Các kho nổi trữ LNG đang ngày càng trở nên phổ biến khi châu Âu chạy đua với thời gian để có được càng nhiều khí đốt tự nhiên càng tốt.
Trong tháng này, có thêm một nền tảng nổi để trữ LNG (Floating LNG - FLNG) bắt đầu xuất khẩu khí đốt từ Mozambique sang châu Âu trong khi một số FLNG và kho chứa nổi (FSRU) khác đã được thiết lập ở châu Âu, chỉ vài tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Nhu cầu với các dự án LNG nổi đang tăng cao, ở cả các nước nhập khẩu lẫn sản xuất khí đốt. Nhà đầu tư có xu hướng chi cho các dự án FLNG nhỏ, chi phí thấp hơn, khả năng hoàn vốn nhanh so với các cơ sở lưu trữ LNG khổng lồ trên đất liền với thời gian xây dựng lâu gấp đôi.
“Các dự án FLNG đang ngày càng thu hút sự quan tâm”, Fraser Carson, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nói với Bloomberg. “Chúng tôi thấy các bên cho vay sẵn sàng cung cấp tài chính cho các dự án FLNG”. Trong vài tháng qua, các dự án FLNG nhận được sự hưởng ứng của cả các nước sản xuất và nhập khẩu khí đốt.
Ở châu Âu, một số dự án FSRU đang được thành lập ở Đức, Hà Lan và Phần Lan.
“Hiện tại, lựa chọn nhanh và rẻ hơn để có thể nhập khẩu LNG là thuê các FSRU”, Kausshal Ramesh, chuyên gia phân tích khí & LNG cấp cao tại Rystad Energy nói với Financial Times vào đầu năm nay. “Không đâu phù hợp để sử dụng FSRU hơn là châu Âu hiện nay”, ông nói thêm.
Các cơ sở lưu trữ LNG nhập khẩu trên đất liền đắt hơn nhiều, mất nhiều năm để xây dựng và cuối cùng, chúng có thể khiến các nhà đầu tư mắc kẹt tài sản nếu châu Âu đạt được mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí tiêu thụ và ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Do đó, nhiều quốc gia khu vực Bắc Âu đang tìm cách thuê FSRU để nhập khẩu LNG, đảm bảo cung cấp khí đốt cho vài mùa đông tới, cho đến khi EU đạt được mục tiêu cắt giảm tiêu thụ khí đốt thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy sử dụng khí hydro và khí tái tạo.
Tại Hà Lan, nhà cung cấp khí đốt Gasunie đã xây dựng một FLNG ở Eemshaven, đưa vào hoạt động từ tháng 9, chỉ 6 tháng sau khi lên ý tưởng.
Trong khi đó, Đức đã thuê một số FSRU từ tháng 5 với 2 trong số đó dự kiến hoạt động vào cuối năm nay. Tuần trước, Đức cho biết đã hoàn thành việc xây dựng bến LNG nổi Wilhemlmshaven. Hiện tại, Đức có 6 FLNG được lên kế hoạch sử dụng vào cuối năm 2023. Các RSRU của họ có khả năng nhận khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của Đức, theo ước tính của Reuters.
Tất nhiên, các dự án FLNG này có công suất sản xuất thấp hơn nhiều so với các nhà máy trên đất liền. Tuy nhiên, chúng là giải pháp thay thế rẻ hơn, nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngăn và trung hạn ở châu Âu.