Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam ( SPS Việt Nam ) - cho biết, trung bình mỗi tháng văn phòng cập nhật khoảng 100 thông báo dự thảo hoặc thông báo có hiệu lực các biện pháp về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) của thành viên WTO. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng thông báo dự thảo các biện pháp SPS ngày càng gia tăng.
Theo ông Nam, hiện Việt Nam có 5 mặt hàng thuộc diện bị kiểm soát của EU khi xuất khẩu vào thị trường này. Đối với các mặt hàng chịu tần suất kiểm tra biên giới gồm: Ớt có tần suất biên giới (phụ lục 1) kiểm tra 50%; các loại mỳ, bún, miến, phở dạng khô có gia vị ( mỳ ăn liền ) có tần suất kiểm tra biên giới 20%; sầu riêng với tần suất kiểm tra 10%.
Đáng chú ý, Việt Nam còn 2 mặt hàng là đậu bắp và thanh long phải chịu kiểm tra với tỷ lệ tương ứng là 50% và 20% và phải bổ sung chứng nhận kết quả lấy mẫu và phân tích mẫu theo quy định của EU (phụ lục 2).
Theo ông Nam, phía bạn cũng thông báo tăng tần suất đối với sản phẩm thanh long và đậu bắp của Việt Nam với lý do thời gian vừa qua, số lượng các lô hàng thanh long và đậu bắp xuất khẩu sang thị trường này vẫn còn bị cảnh báo . Dự kiến thời gian áp dụng quy định mới vào tháng 7 tới đây.
“Phía EU rất thẳng thắn khuyến nghị các nhà xuất khẩu, cơ sở sản xuất của Việt Nam cần phải hiểu đúng quy định của EU để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu vào đây. Nếu nông sản của Việt Nam không kiểm soát tốt mức dư lượng tối đa cho phép và tuân thủ các quy định, có thể kỳ rà soát tiếp theo, hai sản phẩm này sẽ bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ nhập khẩu (dù đây là những sản phẩm có nhu cầu rất cao tại thị trường EU)”, ông Nam nói.
Để hạn chế nguy cơ tạm dừng nhập khẩu, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp cần cập nhật, tuân thủ và hiểu đúng các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật và các quy định liên quan của thị trường EU; đặc biệt tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật , kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm.
Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tham khảo chính thức tại cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn.
Trong một diễn biến khác, mới đây đại diện Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm - Ủy ban châu Âu (DG-SANTE) thông báo với Việt Nam dự kiến sẽ đưa sản phẩm mỳ ăn liền ra khỏi danh sách sản phẩm không còn chịu tần suất kiểm tra tại cửa khẩu 20% khi xuất khẩu sang EU.