Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo lập khung pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, phù hợp và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK). Qua đó, tạo động lực thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển một cách bền vững; khuyến khích mạnh mẽ tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Đây là thông tin được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào ngày 6-6 tới.
Phóng viên: Ông có thể cho biết khái lược về một số điểm mới của Dự thảo Luật so với Luật Chứng khoán hiện hành?
Ông Trần Văn Dũng: Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã trải qua nhiều vòng lấy ý kiến, với nhiều hình thức và đối tượng khác nhau; được Chính phủ phê duyệt và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã cho ý kiến thẩm tra. Dự thảo Luật bao gồm 10 Chương, 136 Điều. So với luật hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi 97 Điều, bổ sung 31 Điều, bãi bỏ 31 Điều và giữ nguyên 8 Điều.
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, cũng như trao đổi với các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Qua trao đổi, các chuyên gia đều cho rằng, Dự thảo Luật đã tiệm cận được các nguyên tắc, chuẩn mực tiên tiến của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO); đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với đặc điểm tình hình của nền kinh tế Việt Nam.
Quá trình soạn thảo Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã bám sát mục tiêu, yêu cầu đề ra khi sửa luật và dựa trên tám nhóm chính sách lớn đã được Chính phủ thông qua. Qua quá trình cho ý kiến, về cơ bản các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá Dự thảo Luật được sửa đổi khá toàn diện; hồ sơ Dự thảo Luật được chuẩn bị đầy đủ, công phu, nghiêm túc. Theo đó, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã cơ bản đồng thuận với các nội dung lớn trong dự thảo.
So với Luật Chứng khoán hiện hành, Dự thảo Luật có nhiều điểm mới. Chẳng hạn như, về quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, Dự thảo Luật lần này tăng cường phân cấp, quyền hạn, trách nhiệm cho UBCKNN để thực thi chức năng quản lý, giám sát hoạt động của TTCK; bổ sung quyền hạn cho UBCKNN trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn TTCK, xử lý rủi ro hệ thống.
Về chào bán chứng khoán, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường, trong dự thảo điều kiện chào bán chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa cho phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời, bổ sung quy định nhằm tạo hành lang pháp lý để gắn cổ phần hóa niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán.
Về công ty đại chúng, Dự thảo Luật nâng tiêu chuẩn về vốn điều lệ đã góp của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung điều kiện về cơ cấu cổ đông; quản trị công ty; ...
Cùng với đó, nhiều quy định về thị trường giao dịch chứng khoán, về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, về tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên TTCK Việt Nam, về tổ chức kinh doanh chứng khoán, hay về công bố thông tin cũng có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, theo hướng khắc phục một số hạn chế phát sinh thực tiễn, phù hợp hơn với bối cảnh mới của thị trường và tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, về thanh tra, xử lý vi phạm, Dự thảo Luật bổ sung một số thẩm quyền của UBCKNN trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Dự thảo Luật còn nâng mức phạt tiền tối đa trong xử phạt hành chính so với quy định pháp luật hiện hành nhằm tăng tính răn đe đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.
Phóng viên: Thưa ông, qua quá trình lấy ý kiến, một số chuyên gia cho rằng, việc nâng quy định về vốn điều lệ đối với công ty đại chúng (CTĐC) từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng và quy định 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ, sẽ hạn chế khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ông có thể lý giải cụ thể hơn về quy định này?
Ông Trần Văn Dũng: Theo khái niệm được đưa ra tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), CTĐC là công ty cổ phần thuộc loại hình: có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ; và công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với UBCKNN theo quy định. Việc nâng cao tiêu chuẩn đối với CTĐC là phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn quy mô doanh nghiệp, thực tiễn quản lý tại Việt Nam.
Cơ sở của việc nâng tiêu chí vốn điều lệ của CTĐC ở mức vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng là nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường đồng thời để phù hợp với điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Dự thảo Luật. Quy định hiện hành vốn điều lệ chỉ yêu cầu là 10 tỷ đồng, nhưng thực tế hiện nay, quy mô của các doanh nghiệp trên TTCK đã tăng lên rất nhiều. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số lượng CTĐC bao gồm các công ty niêm yết tại HOSE, HNX, UPCoM và OTC là 1.940 công ty, trong đó, 1.572 CTĐC có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên (chiếm 81,04%).
Thực ra, khi xây dựng Dự thảo Luật, Ban soạn thảo đã cân nhắc giữa việc quy định 30 tỷ đồng hay 50 tỷ đồng và các chuyên gia quốc tế cũng đề nghị con số 50 tỷ đồng để tương ứng với quy định của các nước trong khu vực, song sau đó, Ban soạn thảo quyết định chọn 30 tỷ đồng để phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Còn với quy định, CTĐC phải có 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Thực tiễn quản lý cho thấy có một số CTĐC mặc dù có trên 100 cổ đông, nhưng số lượng cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu chiếm tỷ trọng trên 90% số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Theo đó, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) là không đáng kể và theo khuyến nghị của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới, cơ quan quản lý nên tập trung quản lý đối với các công ty cổ phần có cổ phiếu được giao dịch tự do chuyển nhượng với tỷ lệ đáng kể - công ty cổ phần mang tính chất đại chúng. Như vậy, CTĐC không chỉ đáp ứng về mặt quy mô vốn điều lệ mà còn phải đáp ứng điều kiện cổ phiếu cần phải được giao dịch đại chúng.
Thực tiễn quản lý cho thấy, đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và không đảm bảo tính đại chúng về cơ cấu cổ đông sẽ không phải thực hiện các nghĩa vụ của công ty đại chúng cũng như đáp ứng chặt chẽ các quy định pháp luật chứng khoán như: đăng ký chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty... Các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể huy động vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp; đồng thời chi phí cho việc huy động vốn riêng lẻ của các doanh nghiệp nhỏ lẻ nội bộ sẽ ít tốn kém hơn so với việc thực hiện huy động vốn qua TTCK.
Phóng viên: Vậy trong dự thảo lần này, Ban soạn thảo hướng tới việc thu hút dòng vốn nước ngoài như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Dũng: Trong 20 năm thành lập và phát triển của TTCK, số liệu cho thấy mức độ tham gia của khối ngoại tương đối lớn và ổn định, đặc biệt phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Cụ thể, trong năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Nửa đầu năm 2019 (tính đến ngày 24-5), NĐTNN đã mua ròng gần 4.300 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và gần 7.500 tỷ đồng trái phiếu. Bên cạnh đó, NĐTNN đã tham gia tích cực vào các đợt cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn, như các thương vụ tại VNM, SAB, VJC, VRE, BSR VHM,...
Điều này thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng NĐT thế giới về khả năng phát triển của thị trường Việt Nam. Đó là thành quả chung của cả nền kinh tế, mà phía sau đó là chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, cũng sự nỗ lực ngành chứng khoán và thành viên thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc TTCK Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market) theo báo cáo của FTSE Russell công bố ngày 27-9-2018 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Có được những kết quả trên cũng có sự đóng góp tích cực từ quá trình hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao chất lượng, tính minh bạch, cải thiện chất lượng hàng hóa trên thị trường và quan trọng là chính sách mở cửa sở hữu nước ngoài trên TTCK tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đúng như một số ý kiến cho rằng, việc tham gia của dòng vốn nước ngoài vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, vì thế đây cũng là một trong những mục tiêu lớn mà Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này hướng tới.
Dự thảo Luật lần này có nhiều nhóm chính sách gián tiếp liên quan tới thu hút vốn ngoại được sửa đổi, bổ sung. Tất cả những quy định đó đều nhằm mục tiêu tăng tính minh bạch cho thị trường, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT, nhất là các NĐT nhỏ lẻ, qua đó giúp TTCK tăng tính thanh khoản, phát triển ổn định, bền vững và an toàn, từ đó tăng tính hấp dẫn của thị trường. Do đó, các chính sách này đều gián tiếp góp phần thu hút NĐTNN trên TTCK.
Bên cạnh đó, nội dung quy định trực tiếp về sự tham gia của NĐTNN trên TTCK cũng được đưa vào Dự thảo Luật để tạo khung pháp lý cao hơn cho vấn đề này. Dự thảo Luật quy định nguyên tắc NĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên TTCK Việt Nam tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể về quy định này nhằm triển khai việc mở cửa thị trường cho NĐTNN được thực hiện từng bước theo lộ trình, bảo đảm dư địa cho các bộ, ngành trong đàm phán, thương lượng và ký kết các hiệp định quốc tế.
Phóng viên: Việt Nam có nhiều cơ hội để được nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi và chúng ta đang rất nỗ lực để làm được điều đó. Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ hóa giải được những rào cản hiện nay và thúc đẩy nhanh hơn quá trình nâng hạng. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Ông Trần Văn Dũng: Việc nâng hạng TTCK không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan mà còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán sẽ góp phần tích cực thúc đẩy nhanh quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Để phát triển và nâng hạng TTCK một cách bền vững thì ngoài nỗ lực của ngành chứng khoán cũng cần chú trọng đến các vấn đề như tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế; các giải pháp của Nhà nước để bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững; và độ mở của quy định pháp lý để chia sẻ cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do đó, có thể nói sự phát triển và nâng hạng TTCK phải được nhìn rộng hơn câu chuyện của một ngành, mà cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả nền kinh tế.
Một số nội dung kiến nghị dưới đây cần sự phối hợp của các cơ quan đơn vị như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thúc đẩy quá trình nâng hạng của TTCK Việt Nam như: khái niệm về NĐTNN phù hợp; rà soát giảm bớt các lĩnh vực cần hạn chế sở hữu nước ngoài theo hướng chỉ giữ lại những lĩnh vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, các lĩnh vực còn lại cho phép mở cửa; cắt giảm thủ tục hành chính cho NĐTNN khi mở tài khoản vốn gián tiếp tại Việt Nam; cho phép ngân hàng thương mại trực tiếp phân phối chứng chỉ quỹ đại chúng theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu mở rộng các công cụ tài chính theo lộ trình phù hợp;...
Phóng viên: Mặc dù có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, tính răn đe trên TTCK vẫn chưa được như kỳ vọng do thẩm quyền trong thanh tra, giám sát của UBCKNN còn hạn chế và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Dự thảo Luật lần này có những quy định gì mới để khắc phục thực tế này, thưa ông?
Ông Trần Văn Dũng: Qua quá trình lấy ý kiến, đây cũng là nhóm vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức.
Do vậy, sau khi tiếp thu ý kiến, đồng thời nghiên cứu các văn bản liên quan và tham khảo thông lệ quốc tế, Dự thảo Luật đã bổ sung một số quyền cho UBCKNN như: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; Yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; Yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm.
Quy định của Dự thảo Luật đã khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là bộ nguyên tắc của IOSCO, cũng như phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán đạt hiệu quả.
Còn đối với chế tài xử phạt, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, Dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực sẽ tạo động lực thúc đẩy TTCK tiếp tục phát triển một cách bền vững. Luật sẽ giúp cải thiện chất lượng nguồn cung, thu hút vốn đầu tư của NĐT trong và ngoài nước trên TTCK, giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả; qua đó, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông.