Tan hoang những vựa rau
Thực trạng này diễn ra tại nhiều địa phương của miền Trung sau những ngày mưa bão đầu tháng 11. Vượt con đường bê tông còn tanh mùi bùn non, chúng tôi ngang qua các vựa rau lớn của Quảng Nam như xã Cẩm Kim, Trà Quế (TP.Hội An), Bàu Tròn (Đại Lộc), Gò Nổi (Điện Bàn)...; những cánh đồng rau xanh rì giờ chẳng còn gì ngoài bùn đất, rác và cỏ dại.
Ở nhiều điểm làng rau ven sông Thu Bồn như xã Cẩm Kim, lũ lụt quét sạch mọi thứ. Hàng chục ha hoa chỉ còn trơ đất trắng. Duy nhất, tít về phía xa, những bãi trồng đu đủ bắt đầu mục thân, nghiêng ngả là người dân có thể bòn mót được chút quả xanh.
Bà Phan Xô (72 tuổi), trú xã Đại An, huyện Đại Lộc chua chát kể, cũng như hàng ngàn hộ dân khác thuộc nhiều xã thuần nông ven sông Thu Bồn, Vu Gia, bà đầu tư ngót nghét chục triệu bạc trồng đủ thứ: Bí, đậu, đu đủ, mướp đắng... trên diện tích 5 sào ruộng. “Quả ngọt” chưa kịp hưởng thì nay chẳng còn gì. “Chục triệu bạc nghe thì nhỏ nhưng với nông dân chúng tôi là cả gia tài”, bà Xô ngao ngán nói.
Như một hệ lụy khi các vựa rau khủng trên địa bàn “chết yểu” sau thiên tai thì thị trường nông sản các tỉnh miền Trung biến động. Những ngày giữa tháng 11, PV đã có mặt tại nhiều khu chợ Quảng Nam để khảo sát. Tại đây, mặt hàng rau màu, hoa trái chỉ lèo tèo vài ba thứ.
Những vựa rau trái biến thành bãi đất hoang, sình lầy sau bão.
Nhiều quầy hàng thậm chí chỉ còn sót lại các loại củ, quả trước mưa lũ như: Khoai tây, cà rốt, hành... Giá cả các mặt hàng rau trái trên thị trường Quảng Nam hiện đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước Bão số 12. Đơn cử, tại chợ Hội An, 1kg su hào tăng lên đến 22.000 - 25.000 đồng/kg (gấp hơn 2 lần), 1 bó rau muống tăng lên 15.000 - 20.000 đồng (gấp 3 lần), rau húng tăng lên đến trên 60.000 đồng/kg (gấp 3 lần)...
Không chỉ Quảng Nam, TP.Đà Nẵng cũng trong tình cảnh tương tự. Do vựa rau lớn và duy nhất là Hòa Vang chịu chung số phận nên tình trạng đắt đỏ và khan hiếm ở địa phương này cũng xảy ra đồng loạt tại các chợ. Tại một điểm như chợ Hòa Mỹ, Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Đầu Mối (quận Hải Châu) mặt hàng nông sản rất ít và đắt đỏ. Theo ghi nhận của chúng tôi, để đối phó với tình trạng này, có một số tiểu thương chia nhỏ các bó rau ra cho dễ bán.
Bà Ngô Thị Hạnh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, tình trạng không có rau sạch cung ứng ra thị trường đang là “mẫu số chung” của nhiều nơi sau bão lũ. Giá cả các mặt hàng này đều tăng mạnh.
Chặn kiểu “ăn theo” bão
Một tiểu thương chợ Hội An chia sẻ, giá cả các mặt hàng rau trái đắt đỏ ngoài nguyên nhân các vựa rau trên địa bàn tan hoang vì bão, thì rau màu được chuyển từ Đà Lạt, miền Nam về do đường xa, chi phí cao nên giá cả càng tăng.
“Trước đây nhập rau từ mấy vùng lận cận, thuận lợi nên rau rất tươi. Bây giờ sau lũ phải vận chuyển hàng từ các nơi khác về nên rất khó khăn. Thậm chí nhiều vùng lân cận cũng rơi vào tình cảnh thiếu hụt nguồn cung nên việc nhập hàng khó. Giải pháp của chúng tôi là phải lấy hàng ở nhiều tỉnh xa hơn để phục vụ cho người mua”, chị Trần Thị Hoàng, tiểu thương chợ Hội An phân trần.
Hàng hóa rau màu tăng giá khiến người dân khó khăn trong chi tiêu, sinh hoạt sau bão.
“Khách quan thì khi bão lũ đến hoa màu mất trắng và giá cả tăng là điều bình thường. Tuy nhiên, tồn tại một thực tế đáng buồn là nhiều vùng, nhiều nơi ở miền Trung hay xảy ra tình trạng “ăn theo” bão lũ, viện cớ để “thổi giá” hàng hóa khiến đời sống người dân khó khăn hơn... Về tương lai, cần chú trọng công tác dự báo, định hướng, giúp đỡ của chính quyền đối với người dân trong hoạch định về cây trồng để giảm thiểu tác động của môi trường”, một chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện, đơn vị vẫn đang quyết liệt vào cuộc cùng người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát về giá cả các mặt hàng nông sản được bày bán trên thị trường. Tiến hành giám sát không để các loại nông sản không rõ nguồn gốc, chất lượng tuồn ra thị trường. Tới đây, nhà chức trách sẽ kêu gọi người dân chủ động khắc phục hậu quả, làm sạch ruộng đồng để có thể tái sản xuất. Qua đó, sớm khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung ứng rau sạch cho thị trường.