Ngân hàng cắt giảm chi phí , nâng lợi nhuận
Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy, dù trải qua một năm vô cùng khó khăn, lợi nhuận của phần lớn các thành viên vẫn có sự tăng trưởng so với năm trước.
Có được điều này là nhờ các nhà băng đã linh hoạt chuyển dịch qua hoạt động tín dụng bán lẻ, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ, phân phối bảo hiểm, chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối,...
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chi phí cũng đóng một vai trò quan trọng trong kết quả chung đạt được trong năm qua.
Khảo sát của BizLIVE tại 23 ngân hàng cho thấy, có tới 13 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm so với năm trước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của ACB, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm qua là 18.161 tỷ đồng, tăng 12,8% mức đạt được cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chi phí hoạt động trong năm được tiết giảm 8,3% giúp chỉ số CIR giảm mạnh từ 51,6% trong năm 2019 xuống còn 42% trong năm 2020.
Đây là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng tới 27,7% so với cùng kỳ, đạt 9.596 tỷ đồng.
Tại Eximbank, tổng thu nhập hoạt động năm 2020 của ngân hàng là 4.445 tỷ đồng, tương đương năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động của ngân hàng lại giảm 9,7% giúp chỉ số CIR giảm xuống còn 54,9%. Mặc dù con số này vẫn ở mức khá cao so với mặt bằng chung nhưng cũng đã cải thiện mạnh so với mức 60,2% cùng kỳ năm trước.
Một trường hợp khác, tổng thu nhập hoạt động năm 2020 của NamABank tăng tới 29,6% trong khi chi phí hoạt động gần như không đổi đã giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 9%, đạt 1.005 tỷ đồng.
Trong năm qua, dẫn đầu 23 ngân hàng khảo sát trong kiểm soát CIR ở mức thấp nhất và có thể xem là tối ưu nhất là VPBank, kế đến là Techcombank và đến Vietcombank.
Về cơ bản, một tỷ lệ CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.
Tuy nhiên, điều này đôi khi cũng mang tính thời điểm, như trong trường hợp ngân hàng trong giai đoạn đầu tư thì sẽ khiến CIR gia tăng, còn nhìn về dài hạn, việc đầu tư này sẽ giúp ngân hàng giảm bớt chi phí vận hành, từ đó kéo CIR xuống thấp trong tương lai.
Bên cạnh đó, cấu phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí hoạt động chính là quỹ lương. Theo giới phân tích, ngân hàng sở hữu một quỹ lương thưởng lớn không hẳn là một điều không tốt khi nó có thể có tác động tích cực đến hiệu quả làm việc của nhân viên.
Phân hóa hiệu quả khai thác tài nguyên
Bên cạnh khả năng kiểm soát chi phí, hiệu quả hoạt động của các nhà băng còn được thể hiện qua một số chỉ số khác bao gồm khả năng khai thác vốn (ROE) và khai thác tài sản (ROA).
Xét về hiệu quả khai thác tài sản, hiện ba ngân hàng có vốn Nhà nước (riêng Agribank chưa công bố BCTC quý IV/2020) vẫn đang là những thành viên có tổng tài sản lớn nhất khi tổng tài sản của mỗi ngân hàng đều đã vượt mức 1 triệu tỷ đồng. Dù vậy, hiệu quả khai thác của nhóm này chỉ ở mức trung bình thấp với Vietcombank đạt 1,45%, VietinBank đạt 1,06% và BIDV là 0,49%.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân mặc dù tổng tài sản khiêm tốn hơn nhiều nhưng lại là nhóm đang chiếm lợi thế trong việc khai thác tài nguyên.
Trong đó, Techcombank hiện đang là ngân hàng sở hữu chỉ số ROA cao nhất nhóm khảo sát với 3,06% cho cả năm 2020, tức với mỗi 100 đồng tài sản, cổ đông ngân hàng được nhận 3,06 đồng lợi nhuận. Con số này cũng có cải thiện đáng kể so với mức 2,9% đạt được cùng kỳ năm trước.
VPBank là ngân hàng có ROA cao thứ hai với 2,62%, tuy nhiên, con số này đã sụt giảm khá mạnh so với mức 4,04% đạt được trong năm 2019. Đứng sát sau là VIB và MBB khi ROA lần lượt đạt 2,16% và 1,9%.
Ở một số thành viên khác, dù bối cảnh chung khó khăn hơn nhưng ROA năm 2020 tiếp tục cho thấy hướng nâng cao so với năm 2019, như tại SeABank tăng từ 0,75% lên 0,81%.
Một mức ROA thấp là kết quả của một chính sách đầu tư hay cho vay không hiệu quả hoặc chi phí hoạt động của ngân hàng quá mức.
Ngược lại, mức ROA cao phản ánh ngân hàng sử dụng một cơ cấu tài sản hợp lý, chính sách kinh doanh và đầu tư tài sản hiệu quả.
Trong khi đó, xét về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, VIB đang là ngân hàng có suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong 23 ngân hàng khảo sát với chỉ số ROE năm 2020 đạt 29,55%, nghĩa là ngân hàng đã kiếm lời được 29,55 đồng trên 100 đồng vốn bỏ ra kinh doanh. Con số này cũng cải thiện đáng kể so với mức 27,1% đạt được trong năm 2019.
ACB đứng thứ hai với ROE đạt 24,31% trong khi TPBank đứng ngay sát phía sau với 23,54%.
VPBank, HDBank và Vietcombank cũng là những ngân hàng có hiệu quả khai thác vốn khá tốt với ROE đều trên 20% trong năm qua.
Ở chiều ngược lại, Saigonbank, Kienlongbank hay Vietcapitalbank đang là nhóm ngân hàng đứng cuối bảng khi ROE chỉ đạt lần lượt 2,7%, 3,27% và 4,22%.