Năm 2020 vô cùng đặc biệt với những sự kiện chưa từng có tiền lệ, dịch bệnh Covid-19 đã len lỏi vào hầu hết mọi mặt đời sống kinh tế tại châu Á.
Hầu như không có doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh nào thoát khỏi tầm ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch. Đối với nhiều công ty, dịch bệnh đã "đốt sạch" doanh thu, kéo tụt số lượng khách hàng và thậm chí, chỉ sau một đêm, Covid-19 biến toàn bộ lợi nhuận của công ty thành thua lỗ.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng mang lại không ít cơ hội. Đối với những lĩnh vực như công nghệ thông tin, dịch bệnh đích thực là bàn đạp, qua đó, nâng tầng vị thế của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nhân nhanh tay nắm bắt cơ hội để bứt tốc trên đường đua với đối thủ. Phần lớn các thị trường chứng khoán đều bùng nổ, lấy động lực từ loạt biện pháp hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ các quốc gia.
Và ngay cả khi dịch bệnh không nổ ra, 2020 vẫn là một năm đầy biến động với nhiều doanh nghiệp khi những căng thẳng địa chính trị liên tục xuất hiện như mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - liên tục xấu đi và hệ quả là sự phân tách các chuỗi cung ứng đang ngày một rõ ràng hơn.
Nikkei Asian Review chọn ra những con số có ý nghĩa nhất trong năm 2020, giúp hình dung được những gì đã xảy ra với châu Á và những viễn cảnh có thể xảy ra trong năm 2021.
Hàng không 'mịt mờ'
Ít có ngành nào ảnh hưởng nặng nề hơn hàng không năm 2020. Sự sụt giảm quy mô hành khách của hãng hàng không Cathay Pacific là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Là công ty vận tải toàn cầu tại châu Á, hoạt động tại một trong những trung tâm thương mại bận rộn nhất của thế giới, việc thị trường hàng không đi xuống đã đẩy Cathay Pacific tới bờ vực phải dừng hoạt động.
Trong tháng 4/2020, theo tiết lộ của Ronald Lam, giám đốc thương mại và chăm sóc khách hàng của công ty, “vào một ngày bình thường, chúng tôi có thể phục vụ tới 100.000 hành khách, nhưng trong tuần này, con số này rớt xuống chỉ còn 302 hành khách".
Cathay Pacific trong tháng 4/2020 có lúc chỉ phục vụ 302 hành khách một ngày.
Tình hình hiện vẫn không có quá nhiều tiến triển. Trong tháng 11, Cathay Pacific phục vụ chưa tới 38.000 hành khách, mức giảm lên tới 98,6% so với cùng kỳ năm 2019. Hãng ghi nhận khoản lỗ lên tới 1,21 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, và dự đoán con số đó trong phần còn lại của năm 2020 còn lớn hơn nhiều.
Cathay Pacific, phải yêu cầu trợ cấp từ chính quyền Hong Kong, không phải là cái tên nổi bật duy nhất. Thai Airways buộc phải đệ đơn xin bảo lãnh phá sản lên tòa án. Philippine Airlines đang phải nhờ tới sự bảo trợ của tòa án trong quá trình tái cấu trúc nợ. Hai hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc đang có kế hoạch hợp nhất để có thể cải thiện tình hình tài chính, kinh doanh đang rất khó khăn của cả đôi bên.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu sẽ phải chờ tới năm 2024 mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch.
Tập đoàn Ant 'gãy cánh'
Trong năm có nhiều cổ phiếu của các công ty lớn lên sàn, thông tin “chấn động” nhất lại đến từ một thương vụ thất bại. Đó là đợt IPO của Ant Group với vốn hóa thị trường được định giá rất cao. Kế hoạch lên sàn của công ty Trung Quốc này bị “lạc nhịp” hồi đầu tháng 11/2020, sau khi sàn chứng khoán Thượng Hải đột nhiên cho tạm dừng niêm yết chỉ 2 ngày trước khi công ty này chính thức chào sàn với do nhiều quy định pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành bởi các cơ quan chức năng thay đổi.
Nếu trở thành hiện thực, đó có thể là thương vụ IPO có giá trị lớn nhất thế giới. Công ty công nghệ tài chính của Trung Quốc đặt mục tiêu huy động ít nhất 34,4 tỷ USD, và có thể lên tới 39,6 tỷ USD nếu như quyền chọn phân bổ vượt mức được thực thi, tại hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong.
Thương vụ này tạo ra một cơn sốt thực sự khi các nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua cổ phiếu của Ant với giá trị lên tới 3.000 tỷ USD, và toàn bộ số tiền đã được hoàn trả sau đó.
Ant Group có thể huy động tới 34,4 tỷ USD nếu IPO thành công. |
Động lực khiến cho Bắc Kinh cho tạm ngưng quá trình IPO vô cùng lớn này đến sau khi một loạt các quy định mới được ban hành bởi các cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính cho vay trực tuyến ngay sau khi Ant hoàn thiện bản cáo bạch IPO trong tháng 8/2020.
Cũng giống như nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài chính đã trỗi dậy mạnh mẽ trong thế giới công nghệ, Ant hoạt động với ít hơn rất nhiều các quy định pháp lý ràng buộc so với các định chế tài chính truyền thống. Sự chú ý đang ngày một tăng lên trên lĩnh vực này cũng sẽ ảnh hưởng tới các ông lớn mạng internet, trong đó bao gồm Tencent và JD.com, những công ty cũng đang sở hữu những doanh nghiệp tín dụng quy mô lớn.
Chứng khoán phục hồi trở lại
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản hầu hết đều mang một tâm trạng phấn khởi, bên cạnh đó là một chút ngỡ ngàng trong nửa cuối năm nay, khi chỉ số chứng khoán của quốc gia này, Nikkei Stock Average, hay còn được biết đến với tên gọi Nikkei 225, lên cao kỷ lục kể từ năm 1991, khi Nhật Bản phải đối mặt với sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng.
Chỉ số này đã tăng 13% trong năm nay, hoàn toàn hồi phục khỏi xu hướng giảm điểm của thị trường chứng khoán toàn cầu trong mùa hè, và tiếp tục cho thấy những dấu hiệu khả quan, lấy động lực từ hy vọng về một quá trình bùng nổ tăng trưởng sau khi các dòng vaccine Covid-19 được lưu hành rộng rãi.
Chỉ số Nikkei 225 đã lấy lại đỉnh lịch sử thiết lập năm 1991. |
Đà tăng giá với sự dẫn dắt của các công ty công nghệ tại Mỹ cũng khiến cho bầu không khí bao trùm Phố Wall cũng trở nên lạc quan hơn. Chỉ số Dow Jones liên tục lập đỉnh, lần đầu tiên vượt mốc 30.000 điểm.
Tuy chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản có những bước tăng trưởng ấn tượng hơn trong năm 2020, nhưng sẽ vẫn tỏ ra yếu thế nếu như so sánh với chỉ số Dow Jones khi nhìn lại chặng đường 30 năm đã qua. Chỉ số Dow Jones đã tăng trưởng gấp 12 lần so với thời điểm đầu năm 1991, trong khi chỉ số Nikkei 225 tới thời điểm hiện tại mới hồi phục trở lại mức kỷ lục năm đó.
Diễn biến chỉ số Nikkei 225 và Dow Jones trong 3 thập kỷ qua. |
Thị trường “nền kinh tế già nua” của Nhật Bản đã có một màn quay trở lại ấn tượng trong năm nay do các nhà đầu tư kỳ vọng rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi đại dịch kết thúc. Tuy nhiên, việc thiếu đi những cổ phiếu công nghệ phát triển nhanh, cùng với đó là những đình trệ kinh tế trong suốt 3 thập kỷ qua đã khiến cho thị trường chứng khoán Nhật Bản phải mất quá nhiều thời gian để phục hồi.
Cổ phiếu xe điện tăng cao
Nio, công ty phương tiện giao thông chạy điện đầu tiên của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, là một trong những công ty có mức tăng trưởng cổ phiếu ấn tượng nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.
Cổ phiếu của công ty mới 6 năm tuổi này, đang được niêm yết trên sàn chứng khoán New York, tăng 1.323% lên mức cao kỷ lục 57,2 USD/cổ phiếu vào ngày 24/11, biến Nio trở thành công ty sản xuất xe điện có giá trị cao thứ 2 tại Trung Quốc, xếp ngay sau công ty được tỷ phú Warren Buffet đầu tư là BYD.
Giá cổ phiếu Nio tăng 1.323% lên mức cao kỷ lục 57,2 USD/cổ phiếu vào ngày 24/11. |
Đà tăng trưởng ấn tượng này có được là nhờ xu hướng phát triển của toàn ngành, dẫn dắt bởi Tesla. Cổ phiếu công ty của tỷ phú Elon Musk cũng đã tăng gần 7 lần trong năm nay. Cổ phiếu của các công ty xe điện khác của Trung Quốc như Xpeng và Li Auto, các công ty cũng niêm yết tại Mỹ trong năm nay, đang tăng trưởng tốt, trong khi đó, doanh số cũng như thời hạn giao xe của Nio cũng giúp các nhà đầu tư cảm thấy tự tin hơn. Trong quý III/2020, Nio giảm khoản thua lỗ xuống chỉ còn 1,05 tỷ nhân dân tệ, từ mức 2,5 tỷ nhân dân tệ một năm trước đó.
Trong khi Nio hiện tại vượt qua General Motors về giá trị thị trường, công ty này từng đứng trên bờ thiếu hụt tiền mặt 9 tháng trước đó. Trong tháng 3/2020, công ty đã thông báo cho các nhà đầu tư rằng sẽ có thể không có đủ vốn để hoạt động trong vòng 12 tháng tới. Công ty phải bán 24,1% cổ phần cho chính quyền thành phố để nhận lại khoản tiền mặt trị giá 7 tỷ nhân dân tệ.
Trong năm tới, Nio sẽ phải đối mặt với nhiều hơn các thách thức từ Tesla, công ty đang lên kế hoạch sản xuất dòng sản phẩm SUV Model Y tại Trung Quốc, sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Nio.
Nio cũng phải đối mặt với rủi ro bị gỡ niêm yết tại thị trường Mỹ theo đạo luật được ban hành với mục tiêu loại bỏ các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán Mỹ vì không tuân thủ các quy định kiểm toán. Đạo luật này đã được nhất trí thông qua tại Hạ viện và theo kế hoạch, sẽ được tổng thống Trump ký để chính thức có hiệu lực trước khi ông rời nhiệm sở.
Đóng cửa
2020 được kỳ vọng sẽ là năm nhiều điểm nhấn của Nhật Bản, với ngành du lịch được dự đoán là yêu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng thay vào đó, quốc gia này đã cho đóng cửa biên giới trong suốt mùa hè vừa qua, khiến cho ngành du lịch thiệt hại nghiêm trọng, đồng thời làm gia tăng sự không hài lòng đến từ các đối tác kinh doanh quốc tế.
Trong tháng 7, khi Olympic Tokyo lẽ ra được khai mạc, lượng khách du lịch nước ngoài đã giảm tới 99,9% so với cùng kỳ năm trước đó, và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này đi xuống.
Lượng khách du lịch nước ngoài đã giảm tới 99,9% trong tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm trước đó, và là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này đi xuống. |
Trong năm 2019, Nhật Bản đón khoản 32 triệu khách du lịch quốc tế, trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất tại châu Á. Thành quả đó có được là nhờ việc chính phủ Nhật Bản gỡ bỏ nhiều quy định ràng buộc trong quá trình xin thị thực, bên cạnh đó, là sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ.
Ông Shinzo Abe, từ chức thủ tướng hồi tháng 9/2020, và người kế nhiệm Yoshihide Suga, đặt ra mục tiêu đón 40 triệu khách vào năm 2020 và 60 triệu khách vào năm 2030. Các công ty cung cấp dịch vụ lưu trú cũng mọc lên như “nấm sau mưa” nhằm đáp ứng nhu cầu tăng mạnh đó, cho dù 9 thành phố lớn, trong đó có Osaka và Tokyo, được dự báo sẽ phải đối mặt với rủi ro dư thừa nguồn cung phòng khách sạn trong năm 2021, theo CBRE.
Những mục tiêu đó sẽ thế nào nếu như không có Olympic? Nhật Bản hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài từ tháng 4 nhằm có thể khống chế đà lan rộng của dịch Covid-19. Biên giới của quốc gia này hiện vẫn đóng cửa đối với phần lớn các công dân nước ngoài. Ngành du lịch vốn đang gặp rất nhiều khó khăn của Nhật Bản đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp nhằm có thể cải thiện tình hình kinh doanh nhờ vào lượng khách du lịch trong nước, với sự trợ giúp của nhiều gói hỗ trợ cho ngành du lịch mà chính phủ tung ra trong tháng 7. Các kế hoạch hỗ trợ đó đang bị tạm ngưng do Nhật Bản đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm tăng cao, và vẫn còn đó một câu hỏi mở rằng liệu Olympic và khách du lịch sẽ quay trở lại thủ đô Tokyo vào tháng 7 năm nay hay không.
Thanh khoản tài sản
Đối lập với sự thất bại trong thương vụ IPO của Ant Group, việc thành công niêm yết cổ phiếu thương hiệu nước đóng chai Nongfu Spring trong tháng 9 giúp nhà sáng lập của công ty Zhong Shanshan thu hút được rất nhiều sự chú ý. Cổ phiếu của công ty tăng giá tới 85% trong ngày đầu tiên giao dịch tại Hong Kong, gián tiếp đưa Zhong lọt vào danh sách những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Doanh nhân 66 tuổi này được xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách các tỷ phú được thống kê bởi Hurun - viện nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải, công bố hồi giữa tháng 10/2020. Ông Zhong chỉ xếp sau nhà sáng lập của Alibaba - Jack Ma, và CEO của Tencent Holdings - Pony Ma.
Ông Zhong còn nắm quyền kiểm soát công ty dược phẩm sinh học Beijing Wantai Biological Pharmacy Enterprise chuyên sản xuất các bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 và HIV. Cổ phiếu của Wantai cũng đã tăng hơn 2.100% kể từ khi công ty chào sàn Thượng Hải hồi tháng 4.
Zhong Shanshan trở thành người giàu thứ 3 tại Trung Quốc theo xếp hạng từ Hurun. |
Rupert Hoogewerf, chủ tịch của Hurun, đồng thời là nhà nghiên cứu trưởng, cho biết rằng sự phục hồi nhanh chóng của giá cổ phiếu các doanh nghiệp Trung Quốc và nhiều cổ phiếu mới niêm yết đã đóng góp cho một giai đoạn gia tăng tài sản lớn nhất trong vòng 22 năm, kể từ khi danh sách này lần đầu tiên ra mắt.
Giá dầu
Một loạt các yếu tố thương mại phức tạp, thêm vào đó suy đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm sâu chính là những nguyên nhân dẫn đễn tình trạng giá hợp đồng tương lai dầu WTI có giá âm trong tháng 4/2020.
Hiện tượng giá dầu âm chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến cho ngành này phải đối mặt với nhiều hơn các vấn đề “dai dẳng”.
Giá hợp đồng tương lai WTI tại Mỹ có lúc giảm xuống -40,32 USD/thùng, tức người bán sẵn sàng trả thêm tiền để người mua nhận dầu. |
Đối với các công ty dầu mỏ quốc gia trong khu vực như Pertamina của Indonesia và Petronas của Malaysia, điều đó có nghĩa nhiều dự án sẽ không thể sản sinh ra lợi nhuận và việc đầu tư vào công tác thăm dò cũng sẽ bị giảm xuống. Ngân sách công sẽ lâm vào cảnh khó khăn tại tại các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Sự xuất hiện của vaccine Covid-19 và sự lạc quan vào nền kinh tế trong năm tới đã giúp giá dầu tăng 20% lên mốc 48 USD/thùng trong vòng 6 tháng qua tính đến cuối tháng 12. Nhưng mức giá này vẫn thấp hơn 20% so với một năm trước đó. Giá dầu thấp kéo dài cũng đặt ra câu hỏi cho tốc độ quá trình giảm thiểu sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang các dạng năng lượng tái tạo và các phương tiện giao thông sử dụng điện.
Ấn Độ - điểm nóng công nghệ mới
Thời điểm Mukesh Ambani tìm kiếm những khoản đầu tư cho Jio - công ty viễn thông của ông - không thể nào chính xác hơn. Reliance Industries, công ty mẹ của Jio, đang dần biến chuyển từ một công ty phải đối mặt với nhiều áp lực do tỷ lệ nợ cao trở thành một doanh nghiệp đánh tan đi những nghi ngờ về đại dịch Covid-19. Ambani đàm phán thành công các thương vụ hợp tác với nhiều cái tên lớn trong lĩnh vực công nghệ, từ Facebook cho tới Google.
Khoản tiền 20,2 tỷ USD đầu tư để đổi lấy phần nhỏ cổ phiếu của Jio giúp cải thiện tình hình tài chính của Reliance, và bên cạnh đó, giúp hình thành nên con đường dẫn tới sự thành công của trong quá trình IPO của Jio. Đó cũng là điểm nhấn cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ trong dịch bệnh, cùng với đó là sức mạnh nội tại của lĩnh vực này, đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ khi nổi lên là một trung tâm công nghệ mới. Khi Mỹ và Ấn Độ có cái nhìn không mấy thiện cảm với các công ty công nghệ Trung Quốc, lời “thỉnh cầu” của Reliance quả thực là một thông điệp đúng thời điểm.
Jio thu về các khoản đầu tư tổng trị giá 26,6 tỷ USD từ Reliance Industries, |
Trong tháng 11, Ambani kêu gọi được 6,4 tỷ USD tiền đầu tư cho Reliance Retail Ventures từ các nhà đầu tư tới từ Mỹ và Trung Đông. Reliance là Goliath (một dũng sĩ thời xưa) trong lĩnh vực bán lẻ của Ấn Độ nhưng vẫn đứng sau Amazon.com và Flipkart (thuộc sở hữu của Walmart). Với việc ngồi chung thuyền với các công ty đầu tư hàng đầu, Reliance Retail hiện có đủ nguồn lực tài chính để cạnh tranh sòng phẳng trên cả hai phân khúc bản lẻ truyền thống và trực tuyến của Ấn Độ, thị trường ước tính có giá trị lên đến 700 tỷ USD.
Thiết bị bảo hộ cá nhân trở nên thiết yếu
Nhờ có dịch bệnh lần này, Top Glove, công ty chuyên sản xuất găng tay y tế tại Malaysia, trở thành một trong những cái tên “nóng” nhất thế giới. Trong tháng 6, công ty này đạt lợi nhuận quý cao hơn tới 365% so với cùng kỳ năm 2019, và khối lượng các đơn hàng hàng tháng cũng tăng đến 180%. Thời gian hoàn thành các đơn hàng cũng tăng “từ 40 ngày lên 400 ngày”, công ty cho biết.
Nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty Lim Wee Chai hồi tháng 4 chia sẻ về tình hình sản xuất của công ty, về người lao động khi công ty phải đối mặt với một loạt các vấn đề trong bối cảnh cách ly xã hội và dịch bệnh.
Thời gian hoàn thành đơn hàng của Top Glove có lúc lên tới 400 ngày. |
Gần cuối năm nay, Top Glove phải cho đóng cửa phần lớn các nhà máy vì một ổ dịch đã bùng phát trong khu ký túc xá dành cho công nhân ngoại quốc của công ty. Công ty phải hứng chịu chỉ trích nặng nề từ phía chính phủ.
Có thời điểm, giá cổ phiếu của Top Glove tăng hơn 500% trong suốt năm 2020, nhưng sự bùng phát của ổ dịch ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu và khiến giá cổ phiếu của công ty này giảm 30% so với thời điểm cao nhất.
Nghĩ về bầu trời xanh
Sự sụt giảm của tình trạng ô nhiễm môi trường tại Trung Quốc trong những ngày đầu bùng dịch Covid-19, khi phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp và vận tải buộc phải tạm dừng, chính là một dấu hiệu “ngắn ngủi” để mọi người có thể kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn.
Chỉ số bụi mịn PM 2,5 giảm mạnh trong 30 ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, kết thúc vào ngày 3/2, theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và chất lượng không khí (CREA), một tổ chức nghiên cứu của Phần Lan.
Mức độ các chất ô nhiễm có hại, trong đó bao gồm NO2 và SO2 cũng giảm xuống, qua đó cho thấy quy mô ô nhiễm gây ra bởi các hoạt động kinh tế.
Chỉ số bụi mịn PM 2,5 tại Trung Quốc giảm mạnh trong 30 ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, kết thúc vào ngày 3/2. |
Người dân Trung Quốc hiếm khi mới được quan sát bầu trời xanh đến thế, và nguyên nhân là dịch bệnh Covid-19, nhưng quãng thời gian chất lượng không khí ở mức tốt cũng không kéo dài. Ngay khi mà các nhà máy điện, các nhà máy sản xuất và hoạt động giao thông vận tải quay trở lại hoạt động, sự ô nhiễm cũng vì đó mà đã quay trở lại mức tiền đại dịch trong tháng 5.
Một báo cáo mới đây của CREA cho thấy “sản lượng công nghiệp và chi đầu tư của chính phủ đã dẫn đầu xu thế hồi phục, trong khi các biện biện kích cầu mua sắm vẫn đang ở mức khiêm tốn hơn nếu đêm so sánh với các nền kinh tế lớn trên thế giới”. Cơ quan này cũng đưa ra lời cảnh báo rằng “ô nhiễm đang trở lại với tốc độ nhanh hơn tăng trưởng của nền kinh tế”.
Cho dù phải đối mặt với rất nhiều các vấn đề nghiêm trọng, có một điều không thể chối cãi rằng người dân trong khu vực đã có thời gian được tận hưởng một bầu không khí có chất lượng tốt hơn nhiều so với trước đó. Nếu như châu Á có thể trỗi dậy sau đại dịch trong khi tiếp tục chuyển hướng sang sử dụng ít hơn các chất gây ô nhiễm, đó sẽ là một kết quả hết sức tích cực của cuộc khủng hoảng Covid-19 đối với phần lớn người dân.