quốc gia (vùng lãnh thổ) không báo cáo cơ cấu tiền tệ hoặc báo cáo không đầy đủ, phần dự trữ đó được cho là chưa phân bổ.