Theo một nghiên cứu mới công bố, số người châu Âu có thể kết nối với mạng 5G chỉ là 24% vào cuối tháng 9/2020, cao hơn so với con số 13% của cuối năm 2019. Tuy nhiên, điều đó trở nên lu mờ khi 76% người Mỹ có thể kết nối 5G. Ở một số nơi tại châu Á, chẳng hạn như Hàn Quốc, con số này là 93%.
Sự kém hiệu quả ở châu Âu làm gia tăng lo ngại về tác động kinh tế của khu vực. Mạng 5G được hầu hết các chính phủ coi là hạ tầng quốc gia quan trọng và là chìa quá trong việc hiện đại hóa hoạt động sản xuất, giao thông cho tới chăm sóc sức khỏe.
Trong thập kỷ qua, Ủy ban châu Âu đã nói nhiều lần rằng châu lục này sẽ đóng vai trò hàng đầu trong kỷ nguyên 5G đồng thời đưa ra nhiều "kế hoạch hành động" nhằm kích thích đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ đã bị đình trệ.
Các tập đoàn Deutsche Telekom, Vodafone, BT, Telefónica và Telecom Italia đều đã tung ra 5G và nâng cấp mạng cố định. Tốc độ đầu tư vào lĩnh vực này cũng đang tăng lên. Năm 2019, con số là 52 tỷ euro, cao hon so với 48,6 tỷ của một năm trước đó.
Tuy nhiên, mức đầu tư bình quân vẫn thấp hơn ở các khu vực khác. Ở châu Âu, chi phí đầu tư trung bình trên vốn của mạng lưới mới là 94,8 euro thấp hơn so với 147,9 euro ở Mỹ và 233 euro ở Nhật Bản. Những quy định chặt chẽ và thiếu nhất quán đã cản trở sự tiến bộ trên thị trường châu Âu, tạo ra sự phân mảnh và khiến lợi nhuận đầu tư thấp hơn.
"Các công ty viễn thông châu Âu đang đầu tư nhiều hơn trước đây nhưng điều này không đủ để thu hẹp khoảng cách. Chúng tôi cần động thái chính sách mạnh mẽ và sự sẵn sàng cao", Lise Fuhr, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà khai thác mạng viễn thông công cộng châu Âu (ETNO) cho biết.
Các công ty châu Âu đang chi một phần doanh thu lớn cho việc nâng cấp mạng lưới so với khu vực khác. Tuy nhiên, doanh thu trung bình hàng tháng trên thiết bị di động của mỗi người dùng trong khu vực chưa tới 15 euro, thấp hơn nhiều so với 23,7 euro ở Mỹ, 28,1 euro ở Nhật Bản và 36,9 euro ở Mỹ. Điều này ảnh hưởng bất lợi tới quá trình đầu tư vào châu Âu.
Trong khi đó, 5G vẫn chưa nổi lên như một công nghệ tiêu dùng buộc phải có dù được coi là động lực kinh tế cho nhiều ngành công nghiệp. Các nhà máy công nghiệp hàng đầu của châu Âu đã cảnh báo cần thu hẹp khoảng cách, vốn đang ngày càng gia tăng, giữa 5G ở châu Âu với Mỹ và châu Á. Việc không phối hợp triển khai đồng bộ toàn khu vực có thể khiến chuỗi cung ứng kém cạnh tranh, dẫn tới giảm đầu tư.
Giải phóng phổ tần cho 5G là chìa khóa của quá trình đó. Chỉ có Phần Lan là quốc gia duy nhất hoàn thành đấu giá băng tần cần thiết cho 5G. Trong khi đó, hàng chục quốc gia khác bao gồm Bỉ, Ba Lan và Bồ Đào Nha vẫn chưa tiến hành bất cứ cuộc đấu giá nào.
Hiện tại, 21,6 tỷ euro đã huy động được từ các cuộc đấu giá băng tần 5G ở châu Âu nhưng cách tiếp cận trái ngược ở các quốc gia khác nhau tạo ra rào cản. Ở Mỹ, cơ quan quản lý buộc phải bán một lượng lớn băng tần để phục vụ 5G và hiệu quả đã được chứng minh.