Được thúc đẩy bởi Thủ tướng Lý Khắc Cường, sự thay đổi trong chính sách được đưa ra khi hàng chục triệu lao động đã mất việc do hoạt động kinh doanh đóng cửa và hoạt động vận chuyển gặp gián đoạn trong vài tháng qua. Ngoài ra, động thái này cũng đánh dấu một bước ngoặt của chính phủ Trung Quốc trong việc cấm các hoạt động bán hàng rong nhằm thắt chặt kiểm soát khu đô thị.
Bán hàng rong thường là cách thức để người nghèo sống tại thành thị và lao động nhập cư từ các vùng nông thôn kiếm sống. Và cho đến nay chính quyền đô thị vẫn không hài lòng với loại hình kinh doanh này, bởi họ đang tìm cách cải thiện cảnh quan bằng những tòa nhà cao tầng, quảng trường và những dự án xây dựng tái hiện lại các khu phố cổ.
Bởi hầu hết quán hàng rong và xe đẩy hàng hiện không được xem là hợp pháp, nên đây có thể là một cách để người kinh doanh không nộp tiền thuê nhà và đóng thuế. Thủ phủ của Bắc Kinh đã áp dụng những biện pháp cực kỳ mạnh tay trong một chiến dịch đẩy lùi hoạt động bán hàng rong vào năm 2017, yêu cầu toàn bộ cửa hàng nhỏ đóng cửa và dẹp các quán hàng rong, đẩy hàng trăm nghìn lao động ngoại tỉnh ra khỏi thành phố và coi họ là "đê đoan nhân khẩu" (low-end population).
Tuy nhiên, quan điểm của chính phủ Trung Quốc với những người bán hàng rong đã thay đổi khi vấn đề việc làm trở thành yếu tố ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Trong chuyến thăm đến thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) mới đây, ông Lý Khắc Cường cho biết các quầy hàng và cửa hàng nhỏ "đều rất quan trọng trong việc tạo việc làm", là một phần không thể thiếu đối với cuộc sống thường nhật của người dân.
Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm thành phố Yên Đài hồi tuần trước.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang thiếu đi những cách thức và phương tiện để cung cấp phúc lợi xã hội cho người thất nghiệp. Hệ thống do nhà nước quản lý đến nay chỉ có thể cung cấp cho 2,3 triệu người nhưng không bao gồm lao động nhập cư.
Sự ủng hộ của ông Lý Khắc Cường đã tạo tâm lý hứng khởi cho nhiều người dân trong việc tái khởi động các quầy hàng nhỏ trên phố và yêu cầu lực lượng quản lý đô thị (Chengguan) thay đổi cách giám sát những nhóm này. Theo truyền thông nhà nước, Chengguan tại thành phố Thụy Xương (tỉnh Giang Tây) đã thiết lập những địa điểm được phép mở hoạt động bán hàng rong trên phố và mời các nhà cung cấp đến kinh doanh. Trong khi đó, Chengguan tại Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, đã tìm hiểu cách thức thúc đẩy hoạt động này.
Các công ty công nghệ từ Tencent cho đến JD.com cũng tham gia bằng cách cam kết giúp đỡ những người bán hàng rong và các cửa hàng nhỏ. Trong khi đó, Wulin Motors đã sản xuất một chiếc xe tải mini để sử dụng làm quầy hàng nhỏ trên phố - hình ảnh này đã được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ rất nhiều trong tuần vừa qua.
Đầu những năm 1980, khi bắt đầu nắm bắt cơ hội của nền kinh tế thị trường, Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp tự làm chủ phát triển bùng nổ. Cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước đây từng hỗ trợ một cửa hàng bán hạt hướng dương ở tỉnh An Huy, nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh. Trong khi đó, nhiều "ông lớn" ở Trung Quốc cũng từng là người bán hàng rong, ví dụ như nhà sáng lập Lenovo – Liu Chuanzhi và nhà sáng lập tập đoàn Wahaha – Zong Qinghou.
Tuy nhiên, hiệu quả lâu dài của việc thúc đẩy hoạt động bán hàng rong đối với tăng trưởng kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Hiệu quả đạt được ngay lập tức sẽ là giảm bớt áp lực về tỷ lệ thất nghiệp, bởi những người mất việc có thể nỗ lực kiếm sống bằng cách tự kinh doanh.
Cai Fang – phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định, chính sách khuyến khích hoạt động bán hàng rong của Trung Quốc nên được áp dụng vĩnh viễn, bởi đây là cách hiệu quả để tạo ra việc làm. Ông nói: "Hoạt động này nên được kiểm soát chứ không phải bị cấm hoàn toàn."
Tham khảo SCMP